Luật sư Nguyễn Hoàn Thành: VTV không thể phủ nhận việc vi phạm bản quyền

Luật sư Nguyễn Hoàn Thành: VTV không thể phủ nhận việc vi phạm bản quyền

Luật sư Nguyễn Hoàn Thành: VTV không thể phủ nhận việc vi phạm bản quyền

Anh Bùi Minh Tuấn, người đang theo đuổi vụ kiện VTV vi phạm bản quyền. Ảnh: danviet.vn

Liên quan tới diễn biến mới nhất của vụ kiện VTV vi phạm bản quyền flycam của anh Bùi Minh Tuấn, trong văn bản giải trình Cục Bản quyền tác giả hôm 29/4/2016, VTV cho rằng, việc sử dụng các tư liệu flycam từ internet nói trên có thời lượng khá nhỏ trong tổng thời lượng chương trình và không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của clip gốc. Đồng thời, các cảnh quay flycam đó không phải là yếu tố chủ đạo của các chương trình mà chỉ góp phần cung cấp thông tin, bổ sung hình ảnh có tính minh họa đi kèm, thuộc trường hợp trích dẫn hợp lý được quy định tại Điều 32 của Luật Sở hữu Trí tuệ.

Trao đổi với ICTnews vào sáng 30/5/2016, Luật sư Nguyễn Hoàn Thành (Văn phòng Luật sư Thành và Cộng sự) nói rằng: “Không biết VTV không hiểu hay là cố tình không hiểu Luật khi phát biểu như trên. Bởi vì việc áp dụng điều 32 Luật Sở hữu Trí tuệ trong trường hợp này là không phù hợp”.

Theo Luật sư Nguyễn Hoàn Thành, hai video của anh Tuấn bị VTV vi phạm bản quyền là do anh Tuấn tự đầu tư thiết bị, chi phí để quay phim, tự dàn dựng thành một bộ phim hoàn chỉnh về du lịch. Bộ phim này thuộc sở hữu bản quyền của anh Tuấn và phát trên kênh YouTube Yamaha Trung Tá để quảng bá về du lịch. Tác phẩm này thuộc thể loại tác phẩm điện ảnh.

Điều 26 Luật Sở hữu Trí tuệ quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao, tuy nhiên tại khoản 3 nêu rõ “Điều này không áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh”.

Luật sư Nguyễn Hoàn Thành phân tích, theo khoản 3 điều 26 Luật Sở hữu Trí tuệ, tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh không thuộc trường hợp được phép khai thác, trích dẫn mà không phải xin phép, quy định này rất rõ ràng.

Điều này có nghĩa là khi trích dẫn một hình ảnh từ một tác phẩm điện ảnh hay một bộ phim hoàn chỉnh, dù chỉ sử dụng 1 giây cũng phải xin phép và được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền, đồng thời phải trích dẫn đầy đủ hình ảnh gốc, kèm theo thông tin về xuất xứ và nguồn gốc tác phẩm.

 “Trong các trường hợp vi phạm của VTV thì biên tập viên VTV tự tiện lấy hình ảnh mà không xin phép, đồng thời đã xóa hết thông tin về chủ sở hữu là vi phạm bản quyền rất nặng. Vi phạm này rất rõ ràng, tôi tin là Cục Bản quyền tác giả đã nắm rõ điều này. Không ai có thể phủ nhận hay hiểu nhầm được”, Luật sư Nguyễn Hoàn Thành khẳng định.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Hoàn Thành, VTV vận dụng Điều 32 cho phép “trích dẫn hợp lý” trong trường hợp này cũng không đúng. “Trích dẫn hợp lý” phải được hiểu là trích dẫn đầy đủ, kèm theo thông tin và nguồn gốc tác giả, nhưng phía VTV đã không làm như vậy.

Trong văn bản ngày 29/4/2016, VTV công nhận 3 chương trình bị anh Bùi Minh Tuấn ở Vĩnh Linh, Quảng Trị khiếu nại vi phạm bản quyền đều có sử dụng tư liệu khai thác từ internet. Cụ thể, trailer “Nhịp cầu yêu thương' phát sóng lúc 9h51 ngày 10/11/2015 trên VTV có thời lượng sử dụng tư liệu flycam trên internet là 1 giây, tổng thời lượng của clip này là 45 giây. Chương trình “Tác phẩm mới - Hồn thiêng đất Việt” phát sóng 23h08 ngày 8/10/2015 trên VTV1 có thời lượng sử dụng tư liệu flycam khai thác trên internet là 28 giây, trong tổng số thời lượng chương trình là 14 phút 11 giây. Chương trình “Chào buổi sáng” phát sóng lúc 6h53 trên VTV1 ngày 2/9/2015 có tổng thời lượng flycam khai thác trên internet là 28 giây, tổng thời lượng của chương trình là 1 giờ 30 phút.

Lý giải về việc các hình ảnh flycam đã gỡ bỏ các thông tin quản lý quyền liên quan (logo nhắc nhở bản quyền của kênh Yamaha Trung Tá - PV), văn bản của VTV cho hay, theo giải trình của các phóng viên, trong chương trình “Tác phẩm mới - Hồn thiêng đất Việt” và trailer “Nhịp cầu yêu thương” đã khai thác, sử dụng tư liệu flycam từ các clip trên internet đã gỡ bỏ từ trước đó các thông tin về chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan. Đối với chương trình “Chào buổi sáng” các phóng viên đã gỡ bỏ dấu hiệu thông tin quyền xuất hiện trong các cảnh quay với lý do là các logo này xuất hiện trong clip mang dấu hiệu tên doanh nghiệp (Yamaha) nên cần gỡ bỏ để tránh quảng cáo, nhất là trong chương trình thời sự ngày Quốc khánh 2/9.

Anh Bùi Minh Tuấn sau đó đã phản ứng lại lập luận nói trên của VTV và khẳng định, anh có đủ bằng chứng để chứng minh các biên tập viên VTV đã cố tình can thiệp bằng phần mềm thứ ba để tải các cảnh quay trực tiếp từ kênh YouTube Yamaha Trung Tá chứ không có chuyện khai thác tư liệu từ internet đã bị người khác xóa bỏ logo nhắc nhở bản quyền từ trước như văn bản đã nêu.

Mới đây, anh Bùi Minh Tuấn cho biết, anh sẽ gửi đơn lên Bộ TT&TT đề nghị xử phạt VTV vì vi phạm bản quyền.

Điều 26 Luật Sở hữu Trí tuệ quy định: Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao

1. Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của Chính phủ.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

3. Việc sử dụng tác phẩm trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận