Telefilm 2016: Nóng chuyện chống vi phạm bản quyền trên Internet

Telefilm 2016: Nóng chuyện chống vi phạm bản quyền trên Internet

Telefilm 2016: Nóng chuyện chống vi phạm bản quyền trên Internet

Chống vi phạm bản quyền trên Internet đã được bàn đến tại Telefilm 2016. Ảnh: Lê Hoàng

Cuộc chiến chống nạn vi phạm bản quyền trên Internet vẫn còn nhiều khó khăn là nhận định mà nhiều người đưa ra tại Hội thảo chung tay bảo vệ bản quyền tác giả, trong khuôn khổ Triển lãm Telefilm 2016 vào sáng ngày 13/7/2016.

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra Báo chí và Thông tin trên mạng (Thanh tra Bộ TT&TT) cho biết, trong thời gian qua Thanh tra Bộ TT&TT đã nhận được đơn thư yêu cầu của các đơn vị nắm giữ bản quyền hợp pháp về việc bản quyền của các đơn vị này bị vi phạm. Trong đó có cả những đơn vị lớn như MPA, K+, HTV, Galaxy. Số lượng các chủ thể bản quyền gửi yêu cầu về cơ quan chức năng ngày càng cao hơn.

Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng, việc xử lý vi phạm bản quyền trên môi trường mạng khó khăn và là một cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi nhiều đơn vị phải hợp tác chặt với nhau để xử lý. Đa số những trường hợp giải quyết vi phạm bản quyền trên Internet rất khó vì người vi phạm ẩn giấu danh tính nên có khi thanh tra phải phối hợp với công an mới tìm được đối tượng vi phạm.

Một khó khăn nữa, trong môi trường số, cơ quan chức năng phải đối mặt với nhiều vấn đề. Nếu các trang web vi phạm dùng tên miền tiếng Việt xử lý không khó nhưng đa số những người vi phạm bản quyền đều dùng tên miền quốc tế, giấu danh tính cá nhân. Nếu họ đăng ký tên miền quốc tế qua các đại lý có thể tìm ra được song nhiều người cố tình đăng ký thẳng trực tiếp với nước ngoài. Điều này cản trở công tác kiểm tra xử lý, xác minh đối tượng.

“Trên nhiều diễn đàn quốc tế tôi đã trao đổi về vấn đề này nhưng việc phối hợp xử lý chưa rõ nét lắm”, ông Toàn trình bày.

Telefilm 2016: Nóng chuyện chống vi phạm bản quyền trên Internet

Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và thông tin trên mạng,  Thanh tra Bộ TT&TT. Ảnh: Lê Hoàng

Bà Phạm Thanh Thủy, đại diện K+ cho hay, nạn ăn cắp bản quyền phim và các nội dung truyền hình trên mạng ở Việt Nam diễn ra rất nghiêm trọng. Rất nhiều bộ phim chiếu rạp vừa ra rạp hôm trước, hôm sau đã bị quay lại và đưa lên Internet.

Đơn cử như bộ phim Để mai tính, vừa ra rạp hôm trước, hôm sau đã có trên các trang phim online ăn cắp bản quyền. Phim truyền hình cũng vậy, vừa chiếu lên hôm sau họ đã ăn cắp và đưa lên mạng, dù chất lượng phim trên Internet không tốt nhưng vẫn có nhiều người xem.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty BHD cho rằng, nền công nghiệp điện ảnh, truyền hình muốn phát triển phải có doanh thu chính lĩnh vực này. Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, doanh thu chiếu rạp chiếm 30-50% doanh thu của một hãng phim. Còn ở Việt Nam doanh thu từ phim chiếu rạp rất thấp, thậm chí nhiều bộ phim không có doanh thu từ rạp. Nếu nạn vi phạm bản quyền cứ tiếp diễn thì hãng phim không thu được tiền từ phim chiếu rạp sẽ bị lỗ. Hiện nay điện ảnh Việt Nam chỉ tồn tại chủ yếu là các hãng phim tư nhân, nếu hãng phim không thể kiếm tiền được từ điện ảnh sẽ khó mà đầu tư được những bộ phim hay và khi đó khán giả chỉ có thể xem phim nước ngoài.

Việc các hãng phim phải cạnh tranh với các trang phim online vi phạm bản quyền cũng là vấn nạn vì những người vi phạm không phải bỏ tiền mua bản quyền, không phải bỏ tiền sản xuất nội dung, họ ăn cắp phim của các nhà sản xuất và quay trở lại cạnh tranh với chính những hãng phim này.

Bà Phan Cẩm Tú (Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ - MPA) cho hay, trong quá trình bảo vệ bản quyền Việt Nam thì các chủ sở hữu quyền nhận thấy, nếu từng người tự đơn phương đi bảo vệ bản quyền của mình thì khó khăn quá, cho nên một nhóm các chủ sở hữu quyền đã tự thành lập một liên minh để cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến bản quyền. Liên minh này gồm các đơn vị sở hữu rất nhiều nội dung như VTV, MPT, BHD, KCC, K+…

Ba Vũ Thị Thanh Tâm, Trưởng Ban Kiểm tra của VTV nhận định cùng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số thì việc bảo vệ bản quyền trong "cơn bão" truyền thông ngày càng có vị trí quan trọng và đầy khó khăn. Khó khăn đến cả từ khâu nhận thức, thực thi cũng như ở việc bảo vệ bản quyền. VTV đi đầu tham gia vào Liên minh các chủ sở hữu quyền là để cùng nhau lên tiếng và cùng nhau hạn chế,  thu hẹp lợi ích của các trang web vi phạm vi phạm bản quyền. Việc VTV  bảo vệ bản quyền không chỉ là mặt pháp lý, đạo lý mà còn là lợi ích của VTV. VTV đang sở hữu một kho nội dung khổng lồ, bảo vệ được bản quyền chính là bảo vệ lợi ích của VTV trong quá trình phát triển.

“Dù có thể có những khó khăn, trục trặc, có lỗi kỹ thuật nhưng VTV luôn tôn trọng vấn đề bản quyền kể cả hai mặt, bảo vệ bản quyền của minh và tôn trọng quyền của các tác giả. Bản thân VTV cũng vấp phải vướng mắc trong thực thi bản quyền. Ví dụ, có chương trình VTV mua bản quyền của các đối tác khác nhưng cá nhân vẫn lên báo nói VTV vi phạm bản quyền”, bà Tâm phát biểu.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận