Số hóa truyền hình sẽ triển khai theo nguyên tắc “mềm dẻo”

Số hóa truyền hình sẽ triển khai theo nguyên tắc “mềm dẻo”

Số hóa truyền hình sẽ triển khai theo nguyên tắc “mềm dẻo”

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Mạnh Hưng

Chiều ngày 19/1/2018, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam phối hợp với Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam tổ chức Hội thảo triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, Phó Tổng giám đốc VTV Đinh Đắc Vĩnh đã tham dự Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, số hóa truyền hình đã đi được hơn một nửa chặng đường, với 34 tỉnh, thành phố thuộc giai đoạn 1, giai đoạn 2 và 6 tỉnh giai đoạn 3 đã tắt sóng truyền hình analog chuyển sang truyền hình số. Từ năm 2018 trở đi sẽ tiếp tục triển khai số hóa truyền hình tại các tỉnh thuộc giai đoạn 3 và giai đoạn 4. Các tỉnh trong giai đoạn này có nhiều đặc thù và là những địa bàn khó khăn hơn. Do đó, Hội thảo cần xác định đặc thù tại các địa phương là những gì, để từ đó có được một kế hoạch triển khai số hóa truyền hình tại các địa phương ở Trung Bộ và Tây Nguyên được thuận lợi, đến năm 2020 sẽ hoàn thành số hóa truyền hình.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng nhấn mạnh, các tỉnh đã hoàn thành số hóa truyền phải xem xét rút ra kinh nghiệm gì và cần giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, Bộ TT&TT đang trình Chính phủ sửa đổi Quyết định 2451 với các đề xuất để làm sao tối ưu được việc kết hợp số hóa giữa truyền hình vệ tinh và mặt đất, trong đó có phần hỗ trợ đầu thu vệ tinh và mặt đất cho hộ nghèo, cận nghèo trên các địa bàn sắp sửa số hóa sắp tới.

Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, Cục Tần số Vô tuyến điện, lộ trình số hóa truyền hình đã hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2016, kết thúc giai đoạn 2 vào ngày 15/8/2017, tại 6 tỉnh giai đoạn 3 đã tắt sóng vào 31/12/2017, tới đây thêm 2 tỉnh Bình Phước, Tây Ninh sẽ hoàn thành hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo, chính thức hoàn thành số hóa truyền hình ở vùng đồng bằng, giải phóng toàn bộ các băng tần 700Mhz tại hai đồng bằng để phát triển băng rộng di động. Tại 34 tỉnh đã tắt sóng truyền analog, số lượng dân số nằm trong phủ sóng truyền hình số lớn hơn 65%, trong các diễn đàn khu vực kết quả triển khai đề án số hóa truyền hình của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của các nước ASEAN.

Trong thời gian tiếp theo, Bộ TT&TT sẽ cùng với các tỉnh, thành tiến hành số hóa truyền hình tại các tỉnh ở miền Trung Bộ và Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng. Lãnh đạo Bộ TT&TT và Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình đã nhất trí triển khai số hóa truyền hình trong thời gian tới sẽ thực hiện mềm dẻo, địa phương nào triển khai được việc phủ sóng truyền hình số sẽ thực hỗ trợ đầu thu và tiến hành số hóa truyền hình ngay mà không cần chờ đợi theo đúng thời hạn nữa.

Ông Tuấn cho hay, hiện vùng phủ sóng DVB-T2 rất rộng, kể cả một số đảo cũng được phủ sóng truyền hình số. Nhà nước đã hỗ trợ 1.210.463 đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo chưa có tivi chưa sử dụng các phương thức thu xem truyền hình trả tiền. Tác động lan tỏa của việc số hóa truyền hình rất lớn.

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Công ty SDTV, mặc dù việc phủ sóng truyền hình số ở khu vực đồng bằng Nam Bộ gặp khá nhiều khó khăn nhưng đến nay SDTV đã đạt 95% diện tích Nam Bộ.

Để triển khai phủ sóng truyền hình số ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, SDTV đã tiếp cận với các đài PT-TH Đà Nẵng, Đắc lắc, Lâm Đồng, Ninh Thuận nhằm đạt được sự đồng thuận. SDTV đã hợp tác với Khánh Hòa để phủ sóng số tại Nha Trang. Dự kiến trong tháng 2, SDTV phủ sóng truyền hình số ở Đà Nẵng, cuối quý I sẽ phủ sóng thêm ở Lâm Đồng. Trong năm 2018, SDTV sẽ hoàn thành phủ sóng tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trên diện tích gần như analog hiện nay.

Tại Hội thảo, SDTV đã ký kết hợp tác với Đài PT-TH 4 tỉnh, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Nam để phát triển truyền hình số mặt đất tại các địa phương này.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đề nghị các UBND tỉnh, Đài PT-TH trong khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên phối hợp với Bộ TT&TT tập trung triển khai Đề án số hóa truyền hình, phủ sóng truyền hình số một cách tối ưu nhất, hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất và vệ tinh cho các đối tượng nghèo và cận nghèo thuộc phạm vi của Đề án. Các địa phương có điều kiện tiếp tục hỗ trợ đầu thu cho các hộ gia đình chính sách. Các tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng ngoài phần hỗ trợ từ ngân sách rung ương đã mua đầu thu từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các hộ chính sách.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận