Hiệp hội Truyền hình: Nhà mạng và nhà quảng cáo cần tham gia xử lý vi phạm bản quyền

Hiệp hội Truyền hình: Nhà mạng và nhà quảng cáo cần tham gia xử lý vi phạm bản quyền

Truyền hình truyền thống bị mất 30% khán giả vì OTT

Theo ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam , những người trẻ ở độ tuổi 25 tuổi trở xuống ít khi xem truyền hình truyền thống mà họ xem trên mạng xã hội qua thiết bị điện thoại hoặc máy tính bảng. hương thức xem truyền hình qua mạng Internet đã chia sẻ một lượng khá lớn các khán thính giả xem phát thanh truyền hình truyền thống, khiến lượng khán giả xem truyền hình truyền thống giảm xuống khá mạnh ước tính lên đến 30% và ngày sẽ càng có xu hướng giảm nữa và xem nội dung trên Internet đáp ứng được tối đa nhu cầu giải trí của con người.

Trong khi truyền hình truyền thống được quản lý rất chặt, để cung cấp truyền hình truyền thống phải được cấp phép, phải tuân thủ rất nhiều quy định nghiêm ngặt về quản lý nội dung, phải sản xuất nội dung đúng về đường lối chủ trương chính sách pháp luật, đảm bảo tính thẩm mỹ, tính văn hóa thì ngược lại trên môi trường Internet các dịch vụ OTT từ nước ngoài như Netflix, Holu cung cấp vào Việt Nam khá dễ dàng nhưng chưa được quản lý chặt, ảnh hưởng đến kênh chính thống trong nước.

Bên cạnh đó, truyền hình chính thống được cấp phép, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng lại bị mất chất xám, bị xâm hại bản quyền trên môi trường Internet. Giá trị chất xám của nội dung truyền hình khi sản xuất rất lớn, đầu tư khá nhiều tiền và công phu nhưng khi vừa phát sóng xong chỉ khoảng 1h sau trên mạng đã có. Sản phẩm nội dung bị sử dụng nhiều và dễ dàng, khoảng 1 năm nay rất nhiều bộ phim của SCTV vừa phát xong 1h sau đã có 60-70 địa chỉ IP phát lại trên Internet, điều này khiến SCTV bị chia sẻ rating rất lớn, ảnh hưởng tới chương trình truyền hình của đài, làm ngành truyền hình ngày càng bị đi xuống, ảnh hưởng tới những người làm ăn chân chính, sản xuất nội dung chân chính.

Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNPayTV cho rằng, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực truyền hình đang diễn ra khá phức tạp. Việc phát sóng và truyền dẫn các nội dung chương trình có bản quyền được thực hiện thông qua môi trường số chiếm tỷ lệ cao khiến cho vấn nạn xâm phạm các nội dung truyền hình ngày càng trở lên phổ biến.

Đặc biệt là đối với các chương trình thể thao và giải trí nước ngoài từ nhiều nguồn khác nhau. Các đối tượng vi phạm đã thực hiện lồng tiếng hoặc phụ đề Việt ngữ, hình ảnh và lời thoại không được biên tập mà giữ nguyên gốc nên có những nội dung phản cảm, vi phạm pháp luật Việt Nam, gây tác hại xấu đến người xem, đặc biệt là giới trẻ.

Trước tình trạng này, các thành viên của VNPayTV đã phải áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ nguồn tín hiệu của mình. Các đơn vị truyền hình trả tiền đã lập bộ phận chuyên trách thường xuyên theo dõi để phát hiện và thu thập chứng cứ về những hành vi vi phạm bản quyền nội dung kênh, chương trình truyền hình. Tuy nhiên, việc thu thập chứng cứ, tìm địa chỉ và liên lạc với các đối tượng xâm phạm bản quyền gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là với những trang mạng có địa chỉ tên miền ở nước ngoài nhưng không thông báo hoạt động cho cơ quan chức năng ở Việt Nam.

Rất nhiều trường hợp sau khi thu thập chứng cứ về hành vi vi phạm, các đơn vị sở hữu đã gửi thư điện tử cảnh báo cho đối tượng xâm phạm, còn những đối tượng bất chấp cảnh báo đã bị đơn vị sở hữu gửi đề nghị lên cơ quan chức năng như Cục A87, Cục C50 Bộ Công an, Thanh tra Bộ TT&TT để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Về lâu dài, các đơn vị sở hữu đã tính chuyện khởi kiện ra tòa án để yêu cầu cải chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại.

Hiệp hội Truyền hình: Nhà mạng và nhà quảng cáo cần tham gia xử lý vi phạm bản quyền

Truyền hình truyền thống đang bị mất nhiều khán giả trẻ vì OTT. Ảnh minh họa: Internet

Nhà mạng và nhà quảng cáo cần được giao trách nhiệm xử lý vi phạm bản quyền

Theo ông Lê Đình Cường, thiệt hại do bị vi phạm bản quyền nội dung truyền hình rất lớn, nhưng chủ sở hữu bản quyền đang gặp khó khăn trong việc theo dõi, phát hiện, thu thập chứng cứ, khi cảnh báo yêu cầu chấm dứt vi phạm thường gặp phải các đối tượng xâm phạm chây ỳ, bất chấp. Các biện pháp xử lý hành chính chưa được thực hiện quyết liệt, một số trường hợp đã bị xử lý lại chưa được thông tin rộng rãi để răn đe. Việc tiến hành khởi kiện còn dè dặt, dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền ngày càng gia tăng và phức tạp nên phải có những biện pháp mạnh hơn, thiết thực và hiệu quả, đồng bộ hơn để bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Lê Đình Cường kiến nghị, với các hành vi vi phạm bản quyền truyền hình trên môi trường số và Internet cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của cơ quan chức năng như: Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thanh tra TT&TT, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Cục A97, Cục C50 (Bộ Công an). Bên cạnh đó, cần áp dụng mạnh mẽ biện pháp ngăn chặn quảng cáo trên các trang web vi phạm bản quyền. Kiểm tra hoạt động của các nhà đăng ký tên miền tại Việt Nam trong việc tuân thủ uy định đối với các cá nhân, tổ chức đăng ký sử dụng tên miền nước ngoài.

Đồng thời, cần quy định trách nhiệm cho các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ bản quyền ở Việt Nam, ban hành bổ sung quy định cho các đơn vị cung cấp dịch vụ hosting, lưu trữ dữ liệu phải xóa nội dung vi phạm bản quyền khi nhận được email yêu cầu xóa nội dung, kèm giấy chứng nhận bản quyền nội dung đó mà không cần phải có sự tác động của cơ quan nhà nước. Việc này giúp bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tiếp tục áp dụng mạnh mẽ biện pháp ngăn chặn hoạt động quảng cáo trên các trang web vi phạm bản quyền.

Ông Lê Đăng Nguyên, Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long cũng đề nghị, Nhà nước cần khuyến nghị các nhà quảng cáo tẩy chay các hệ thống, trang web có vi phạm bản quyền. Vì đa phần các trang web vi phạm đều sống nhờ vào nguồn thu quảng cáo, nếu nguồn thu này bị cắt thì việc duy trì hoạt động sẽ khó khăn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận