Hiệp hội Truyền hình trả tiền kiến nghị chưa cấp phép dịch vụ OTT cho Netflix

Hiệp hội Truyền hình trả tiền kiến nghị chưa cấp phép dịch vụ OTT cho Netflix

Hiệp hội Truyền hình trả tiền kiến nghị chưa cấp phép dịch vụ OTT cho Netflix

Tại Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam lần thứ ba nhiệm kỳ II được tổ chức mới đây, VNPayTV đã đưa ra kiến nghị với Bộ TT&TT, trong thời gian chờ hoàn thiện các thủ tục, điều kiện về quản lý kiểm soát, kiểm duyệt nội dung đối với các đơn vị cung cấp nội dung OTT nước ngoài, trước mắt chưa cấp phép cho các đơn vị như Netflix, Amazon, kể cả đơn vị trong nước đang kinh doanh các loại đầu Android TV. Việc chưa cấp phép cho các ứng dụng OTT nước ngoài để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và đảm bảo công bằng đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, viễn thông trong nước.

Đồng thời, kiến nghị Bộ TT&TT và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có biện pháp quản lý dịch vụ cung cấp nội dung trực tuyến qua biên giới của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam.

Trước đó, tại Hội thảo “Phát triển nguồn thu và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực phát thanh truyền hình: Thách thức và cơ hội’ được tổ chức tại Đà Lạt mới đây, ông Trần Văn Úy, Tổng giám đốc SCTV, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cũng đề nghị Bộ TT&TT sớm triển khai các biện pháp, công cụ quản lý chặt chẽ dịch vụ OTT và nội dung trên Android TV Box. Chính sách quản lý hiệu quả tạo hành lang pháp lý công bằng, minh bạch cho tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình hoạt động tại Việt Nam.

Theo ông Trần Văn Úy, sự hiện diện của nhiều dịch vụ OTT xuyên biên giới, lớn nhỏ khác nhau, đại đa số khai thác kho nội dung của nước ngoài mà chưa chịu sự quản lý, kiểm duyệt chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Trong đó, có nhiều nội dung của các dịch vụ này không phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam, vi phạm quy định kiểm duyệt mà SCTV cũng như các đơn vị truyền hình chính thống trong nước đang hết sức tuân thủ.

Bên cạnh đó la vấn nạn vi phạm bản quyền tràn lan trên các trang mạng, có khi phim mua về chưa kịp phát sóng đã có phát trên mạng rồi, hoặc vừa phát xong tức thì trên mạng cũng có bản truyền hình vừa phát. Mặc dù đã có hẳn một bộ phận hàng ngày chuyên phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm nhưng vẫn không làm xuể, dẫn đến hậu quả đầu tư cho bản quyền, cho sản xuất thì nhiều nhưng người xem thấp, doanh thu sụt giảm. Chưa kể, xu hướng gần đây xuất hiện rất nhiều đầu thu Android Box tích hợp các ứng dụng nội dung giải trí có bản quyền không rõ ràng, quảng cáo tràn lan trên các trang báo mạng, thu hút một lượng người dùng không nhỏ, gây ảnh hưởng đáng kể đến việc đầu tư nội dung để phát triển thuê bao.

Còn đối với sự cạnh tranh trong nước, thời gian tới đây, truyền thông nói chung, truyền hình trả tiền nói riêng sẽ bị cạnh tranh vô cùng khốc liệt bởi các nhà mạng viễn thông như Viettel, VNPT, FPT ... Hiện nay, doanh thu của viễn thông chiếm 96%, truyền thông chỉ có 4%.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận