VTV chưa sẵn sàng thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng

VTV chưa sẵn sàng thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng

VTV chưa sẵn sàng thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng

VTV vẫn chưa có kế hoạch thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng. Ảnh minh họa: vtv.vn

Trao đổi tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải với Phó Tổng giám đốc VTV Đinh Đắc Vĩnh về triển khai Đề án số hóa truyền hình của Chính phủ vào sáng 31/8/2017 đại diện VTV cho hay, VTV vẫn chưa có kế hoạch thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng và vẫn giữ mô hình Trung tâm Truyền dẫn phát sóng là đơn vị hạch toán phụ thuộc của VTV như hiện nay.

Liên quan việc này, hồi tháng 3/2017, trước đề nghị của Đài Truyền hình Việt Nam và ý kiến các Bộ TT&TT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ không thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản đồng ý cho VTV chưa thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng theo đề nghị của Đài.

Tuy nhiên, theo nội dung văn bản này Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng giao Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng phương án thí điểm thu phí dịch vụ phát sóng truyền hình số mặt đất và các dịch vụ giá trị gia tăng để làm cơ sở xây dựng lộ trình thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng theo quy định tại Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Đồng thời, VTV vẫn phải thực hiện các kế hoạch triển khai phát sóng truyền hình số mặt đất theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình.

Ông Đỗ Hồng Thu, Giám đốc Trung tâm Truyền dẫn phát sóng VTV cho biết, mặc dù chưa thành lập doanh nghiệp nhưng Trung tâm Truyền dẫn phát sóng vẫn cố gắng hoàn thành lộ trình số hóa truyền hình càng sớm càng tốt. Tính đến nay, sóng DVB-T2 của VTV cơ bản phủ sóng cho toàn khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ. Đến tháng 10, tại miền Trung, VTV sẽ lắp nốt máy phát ở Nghệ An, Hà Tĩnh,  Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, tại Ninh Thuận và Bình Thuận cũng có phương án điều chỉnh từ dự án phủ sóng biển đảo coi như sẽ triển khai xong trong năm 2017; như vậy, sang năm 2018, chỉ còn Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định. Tại miền Trung, VTV đã đặt máy phát ở Hà Tĩnh trên núi Thiên Tượng nhưng chưa phủ sóng hết toàn khu vực, Trung tâm đang tính toán nếu có tiền đầu tư sẽ thêm một máy phát đặt ở Kỳ Anh. Tại khu vực Tây Nguyên, Trung tâm cũng xong dự án ở Đắc Lắc; tại Gia Lai và Kon Tum đang trong giai đoạn chuẩn bị ký hợp đồng. Còn ở Tây Bắc, Trung tâm đã triển khai xong dự án ở Lào Cai, dự định sang năm 2018 sẽ đầu tư tiếp máy phát tại Lạng Sơn và Yên Bái.

Trả lời câu hỏi của đại diện Cục Viễn thông về việc VTV có kế hoạch bao giờ sẽ thành lập doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng? Phó Tổng giám đốc VTV Đinh Đắc Vĩnh cho rằng, rất khó có thể nói được dự kiến ở thời điểm này, có thể là sang năm hoặc 2019, 2020 VTV sẽ cân nhắc khi nào thuận lợi cho hoạt động của Đài. Còn ở thời điểm này việc thành lập doanh nghiệp chưa tốt cho Đài. Ông Đinh Đắc Vĩnh cho hay, VTV phải cân nhắc vì hiện có một số ý kiến cho rằng, trong khoảng từ 10 đến 15 năm nữa truyền hình số mặt đất có thể không còn nữa nên khi đó mọi kế hoạch cho hoạt động truyền hình sẽ phải thay đổi.

Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, nếu VTV mạnh dạn thành lập doanh nghiệp ngay từ bây giờ sẽ cực kỳ hiệu quả cho đầu tư của nhà nước, việc thành lập doanh nghiệp của VTV có tác động lớn ngay trong việc xây dựng Quyết định 2451, nếu VTV có doanh nghiệp thì tại 5 khu vực theo phân chia của Đề án chỉ cần thành lập 2 doanh nghiệp truyền dẫn khu vực, còn lại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Tây Bắc do VTV đảm nhận.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, ở thời điểm này Bộ TT&TT chấp nhận cho VTV tạm thời chưa thành lập doanh nghiệp, đồng thời sẽ tính toán để cấp phép cho các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng khu vực được mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ truyền dẫn. Quan điểm của Bộ TT&TT là sắp xếp lại quản lý hạ tầng theo Luật Viễn thông, Luật Tần số Vô tuyến điện theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp phải được thực hiện cấp phép theo đúng quy định, hạch toán đầy đủ, thực hiện kiểm tra kiểm soát đúng quy định, đối với dịch vụ truyền dẫn hạ tầng có thể dùng chung được giữa các doanh nghiệp. Xu hướng hội tụ giữa viễn thông và Internet đã rõ, nếu VTV làm dịch vụ truyền dẫn mà vẫn gắn kết với các nhiệm vụ khác và không sớm tách bạch ra sẽ bất lợi cho VTV. Đây là quan điểm rõ ràng của Bộ TT&TT và VTV cần sớm xây dựng phương án thí điểm thu phí dịch vụ truyền dẫn cũng như sớm có phương án xây dựng doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng. Việc ra đời doanh nghiệp sẽ tăng quyền chủ động của VTV cao hơn và chắc chắn sẽ không có khó khăn hay cản trở.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận