Số hóa truyền hình: Phải sớm xác định các xã cần hỗ trợ đầu thu vệ tinh

Số hóa truyền hình: Phải sớm xác định các xã cần hỗ trợ đầu thu vệ tinh

Số hóa truyền hình: Phải sớm xác định các xã cần hỗ trợ đầu thu vệ tinh

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Cục Tần số Vô tuyến điện. Ảnh: Doãn Mạnh

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Cục Tần số Vô tuyến điện vào chiều ngày 19/12/2017, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải yêu cầu, Cục Tần số Vô tuyến điện phải chủ trì phối hợp với các địa phương thuộc nhóm 3 và nhóm 4 sẽ thực hiện số hóa truyền hình trong giai đoạn tiếp theo để xác định rõ các xã, thôn cần triển khai hỗ trợ đầu thu vệ tinh. Đây là việc cần làm sớm để có thể đưa ra kế hoạch chi tiết để triển khai số hóa truyền hình trong thời gian tới.

Giai đoạn 2 của Đề án số hóa truyền hình đã hoàn tất vào ngày 15/8/2017. Vào ngày 31/12/2017 tới đây, 7 tỉnh thuộc nhóm 3 là Bình Phước, Khánh Hòa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog, riêng tại Tây Ninh sẽ ngừng trong quý I/2018 ngay sau khi công ty SDTV lắp đặt xong trạm phát sóng số mặt đất.

Việc triển khai số hóa truyền hình tính đến hết năm 2017 đã đi được một nửa chặng đường, các tỉnh đồng bằng, các tỉnh có địa hình thuận lợi đã hoàn thành số hóa truyền hình. Từ năm 2018 đến năm 2020, Đề án số hóa truyền hình mặt đất sẽ bước vào giai đoạn khó khăn hơn khi triển khai ở các tỉnh miền núi có địa hình phức tạp hơn.

Bộ TT&TT đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 2451/QĐ-TTg trong đó có nội dung quan trọng là sẽ hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh cho những nơi có địa hình khó khăn, nơi không thể triển khai hạ tầng truyền dẫn phát sóng số mặt đất. Việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 2451 là căn cứ quan trọng để triển khai số hóa truyền hình giai đoạn tiếp theo. Mới đây, Cục Tần số Vô tuyến điện đã gửi công văn hướng dẫn các tỉnh xác định cụ thể địa bàn cần hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh tại địa phương.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho rằng, việc xác định danh mục cần hỗ trợ đầu thu vệ tinh phải được tính toán một cách chi tiết. Nhà nước không thể đủ kinh phí hỗ trợ đầu thu vệ tinh cho toàn bộ các tỉnh miền núi, mà ở những khu vực có thể phủ sóng truyền hình số mặt đất vẫn triển khai hỗ trợ đầu thu DVB-T2. Đầu thu vệ tinh chỉ hỗ trợ ở những xã, thôn không thể phủ sóng truyền hình số mặt đất.

Liên quan đến Đề án số hóa truyền hình, tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đề nghị, phải có hướng hỗ trợ các đài ở miền núi phát sóng kênh thiết yếu lên vệ tinh. Giai đoạn 3 và 4 sắp tới sẽ chỉ thực hiện số hóa truyền hình ở các tỉnh miền núi vùng sâu, vùng xa, các đài PT-TH ở các tỉnh này kinh phí khá eo hẹp nên không có nguồn tiền thoải mái để chuyển sang số hóa truyền hình như nhiều tỉnh khác. Một số lãnh đạo tỉnh còn chưa hiểu về số hóa truyền hình nên không đầu tư tiền.

Ông Lâm cho hay, gần đây đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đi dự họp tổng kết các cụm thi đua đều được nghe các đài có ý kiến về số hóa truyền hình. Việc thuyết phục các đài truyền hình ở giai đoạn 3-4 để cho họ thấy số hóa truyền hình có lợi gì rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Bởi vẫn có một số đài cho rằng số hóa truyền hình là giải phóng tần số để phục vụ cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình không có lợi gì trong việc này cả, mặt khác tại các tỉnh nhỏ tần số còn nhiều cần gì phải giải phóng. Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ các đài phát sóng lên vệ tinh , trong khi số hóa truyền hình nhanh hay chậm phụ thuộc vào các đài triển khai nhanh hay chậm.

Ông Lâm cũng đưa ra ý kiến là các nhà mạng viễn thông thông qua sự điều tiết của nhà nước cần có kinh phí hỗ trợ các đài nghèo thúc đẩy nhanh số hóa truyền hình. Cần giải quyết khó khăn cho khối truyền hình ở vùng sâu vùng xa, phải có kinh phí hỗ trợ các đài nghèo phát sóng lên vệ tinh trong một số năm. Bởi một số đài phản ánh là họ không có nhu cầu chuyển sang số mặt đất, không có nhu cầu số hóa.

Liên quan đến ý kiến ông Lâm, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải chỉ đạo, Cục Tần số Vô tuyến điện phải làm việc với các đài truyền hình, hoặc tổ chức các cuộc trao đổi một cách kỹ hơn về số hóa truyền hình. Số hóa truyền hình không chỉ lợi cho viễn thông mà có lợi cho chính truyền hình, cho đến nay nhiều tỉnh giai đoạn 3 đề nghị tiến hành sớm hơn do họ thấy rõ những lợi ích của số hóa truyền hình. Số hóa truyền hình sẽ tạo ra một thị trường truyền dẫn phát sóng cạnh tranh, các đài PT-TH chỉ lo tập trung lo sản xuất nội dung, không phải lo làm hạ tầng phát sóng, giảm gánh nặng cho các đài.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận