Không nên suy diễn, chính trị hóa vấn đề nhiễu sóng tần số

Không nên suy diễn, chính trị hóa vấn đề nhiễu sóng tần số

Không nên suy diễn, chính trị hóa vấn đề nhiễu sóng tần số

Loa phường bị nhiễu sóng là hiện tượng kỹ thuật hết sức bình thường. Ảnh minh họa: Internet

Trao đổi với báo chí vào sáng ngày 19/7/2016, liên quan đến việc nhiễu sóng, chồng lấn sóng phát thanh truyền hình ở các khu vực biên giới, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho hay, băng tần dùng cho phát thanh truyền hình cả thế giới đều dùng chung băng tần. Do đó, sóng FM phát từ nước này sang nước khác, ở những nước có chung đường biên giới như Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia là hết sức bình thường. Kể cả trong lĩnh vực truyền hình hoặc thông tin di động cũng vậy, không thể ngăn sóng của nước này chồng lấn sang nước kia. 

Đối với phản ánh của người dân về việc trên loa truyền thanh không dây của phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng bị nhiễu sóng tiếng Trung Quốc vào ngày 17/7/2016 gây xôn xao dư luận trong 2 ngày qua, ông Hoan giải thích, truyền thanh không dây nếu phát sóng ở tần số FM, theo cơ chế các cụm loa tự động mở vào thời điểm đặt lịch phát sóng, khi cụm loa không đảm bảo chất lượng kỹ thuật, loa cũ hoặc bị sự cố kỹ thuật có khi phường này phát phường kia nghe, hoặc ở gần biên giới khi mở loa sẽ thu được sóng của nước ngoài.

Bằng các thiết bị chuyên dùng, Cục Tần số Vô tuyến điện đã ghi nhận được nhiều trường hợp sóng phát thanh ở nước ngoài truyền đến Việt Nam trong điều kiện thời tiết đặc biệt, làm môi trường truyền sóng trên mặt biển tốt hơn, sóng truyền xa hơn bình thường. Có trường hợp sóng có công suất phát rất nhỏ, nhưng ở một thời điểm thời tiết đặc biệt sẽ tạo hiện tượng ống dẫn sóng hình thành từ mặt biển truyền sóng từ nước ngoài vào Việt Nam. Và một số thiết bị ở Việt Nam có thể thu được tín hiệu trong thời điểm tức thời, không thường xuyên.

Ông Hoan đã giải thích cặn kẽ cho phóng viên về những trường hợp thu được sóng từ bên kia biên giới. Giả sử, nếu sóng phát thanh FM từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) trong điều kiện thời tiết đặc biệt có thể có hình thành các ống dẫn sóng tới vùng biển Đà Nẵng. Nhưng điều này hiếm khi xảy ra. Ở Đà Nẵng trước đây cũng ghi nhận có trường hợp như vậy, sau đó phải nâng cấp thiết bị, đưa bộ giải mã vào để xử lý kỹ thuật, tránh không bị nhiễu lặp lại.

“Cho đến bây giờ, nguyên nhân nhiễu sóng phát thanh truyền hình nếu có chỉ là nguyên nhân kỹ thuật, không nên suy diễn để chính trị hóa”, ông Hoan khẳng định.

Ông Hoan cũng cung cấp thêm thông tin, thế giới đã tiến hành xử lý gây nhiễu mạng phát thanh truyền hình của nước này gây ra cho nước kia. Ví dụ, hiện tại nhiều quốc gia đang đau đầu xử lý nhiễu từ các đài phát thanh truyền hình của Ý gây nhiễu cho Croatia, Pháp. Lý do là Ý cho các doanh nghiệp đấu giá phổ tần không đúng phổ tần đã được Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) cấp nên gây nhiễu cho cả vùng, đặc biệt là ở bờ Đông nước Pháp và bờ Tây Croatia. “Đây hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật, không phải vấn đề chính trị”, ông Hoan khẳng định.

Trở lại hiện tượng 1 cụm loa truyền thanh không dây trong tổng số 14 cụm loa của Đài truyền thanh phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng bị nhiễu sóng tiếng Trung Quốc theo phản ánh của người dân. Ông Hoan cho biết, trong trường hợp bị phát trùng tần số thì tất cả các cụm loa trên hệ thống Đài truyền thanh quận Ngũ Hành Sơn đều phải thu được cùng nội dung vào thời điểm đó. Còn trong trường hợp này chỉ có 1 cụm loa ở phường bị nhiễu sóng, trong thời điểm rất ngắn và không lặp lại thì nguyên nhân gây nhiễu nhiều khả năng do điều kiện kỹ thuật của cụm loa đó không đảm bảo.

Cục Tần số Vô tuyến điện cũng loại trừ khả năng bị mạng bộ đàm của các công ty Trung Quốc gần đó gây nhiễu, do ở Đà Nẵng chỉ có duy nhất 1 công ty Trung Quốc quản lý khách sạn 5 sao được cấp phép sử dụng bộ đàm nhưng trên 1 băng tần khác.

Không nên suy diễn, chính trị hóa vấn đề nhiễu sóng tần số

Mạng truyền hình cũng bị nhiễu sóng phát từ Campuchia.

Trong lĩnh vực truyền hình, từ đầu năm 2016, trên diễn đàn DVB-T2 Việt Nam có một số thành viên đã phản ánh việc tại một số khu vực ở đồng bằng Tây Nam Bộ sát với biên giới Campuchia, người dân khi rò sóng truyền hình số DVB-T2 đã thu được khá nhiều kênh truyền hình Trung Quốc phát sóng từ Campuchia. Nhiều nhất là một số khu vực ở Cần Thơ, An Giang. Long An…, có nơi đã thu sóng được hàng chục kênh truyền hình chủ yếu là kênh Trung Quốc. Thậm chí nguồn tín hiệu truyền hình phát sóng từ Campuchia mà người dân ở miền Tây Nam Bộ thu được còn mạnh hơn tín hiệu truyền hình số DVB-T2 do các đơn vị của Việt Nam phát sóng. 

Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2016 đã phải xử lý giải quyết 2 vụ can nhiễu phát thanh truyền hình và thông tin di động liên quan đến Campuchia và Trung Quốc tại khu vực biên giới với Việt Nam.

Theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, nguyên nhân của việc một số khu vực ở Việt Nam thu được sóng truyền hình từ Campuchia do nước này đang triển khai hệ thống phát sóng truyền hình có công suất lớn ở vùng biên giới, cùng với thời điểm Việt Nam đang triển khai số hóa truyền hình nên có hiện tượng bị chồng lấn sóng truyền hình ở khu vực vùng biên.

Vào ngày 13/7/2016 vừa qua, Cục Tần số vô tuyến điện đã có cuộc họp phối hợp tần số biên giới Việt Nam và Campuchia. Tại cuộc họp, hai bên thống nhất sẽ thành lập nhóm chuyên gia kỹ thuật của hai nước để thường xuyên trao đổi về quá trình số hóa truyền hình, trao đổi thông tin về các giấy phép truyền hình cấp mới tại khu vực vùng biên và phối hợp giải quyết các trường hợp can nhiễu có hại đối với truyền hình. Đồng thời, nghiên cứu khả năng phối hợp cho các đài truyền hình trong dải tần 470-694 MHz phù hợp với lộ trình số hóa của hai nước.

Khi phát hiện can nhiễu, cơ quan nhà nước phải kiểm soát, nếu phát hiện tần số phát trùng với tần số cấp phép ở trong nước liên quan đến các đơn vị của Việt Nam sẽ xử lý để chống nhiễu. Còn nếu do nước ngoài phát sóng trùng gây nhiễu thì phải xử lý kháng nghị với đơn vị phát sóng để điều chỉnh không gây nhiễu cho đài Việt Nam.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận