Năm 2025: 100% dân số nghe, xem được các kênh phát thanh, truyền hình

Năm 2025: 100% dân số nghe, xem được các kênh phát thanh, truyền hình

Năm 2025: 100% dân số nghe, xem được các kênh phát thanh, truyền hình

Đến năm 2025, 100% dân số sẽ nghe xem được các kênh PT-TH. (Ảnh minh họa: Internet)

Chiều ngày 2/8/2017, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án "Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030" đã họp cho ý kiến hoàn thiện Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì cuộc họp.

Thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, ngày 22/4, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 595/QĐ-BTTTT về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030.”

Theo dự thảo báo cáo của Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 (gọi tắt là Chiến lược) về mục tiêu tổng quát cơ bản gồm: Phát triển hệ thống thông tin theo cơ cấu, quy mô hợp lý, đáp ứng quyền được thông tin, trao đổi, phản hồi của nhân dân, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời theo kịp khả năng và trình độ phát triển thông tin của các nước trong khu vực và quốc tế; Phát triển đồng bộ và hiện đại các phương tiện thông tin đại chúng; ứng dụng CNTT, tiến bộ khoa học nâng cao hiệu quả sử dụng, nhanh chóng, an toàn, tiện lợi nhằm thúc đẩy thông tin lành mạnh nhằm phục vụ tích cực, có hiệu quả hơn nữa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh thông tin đối ngoại và thông tin cho các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả nhằm chống lại các quan điểm sai trái, xuyên tạc thù địch; Khắc phục tình trạng thông tin thiếu cân đối, đảm bảo sự đồng đều về phân bố, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ thông tin của nhân dân giữa các vùng, miền; Quan tâm hơn nữa đến nhu cầu thông tin của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo...

Về mục tiêu cụ thể, đối với báo in, báo điện tử, đến năm 2025, hầu hết người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo có thể đọc miễn phí các báo in phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu; Thông tin các vấn đề tích cực trên báo in và báo điện tử phải là thông tin chủ đạo, có khả năng định hướng xã hội cao, chiếm trên 80% tổng số bài viết và trang in...

Đối với phát thanh, truyền hình, tiếp tục nâng cao chất lượng sóng, đảm bảo 100% dân số có khả năng nghe, xem được các kênh phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu với chất lượng cao, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Đồng thời nâng cao chất lượng các chương trình, phấn đấu đạt tỷ lệ 50% người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nghe, xem các chương trình phát thanh, truyền hình...

Về thông tin điện tử, đến năm 2025, 100% các trang tin điện tử, ứng dụng cung ứng dịch vụ thông tin mạng phải đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, nội dung thông tin, xác thực người dùng. Đến năm 2030, 70% các trang thông tin điện tử, mạng xã hội được áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn thông tin, an toàn thông tin; 100% các cơ quan hành chính nhà nước có trang thông tin điện tử thích ứng với các thiết bị di động, dễ dàng tra cứu, sử dụng dịch vụ, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong công tác thông tin đến các huyện vùng sâu, vùng xa...

Về xuất bản, duy trì nhịp độ tăng trưởng về số lượng xuất bản phẩm, trong đó 20 – 30% là xuất bản phẩm điện tử. Phấn đấu đến năm 2025, đạt khoảng 580 triệu bản, tương đương 6 bản sách/người/năm; đến năm 2030 đạt khoảng 700 triệu bản, tương đương 7 bản sách/người/năm. Ngành Xuất bản – In và Phát hành Việt Nam đạt trình độ các nước phát triển ở châu Á.

Về hệ thống thiết chế thông tin cơ sở, thiết lập mới trên 2.000 đài truyền thanh cấp xã, nâng cấp trên 3.200 đài truyền thanh cấp xã, nâng cấp trên 300 đài phát thanh, truyền hình cấp huyện và trạm phát lại truyền hình; thiết lập mới trên 4.500 trạm truyền thanh thôn, bản xã khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo xa trung tâm xã.

Tại cuộc họp, đã có nhiều ý kiến góp ý giúp Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu, chỉnh sửa nhằm sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp thu nội dung góp ý, bổ sung, chỉnh sửa gửi lại nội dung dự thảo cho Ban soạn thảo góp ý để hoàn thiện. Về nội dung thống nhất làm theo Quyết định phê duyệt Chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng cần rà soát lại quan điểm, mục tiêu. Thứ trưởng lưu ý, về quan điểm của Chiến lược phải căn cứ vào các Nghị quyết, chủ trương đường lối của Đảng liên quan lĩnh vực này. Về phạm vi, Ban soạn thảo đồng ý đưa nội dung thông tin đối ngoại vào phần quan điểm, mục tiêu; còn phần giải pháp sẽ đưa phần thực hiện, rà soát thực hiện các quy hoạch liên quan; Ban soạn thảo, Tổ biên tập nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo kế hoạch.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận