Truyền hình trả tiền: Nghịch lý thuê bao tăng, doanh thu giảm

Truyền hình trả tiền: Nghịch lý thuê bao tăng, doanh thu giảm

Thị trường truyền hình trả tiền những năm qua có sự cạnh tranh khốc liệt, tình trạng các đơn vị truyền hình giành giật nhau mua bản quyền truyền hình với giá cao, đầu tư lớn nhưng giá thuê bao không tăng mà ngược lại ngày càng giảm, điều này khiến cho thị trường truyền hình trả tiền rơi vào nghịch lý thuê bao tăng, doanh thu giảm. 

Theo nguồn tin từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, kết thúc năm 2017, thị trường truyền hình trả tiền đạt khoảng 14 triệu thuê bao, nhưng doanh thu chỉ đạt 7.500 tỷ đồng. Trước đó năm 2016, với khoảng 12,5 triệu thuê bao, tổng doanh thu thị trường đạt khoảng 12.000 tỷ đồng. Xa hơn, 5 năm trước, năm 2013, với chỉ chưa đến 1/2 lượng thuê bao của năm 2017, nhưng thị trường truyền hình trả tiền đã đạt doanh thu hơn 5.800 tỷ đồng.

Điển hình là trường hợp của SCTV, đại gia trong ngành truyền hình trả tiền. Năm 2014, SCTV có 2,8 triệu thuê bao, doanh thu đạt hơn 3.600 tỷ đồng thì đến năm 2017, SCTV đạt hơn 4,5 triệu thuê bao (gấp 2 lần năm 2014), nhưng lại thấp hơn chỉ đạt 3.420 tỷ đồng.

Đây cũng là hệ quả của một cuộc đua giảm giá kéo dài từ năm 2014 đến nay. Từ năm 2014, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền như VTVcab, SCTV, AVG, VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel, K+ đã đua nhau “cơ cấu gói cước, cơ cấu giá cước”, mà bản chất là giảm giá cước thuê bao để thu hút khách hàng. Điển hình như K+, năm 2013, giá thuê bao gói cao nhất của K+ là 300.000 đồng/tháng thì đến năm 2016 chỉ còn 1 gói duy nhất là 125.000 đồng/tháng. Bằng chiến thuật này, K+ đã tăng lượng thuê bao từ khoảng 600.000 thuê bao (năm 2014) lên gấp đôi, hơn 1 triệu thuê bao vào năm 2017. 

Thống kê từ Vivendi, đơn vị sở hữu Canal+ (sở hữu 49% vốn tại K+) cho biết, chiến lược một mức giá thuê bao duy nhất cũng không làm K+ cắt lỗ, năm 2017, công ty đạt doanh thu 1.114 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2016. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp doanh thu của K+ suy giảm. Năm 2017, công ty này báo lỗ 446 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2016. Khoản lỗ tăng đến từ chi phí chi trả cho bản quyền giải Ngoại hạng và một số chương trình độc quyền của K+ ngày một lớn. 

Truyền hình trả tiền: Nghịch lý thuê bao tăng, doanh thu giảm

Truyền hình trả tiền vẫn trong vòng quay giảm giá. Ảnh minh họa: Internet.

Trong “cuộc đua xuống vực thẳm” về giá cước, có những thời điểm gói cước thuê bao của một số đơn vị truyền hình trả tiền chỉ còn 20.000 đồng/tháng. Cuộc đua này khiến nhiều nhà đài thua lỗ liên tục, giảm lượng thuê bao, buộc phải chuyển đổi chủ sở hữu.

Cùng với cuộc chiến giảm giá, tăng khuyến mãi các doanh nghiệp trong ngành truyền hình trả tiền, đã xuất hiện sự cạnh tranh mới từ năm 2017 và dự báo sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của các nhà đài trong năm 2018. Đó là truyền hình giao thức OTT (Over The Top - cung cấp nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng Internet).

Trong năm 2017, các nhà đài như K+, SCTV, VTVcab, Viettel đã phát triển dịch vụ truyền hình giao thức OTT và bắt đầu thu phí người dùng. K+ có myK+Now, thu phí 125.000 đồng/tháng, còn SCTV có SCTV VOD, thu phí từ 30.000 - 50.000 đồng/tháng. Hay như VTVcab với VTVcab ON cũng tính chuyện thu phí dịch vụ với giá cước 40.000 - 50.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, số lượng thuê bao OTT trả phí chưa cao bởi người dùng quen với việc thu xem miễn phí qua Internet. Dẫu vậy để cạnh tranh và thu hút khán giả, các đơn vị truyền hình có tiềm lực như VTV, VTVcab bắt đầu đẩy mạnh đầu tư sản xuất các nội dung phim riêng biệt trên OTT, chỉ phát sóng trên các ứng dụng OTT của mình.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận