Viettel và Vietnamobile xin cấp thêm băng tần triển khai dịch vụ băng rộng

Viettel và Vietnamobile xin cấp thêm băng tần triển khai dịch vụ băng rộng

Viettel và Vietnamobile xin cấp thêm băng tần triển khai dịch vụ băng rộng

Hiện Viettel đã có 36.000 trạm 4G trên toàn quốc

Tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ TT&TT mới đây, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel đề nghị: Trong lúc chờ đấu giá băng tần 2,6Ghz, Viettel đề nghị Bộ TT&TT cho đăng ký dùng trước băng tần này vì nhu cầu sử dụng tần số rất cần thiết để phát triển dịch vụ 4G của Viettel.

Có cùng kiến nghị về việc xin được mở rộng băng tần để phát triển dịch vụ 3G, bà Elizabete Fong, Tổng giám đốc Vietnamobile cho hay, Vietnamobiel đang gặp khó khăn về tần số do nhà mạng này không được cấp phép sử dụng băng tần 1800Mhz và phải dùng chung băng tần 2100Mhz với một nhà mạng khác. Với tốc độ phát triển thuê bao 3G đã mở rộng tới 63 tỉnh, thành thì khả năng nghẽn mạng rất có thể xảy ra vì không đủ băng thông. Do đó, Vietnamobile để nghị Bộ TT&TT xem xét cấp thêm tần số để mở rộng khai thác kinh doanh và tăng tốc độ sử dụng dịch vụ cho khách hàng.

Đồng thời, bà Elizabete Fong đề nghị Bộ TT&TT xem xét cấp thêm đầu số 10 số để mở rộng bán hàng, vì hiện nay Vietnamobile chỉ có duy nhất một đầu số 092 và đã sử dụng gần hết kho số này. Bà Elizabete Fong cũng nêu ra việc Vietnamobile gặp khó khăn khi triển khai xây dựng trạm BTS ở các tỉnh, nhất là quá trình xin cấp phép, và đề nghị Bộ TT&TT và các Sở TT&TT tháo gỡ khó khăn này để nhà mạng nhỏ có thể thuận lợi trong đầu tư mở rộng hạ tầng mạng lưới.

Liên quan đến các kiến nghị về cấp phép băng tần phát triển di động băng rộng của Viettel và Vietnamobile, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, sẽ không thể có băng rộng tốc độ cao nếu không có băng tần, nếu chỉ phát triển 4G trên băng tần hẹp đã được cấp phép cho 2G sẽ không có dịch vụ 4G tốc độ cao hơn hẳn so với 3G. Do đó trong dài hạn nhà nước sẽ tiếp tục cấp phép thêm băng tần và tiếp tục quy hoạch băng tần cho các nhà mạng phát triển băng rộng. Theo quy hoạch thì băng tần 700Mhz sẽ được dùng để triển khai 4G và việc có thể sớm cấp phép băng tần 700Mhz hay không còn phụ thuộc vào kết quả triển khai Đề án số hóa truyền hình mà Bộ TT&TT đang nỗ lực triển khai. Theo kế hoạch, cuối năm 2017 sẽ hoàn thành số hóa truyền hình ở 2 khu vực đồng bằng trọng điểm là Bắc Bộ và Nam Bộ, khi đó băng tần 700Mhz cơ bản được giải phóng sớm hơn và sẽ được sử dụng cho băng rộng di động sớm hơn dự kiến.

Chia sẻ về lý do tạm dừng đấu giá băng tần 2,6Ghz, ông Hoan cho biết, Bộ TT&TT có kế hoạch cấp phép băng tần 2,6Ghz thông qua đấu giá. Bộ TT&TT đã triển khai chủ trương này một cách kỹ lưỡng. Hội đồng đấu giá đã họp với các doanh nghiệp và hoàn thành cơ bản xác định giá khởi điểm và hồ sơ mời đấu giá. Tuy nhiên trước khi triển khai thực hiện đấu giá lại vướng phải một số khó khăn trong công tác quản lý theo quy định của Luật Đấu thầu. Bộ TT&TT vừa đóng vai trò phê duyệt giá sàn để đấu giá, vừa là đại diện chủ sở hữu của một số doanh nghiệp để phê duyệt giá của chủ đầu tư. Đây là một vướng mắc trong vai trò quản lý nhà nước và quản lý vốn của Bộ TT&TT. Một số doanh nghiệp đề xuất việc đầu giá băng tần chưa thực sự cấp thiết lắm, doanh nghiệp vẫn có thể dùng băng tần cũ để triển khai 4G. Do đó, Bộ TT&TT tạm dừng đấu giá để báo cáo Thủ tướng tháo gỡ khó khăn. Phương án cấp phép băng tần 2,6Ghz hoặc sẽ quay trở về phương án cấp phép bằng thi tuyển như trước đây đã làm khi triển khai cấp phép 3G vì hầu hết là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Còn nếu tiếp tục cho đấu giá băng tần thì phải có phương án để giải quyết khó khăn cho Bộ khỏi làm hai vai, ví dụ có thể xin cơ chế cho phép doanh nghiệp tự phê duyệt giá trúng thầu.

Đối với kiến nghị của Vietnamobile về khó khăn khi phải chia sẻ băng tần với doanh nghiệp khác, cụ thể là Vietnamobile đang dùng chung băng tần 2,1Ghz với Viettel (trước đây là EVN). Ông Hoan đề nghị để hai doanh nghiệp cùng bàn nhau phương án xử lý, những đoạn đang dùng chung cố gắng tách ra để sử dụng độc lập, nếu có khó khăn báo cáo để Bộ TT&TT có phương án giải quyết.

Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, đầu số 092 cấp cho Vietnammobile đã dùng vượt quá 95% và theo quy định Vietnamobile sẽ được cấp thêm đầu số mới. Nhưng hiện nay Bộ TT&T đang chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định trên cả nước, sau khi hoàn thành chuyển mã vùng sẽ tiến hành họp với doanh nghiệp để chuyển đổi mã mạng di động và tiến hành phân bổ đầu số cho các doanh nghiệp.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận