SCTV tuyên bố đạt 4,5 triệu thuê bao truyền hình

SCTV tuyên bố đạt 4,5 triệu thuê bao truyền hình

Trong khi nhiều nhà mạng như VNPT, VTC kêu khó khăn trong phát triển thuê bao truyền hình do số lượng thuê bao rời mạng lớn hơn số thuê bao phát triển mới, thì đại gia trong làng truyền hình SCTV công bố đã cán mốc 4,5 triệu thuê bao. Theo thông tin SCTV cung cấp riêng cho ICTnews, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền tính đến 31/12/2016 của SCTV là gần 4,5 triệu (trong đó có 1 triệu thuê bao truyền hình kỹ thuật số). Năm 2016 cũng là năm mà SCTV hoàn thành tốt các chỉ tiêu đặt ra, trong đó tỷ lệ tăng trưởng thuê bao bình quân toàn công ty năm 2016 đạt hơn 15%.

SCTV cũng cho biết, năm 2016 số thuê bao rời mạng ước khoảng 25% số thuê bao phát triển mới. Tuy nhiên theo đại diện SCTV, tỷ lệ này cũng là bình thường trong tình hình thị trường cạnh tranh khốc liệt hiện tại. Đặc biệt là các nhà cung cấp viễn thông nhảy vào lĩnh vực truyền hình trả tiền với các chính sách khuyến mãi rất lớn. SCTV giữ được tỷ lệ này là do năm qua SCTV đã đầu tư rất lớn vào nội dung chương trình, chất lượng dịch vụ được cải thiện, SCTV cung cấp trọn gói đa dịch vụ đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng của khách hàng, chính sách lắp đặt bảo trì trong vòng 4 giờ, các chính sách hậu mãi tri ân khách hàng rất lớn...

Tính đến thời điểm này SCTV là nhà mạng duy nhất công khai số lượng thuê bao truyền hình cũng như doanh thu. Theo báo cáo của Bộ TT&TT, đến hết năm 2016, truyền hình trả tiền đạt 12,5 triệu thuê bao (tăng hơn so với hồi cuối năm 2015 là 2,5 triệu thuê bao), doanh thu truyền hình trả tiền trong năm 2016 đạt 12.000 tỷ đồng (tăng hơn so với hồi cuối năm 2015 là 2.000 tỷ đồng). Cả nước hiện có 30 doanh nghiệp truyền hình trả tiền, trong đó những doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần lớn nhất là SCTV, VTVcab, K+, kế đó là VNPT, VTC, MobiTV, Viettel, FPT, HCTV, HCATV… Trong số 12.000 tỷ doanh thu của truyền hình trả tiền thì riêng SCTV đã chiếm 3.420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của SCTV năm 2016 đạt 290 tỷ đồng.

Việc SCTV tăng trưởng cả thuê bao và doanh thu đã chứng tỏ rằng lợi thế phát triển dịch vụ truyền hình vẫn thuộc về những đơn vị truyền hình có thế mạnh về nội dung, mà ở Việt Nam hiện đứng đầu là SCTV và VTVcab. Những đơn vị chỉ sở hữu hạ tầng và phát triển thuê bao đã rất chật vật để phát triển thuê bao mới và đứng trước nguy cơ thuê bao rời mạng còn lớn hơn số thuê bao phát triển mới.

SCTV tuyên bố đạt 4,5 triệu thuê bao truyền hình

SCTV vẫn tăng trưởng tốt về thuê bao truyền hình. Ảnh theo SCTV.

Từ đầu năm 2017 đến nay, trong khi các đơn vị kinh doanh truyền hình cáp có thế mạnh về nội dung như SCTV và VTVcab vẫn tuyên bố việc phát triển kinh doanh trong năm 2016 rất tốt, thuê bao tăng trưởng đúng kế hoạch đề ra. Thì VNPT, VTC kêu khó khăn do thuê bao truyền hình dời mạng.

Phát biểu tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT vào ngày 23/1/2017, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết, dịch vụ truyền hình MyTV vẫn đang trên đà suy giảm thuê bao do bị cạnh tranh mạnh bởi dịch vụ truyền hình cáp. Theo ông Hùng, trong dịch vụ truyền hình trả tiền, các nhà mạng chỉ mua nội dung và bán thuê bao bị thiệt thòi hơn so với nhà đài rất nhiều. Do các nhà đài như SCTV, VTVcab có lợi thế vì có nội dung và được doanh thu từ quảng cáo rất lớn. Họ có thể lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù chéo, giảm giá thuê bao, do đó những nhà mạng kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp, IPTV không có giấy phép sản xuất nội dung, không có nguồn quảng cáo bù vào doanh thu, do đó xét về cấu trúc giá cước sẽ bị thiệt thòi hơn các nhà đài rất nhiều. Do dịch vụ truyền hình IPTV bị suy giảm nên Tập đoàn VNPT sẽ chuyển hướng phát triển dịch vụ truyền hình qua Internet theo giấy phép đã được cấp.

Cũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC hôm 19/12/2016, ông Đàm Mỹ Nghiệp, Tổng Giám đốc VTC cũng nêu ra việc dịch vụ truyền hình số vệ tinh của VTC đang bị cạnh tranh rất mạnh bởi các đối thủ có tiềm lực mạnh về hạ tầng viễn thông, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giảm giá thành, dịch vụ truyền hình vệ tinh VTC chịu áp lực cạnh tranh lớn cả trực tiếp (K+ và MobiTV) và gián tiếp bởi dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình IPTV. Dẫn đến tốc độ phát triển thuê bao mới trong những năm gần đây rất thấp, tỷ lệ thuê bao rời mạng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các mô hình dịch vụ mới như truyền hình qua OTT, truyền hình di động cũng là những thách thức lớn đối với mảng dịch vụ truyền hình trả tiền của VTC.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận