Hiệp sỹ Online: “Một tháng căng mình canh sóng World Cup 2018”

Hiệp sỹ Online: “Một tháng căng mình canh sóng World Cup 2018”

Ngay từ khi VTV có được bản quyền World Cup 2018 với những quy định rất nghiêm ngặt của FIFA về trách nhiệm bảo vệ bản quyền, trong trường hợp VTV không có biện pháp bảo vệ bản quyền World Cup 2018 trên lãnh thổ Việt Nam, rất có thể người Việt Nam sẽ bị dừng xem World Cup bất cứ lúc nào. Vì vậy, ngay sau khi có bản quyền, VTV liên tục phát đi các thông điệp kêu gọi cộng đồng tôn trọng và chung tay bảo vệ bản quyền World Cup.

Vào đêm 15/7/2018, khi trọng tài Nestor Pitanan nổi hồi còi kết thúc trận đấu cuối cùng của Vòng chung kết World Cup 2018 giữa Pháp và Croatia cũng chính là thời điểm mà rất nhiều người có trách nhiệm thở phào nhẹ nhõm vì sóng bản quyền World Cup đã đến được trọn vẹn với người dân Việt Nam, mặc dù tình trạng vi phạm bản quyền vẫn tràn lan.

Điều đặc biệt nhất là ngay trong ngày đầu tiên của giải đấu đã xuất hiện một nhóm Hiệp sỹ Online tự phát, họ tích cực rà soát, theo dõi và gửi ngay lập tức các đường link, các trang web vi phạm bản quyền World Cup tới VTV và HTV để kịp thời xử lý. Ngày đầu tiên nhóm có 4 người, sau đó số lượng người tham gia đông dần lên tới 34 người, là các thành viên thuộc các đơn vị truyền hình, báo chí và một số sinh viên. Có thể nói, đóng góp của Nhóm Hiệp sỹ Online đã góp phần rất lớn trong việc giữ sóng World Cup 2018 ở lại Việt Nam.

Sau 64 trận đấu World Cup 2018, Nhóm Hiệp sỹ Online đã phát hiện và báo cáo hơn 1.000 link vi phạm, trong đó vi phạm nhiều nhất là trên các mạng xã hội Facebook và YouTube. Nhiều tài khoản Facebook live stream bằng nick ảo, chẳng hạn như: Di Pót Con Kẹt, Oanh Liệt... Trên Youtube có nhiều kênh sử dụng hình ảnh của VTV và HTV để tự cắt, ghép làm video highlight trận đấu.

Thành công nhất của Nhóm Hiệp sỹ Online là đã phát hiện và xử lý được một số trường hợp tràn sóng truyền hình vệ tinh, khi phát hiện nhiều nhóm, trang trên Facebook share key (chia sẻ mã), mật mã các kênh VTV Cband, Còn ở Kuband, Nhóm đã phát hiện MobiTV để tràn sóng kênh HTV Thể thao, K+ vô tình mở khóa kênh VTV2 và kịp thời báo cáo cho VTV, HTV để có biện pháp khóa sóng kịp thời.

Nhóm cũng phát hiện một số đài phát thanh, trang web về radio tiếp sóng các kênh VOV trong thời gian có phát sóng trực tiếp World Cup 2018. Sau khi được cảnh báo, một số trang vi phạm đã dừng tiếp sóng.

Nhóm đã tìm ra một số App OTT như Việt Mobi TV, Fly TV, Bóng đá tivi+ đã phát sóng trái phép các kênh HTV, VTV trong lúc trận đấu đang diễn ra. Thực tế đã có hàng chục trang web cố tình vi phạm bản quyền World Cup 2018 như: xoilactv, mybongda, xoac.tv, vatvo.tv... Từ trận đấu của vòng 1/8, một số trang web như vatvo.tv có động thái đối phó bằng cách chặn IP, phải sử dụng DNS mới xem được. Riêng trang xoilac.tv tuyên bố: “không live tín hiệu kênh VTV thì không vi phạm bản quyền tại Việt Nam” nên vẫn ngang nhiên vi phạm.

Báo cáo kịp thời về hơn 1.000 trường hợp vi phạm bản quyền World Cup 2018 của Nhóm Hiệp sỹ Online đã giúp VTV, HTV xử lý sớm được các trường hợp vi phạm. Hành động này vừa giúp ngăn ngừa vi phạm, vừa giúp nâng cao ý thức của cộng đồng khi sử dụng mạng xã hội và Internet.

Hiệp sỹ Online: “Một tháng căng mình canh sóng World Cup 2018”

World Cup 2018 ở lại với người Việt Nam vào phút chót có sự đóng góp rất lớn của Nhóm Hiệp sỹ Online.

Kể về lịch sử hoạt động, đại diện của Nhóm Hiệp sỹ Online cho hay, vào tháng 5/2017, khi VTVCab bị vi phạm bản quyền giải bóng đá C1, Nhóm đã được thành lập với nhiệm vụ chính là cung cấp hình ảnh vi phạm của các đơn vị truyền thông trong nước cho Ban Thư ký biên tập của VTV để tiến hành xử lý. Tuy nhiên, sau đó rất tiếc là bản quyền C1 đã bị đối tác cắt, đó là nỗi buồn của các thành viên trong Nhóm.

Tháng 6/2018, khi nhận được tin VTV có được bản quyền World Cup 2018 và chia sẻ sóng sạch với HTV, các hạ tầng khác được phép tiếp sóng, Ban quản trị quyết định cho Nhóm tái hoạt động. Kể từ giai đoạn này, số lượng thành viên của Nhóm tăng đột biến, từ 4 thành viên ban đầu, đến khi kết thúc giải nhóm đã có 34 thành viên. Được sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông, Nhóm đã theo dõi tín hiệu sóng trên rất nhiều hạ tầng như: truyền hình mặt đất, truyền hình vệ tinh, truyền hình Internet (website, app, IPTV,...), phát thanh AM, FM, phát thanh online, phát thanh vệ tinh, theo dõi tín hiệu tất cả các đài PT-TH qua hệ thống Multiscreen, tín hiệu livestream trên Facebook, YouTube và các hạ tầng mạng xã hội khác.

“Nhìn lại một tháng qua, tôi thấy rất xúc động, mặc dù có một số người ghét vì cho rằng Nhóm là nguyên nhân để những đơn vị vi phạm bị cắt tín hiệu trên vệ tinh hay bị chặn khi livestream phát lậu. Song bên cạnh đó Nhóm cũng nhận được nhiều sư ủng hộ của các bạn yêu thể thao trên mọi miền Tổ quốc, điều đó đã thực sự động viên chúng tôi rất nhiều. Bởi vì chúng tôi suy nghĩ rằng bảo vệ bản quyền để sóng thể thao nói chung, World Cup nói riêng mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam. Số đông người Việt Nam người không có điều kiện trang bị những thiết bị đắt tiền như chảo vệ tinh để theo dõi, hoặc không có điều kiện sử dụng truyền hình trả tiền được theo dõi một kỳ World Cup một cách đàng hoàng, đầy đủ và chất lượng tốt là kim chỉ nam định hướng cho hoạt động của Nhóm”, đại diện Nhóm Hiệp sỹ Online chia sẻ.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận