SDTV, RTB tăng tốc mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số DVB -T2

SDTV, RTB tăng tốc mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số DVB -T2

Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, tại 15 tỉnh sẽ tắt sóng truyền hình analog vào ngày 15/8/2017 tới đây gồm có: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang

Cho đến thời điểm này cả hai doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số là Công ty Truyền hình Kỹ thuật số miền Nam và Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất đồng bằng Sông Hồng (RTB) đều cho biết, từ đầu năm 2017 tới nay cả hai công ty đã tăng tốc đầu tư mở rộng vùng phủ sóng để chuẩn bị cho ngày tắt sóng truyền hình analog vào 15/8/2017 tới đây.

SDTV sẽ phủ sóng 100% diện tích đồng bằng Nam Bộ trong năm 2017

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Công ty SDTV cho biết, vào tháng 3/2017, SDTV đã chính thức bắt đầu phát sóng truyền hình số mặt đất trên K33 tại Đồng Tháp và Bình Thuận. Vào ngày 17/7/2017, SDTV đã chính thức phát sóng truyền hình số mặt đất trên hai kênh K33 và K34 tại Tiền Giang.

Hiện tại, công ty SDTV đã phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 K33 tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Long An, Châu Đức (Bà Rịa Vũng Tàu), Bà Rịa (Bà Rịa Vũng Tàu), Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang và Bình Thuận; phát kênh 34 tại Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Tiền Giang và Trà Vinh; phát kênh 35 ở huyện Côn Đảo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (gồm 3 máy phát đặt ở 3 vị trí trên Đảo là: Trung Tâm Côn Đảo, Cỏ Ống và Bến Đầm).

SDTV, RTB tăng tốc mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số DVB -T2

Bản đồ phủ sóng kênh 33 của SDTV tại miền Nam tính đến ngày 10/8/2017

SDTV, RTB tăng tốc mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số DVB -T2

Bản đồ phủ sóng kênh 34 SDTV tại miền Nam tính đến ngày 10/8/2017

Tính đến thời điểm này, vùng phủ sóng của SDTV đã đảm bảo cho các Đài PT-TH Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang và Tiền Giang tắt sóng analog vào ngày 15/8/2017.

Ông Hòa cũng cho hay, hiện tại vùng phủ sóng kênh 33 của SDTV đã đạt khoảng 85% diện tích toàn miền Nam, vùng phủ sóng kênh 34 của SDTV đạt khoảng 60% diện tích toàn miền Nam, còn vùng phủ sóng kênh 35 của SDTV đạt 100% diện tích Côn Đảo.

Việc triển khai số hóa truyền hình của SDTV khá thuận lợi hầu như không gặp khó khăn gì. SDTV vẫn luôn hoàn thành đúng tiến độ theo lộ trình số hoá truyền hình của Chính phủ. Dự kiến SDTV sẽ phủ sóng toàn bộ khu vực Nam Bộ vào tháng 12/2017 hoàn thành kế hoạch phát sóng cho giai đoạn 3 trước một năm.

RTB nỗ lực phủ sóng số tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh

Tại khu vực Bắc Bộ, bà Phạm Thị Thúy Hải, Tổng giám đốc Công ty RTB cho biết, tại 3 tỉnh Bắc Bộ đã đảm bảo phủ sóng truyền hình số để chờ ngày tắt sóng truyền hình analog. Cụ thể, tại Thái Nguyên, vào ngày 27/2/2017, Công ty RTB đã thực hiện lắp đặt máy phát chính công suất 2.4kw kênh tần số K47 tại Đồi Chu Văn Tấn, TP. Thái Nguyên. Đến ngày 11/5/2017, Công ty RTB đã lắp máy phát công suất nhỏ 200W tại trạm phát Núi Nản, huyện Định Hóa, Thái Nguyên.

RTB đã thiết lập đồng bộ mạng SFN kênh tần số 47 cho hai trạm phát này, đảm bảo chất lượng tín hiệu. Công ty RTB đã phối hợp cùng Sở TT&TT Thái Nguyên, Đài PT-TH Thái Nguyên, Đài TT-TH Định Hóa thực hiện đo kiểm chất lượng tín hiệu và vùng phủ sóng, kết quả cho thấy chất lượng tốt hơn và diện phủ sóng DVB-T2 rộng hơn tín hiệu truyền hình analog hiện tại của Thái Nguyên. Theo tính toán lý thuyết và khảo sát thực tế thì gần như toàn bộ các khu vực đông dân cư nhất của tỉnh Thái Nguyên đã thu xem được tín hiệu truyền hình DVB-T2 của công ty RTB. Hiện tại, kênh truyền hình Thái Nguyên đang được phát sóng trên kênh tần số K47, K48, K49 của Công ty RTB.

Tại Phú Thọ, vào ngày 6/8/2017, Công ty RTB đã lắp đặt và thiết lập xong trạm phát sóng truyền hình mặt đất DVB-T2 với máy phát công suất 2kw tại TP.Việt Trì - Phú Thọ, phủ sóng cho toàn bộ các khu vực địa hình bằng phẳng trên địa bàn tỉnh và các khu vực các tỉnh lân cận. Theo tính toán chỉ một vài khu vực nhỏ có địa hình đồi núi phức tạp và thưa dân cư tại các huyện Thanh Sơn, Yên Lập... là khó thu xem được tín hiệu truyền hình số. Hiện tại, kênh truyền hình Phú Thọ đang được phát sóng trên kênh tần số K47, K48, K49 của Công ty RTB.

Tại Quảng Ninh, hiện tại các khu vực huyện Đông Triều, TP Uông Bí và Quảng Yên đã thu được tốt tín hiệu DVB-T2 của Công ty RTB được phát từ trạm phát sóng Hải Phòng. Theo dự kiến trong năm 2017, Công ty RTB sẽ mở rộng vùng phủ sóng bằng thiết lập các trạm phát truyền hình DVB-T2 tại Hạ Long, Cẩm Phả và Móng Cái trước ngày 15/8/2017, nhưng do một số nguyên nhân khách quan nên Công ty RTB đã báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở TT&TT Quảng Ninh về việc xin lùi lại thời gian hoàn thành việc lắp đặt tại các vị trí này.

Hiện nay, Công ty RTB vẫn đang duy trì phát sóng kênh truyền hình Quảng Ninh (QTV1) trên hệ thống các trạm phát khác của Công ty RTB. Kênh chương trình truyền hình Quảng Ninh hiện nay cũng đang được phát trên hệ thống của VTV tại trạm phát trên Đồi Cột 5 - Hạ Long. Do vậy đến ngày 15/8/2017 vẫn đảm bảo tắt sóng analog của Đài PT-TH Quảng Ninh tại trạm phát chính Hạ Long theo kế hoạch.

4 tỉnh Bắc Bộ “từ chối” nhà phát sóng khu vực

Bà Hải cũng cho hay, tại các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Giang, tính đến thời điểm hiện tại diện phủ sóng truyền hình số mặt đất của Công ty RTB tại các tỉnh này như sau: khoảng 50% diện tích toàn tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Giang khoảng trên 40% diện tích toàn tỉnh.

Hiện tại các tỉnh Nam Định, Bắc Giang, Ninh Bình đã lựa chọn VTV làm đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng, Thái Bình lựa chọn Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC là đơn vị truyền dẫn phát sóng tín hiệu DVB-T2 kênh chương trình truyền hình địa phương. Do đó, Công ty RTB sẽ có phương án mở rộng phủ sóng toàn bộ các tỉnh trên và sẵn sàng phát sóng DVB-T2 với tín hiệu kênh chương trình HD trong trường hợp các Đài PT-TH địa phương có nhu cầu và lựa chọn RTB làm đơn vị truyền dẫn trong thời gian tới.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận