Sản xuất nội dung truyền hình: "Cuộc chơi" không cân sức

Sản xuất nội dung truyền hình: "Cuộc chơi" không cân sức

Trong một phát biểu mới đây, ông Phạm Thanh Xuân, Phó Giám đốc Đài PT- TH Vĩnh Long cho rằng, nội dung chương trình truyền hình đang bị mất cân đối giữa chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị và chương trình thuần túy về giải trí, dẫn đến sự cạnh tranh không cân sức giữa các kênh truyền hình thiết yếu với các kênh truyền hình xã hội hóa.

Theo ông Xuân, thời gian qua chất lượng chương trình của các đài PT-TH từng bước được nâng lên với nhiều chuyên mục, chuyên đề, tỷ lệ các chương trình tự sản xuất nâng lên đáng kể. Các chương trình giải trí đa dạng về thể loại, phong phú về hình thức thể hiện và hấp dẫn về nội dung. Một số Đài đã đưa phim Việt phát sóng vào “giờ Vàng” đạt hiệu quả tốt.

Ông Xuân thẳng thắn chỉ ra rằng, nội lực sản xuất chương trình truyền hình ở nước ta đang bị phân tán. Chủ trương liên kết trong sản xuất chương trình truyền hình là để huy động nguồn lực xã hội nhưng việc ra đời quá nhiều kênh truyền hình xã hội hóa bên cạnh các kênh thiết yếu, khiến nguồn lực làm truyền hình không thể tập trung để xây dựng các thương hiệu mạnh.

Việc ra đời một kênh truyền hình xã hội hóa rất dễ dàng, nhưng để tồn tại được là điều không đơn giản. Thực tế chưa có kênh truyền hình xã hội hóa nào sống được bằng nguồn chương trình trong nước. Chủ yếu các kênh vẫn mua bản quyền chương trình nước ngoài để phát sóng, đa phần là chương trình giải trí, phim truyện, gameshow, truyền hình thực tế… nhằm thu hút quảng cáo bù đắp chi phí. Tuy nhiên điều này dẫn đến nội dung chương trình truyền hình bị mất cân đối.

Cũng theo ông Xuân, trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, các đài PT-TH địa phương đứng vững và tồn tại được đã là điều đáng mừng, còn để có thể tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất nội dung là sự kỳ vọng quá lớn.

Ông Xuân kiến nghị, nhà nước cần tạo cơ chế để các kênh truyền hình thiết yếu đã nỗ lực vươn lên, phát huy lợi thế để trở thành một thương hiệu mạnh, mang nét văn hóa đặc trưng riêng, đủ sức cạnh tranh với các kênh chương trình nước ngoài đang lấn át thị trường truyền hình Việt Nam. Chỉ có cơ chế cho phát huy nội lực mới giúp các Đài bứt phá vươn lên, tham gia sân chơi chung của các nhà sản xuất nội dung, nếu không sẽ mãi thua cuộc trên sân nhà, nhường mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất nước ngoài.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận