VTV giữ nguyên quyền chi phối tại Liên doanh K+

VTV giữ nguyên quyền chi phối tại Liên doanh K+

VTV giữ nguyên quyền chi phối tại Liên doanh K+

VTV vẫn giữ nguyên quyền chi phối ở Liên doanh K+.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Đài Truyền hình Việt Nam . VTV tiếp tục duy trì phần vốn nhà nước tại Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV/K+).

Như vậy, trước mắt VTV sẽ chưa tiến hành tái cơ cấu, hay thực hiện cổ phần hóa K+ mà VTV sẽ tiếp tục nắm giữ 51% vốn tại liên doanh này.

Trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm thành lập VTVcab diễn ra vào tháng 9/2015, ông Trần Bình Minh, Tổng giám đốc VTV cho biết bước đầu VTV sẽ thoái vốn khỏi VTVcab, sau đó đến lượt SCTV và K+.

Việc thoái vốn, rút dần vai trò của VTV tại các doanh nghiệp truyền hình trả tiền, theo ông Minh, để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho cổ đông và người sử dụng thuê bao. Sau khi bán cổ phần khỏi các đơn vị này, VTV sẽ chỉ đóng vai trò là đơn vị kiểm soát về nội dung. Trong tương lai VTV sẽ chỉ quản lý nội dung, không có vai trò trong việc quản lý kinh doanh của các đơn vị này.

Vào cuối năm 2015, VTV đã thành lập Ban Biên tập nội dung Truyền hình trả tiền có nhiệm vụ kiểm soát nội dung trên tất cả các kênh truyền hình trả tiền của các doanh nghiệp có vốn của VTV.

Khi được thành lập vào năm 2009, vốn điều lệ của K+ là 20 triệu USD, trong đó phía VTV góp hơn 10 triệu USD (chiếm tỉ lệ 51% cổ phần), còn lại là Canal+ International Development góp 9,78 triệu USD.

Tuy nhiên, VTV không góp bằng tiền mà bằng khoảng 100.000 thuê bao DTH chuyển giao sang K+ từ VTVcab (khi đó là VCTV), cùng hệ thống kỹ thuật trạm thu phát sóng tại Vĩnh Phúc. Để có đủ vốn đầu tư sau khi ra đời, ngoài 20 triệu USD vốn điều lệ, K+ đã vay thêm 34 triệu USD từ công ty mẹ Canal+ (Pháp). Sau sáu năm ra đời, tháng 6/2015 K+ thông báo đã đạt điểm hòa vốn.

Tăng trưởng thuê bao của K+ đạt bình quân 140%/năm, doanh thu tăng 150%/năm, tổng doanh thu đạt trên 1.200 tỉ đồng/năm.  Hiện K+ đã có hơn 900.000 thuê bao.

Từ nhiều năm nay, có thể nói VTV đang chi phối rất lớn đến thị trường truyền hình trả tiền. VTV đang sở hữu, đồng sở hữu ba đơn vị truyền hình trả tiền chi phối toàn bộ thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ TT&TT, tính đến hết năm 2015, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt khoảng 9,9 triệu thuê bao.

Ước tính ba doanh nghiệp trực thuộc VTV đã chiếm khoảng gần 6 triệu thuê bao, bao gồm: SCTV 2,5 triệu thuê bao, VTVcab 2,5 triệu thuê bao, K+ hơn 900.000 thuê bao.

Khi cổ phần hóa, VTV sẽ tổ chức đấu giá công khai khi bán cổ phần tại VTVcab và SCTV và số tiền thu được chuyển về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Việc cổ phần hóa VTVcab và SCTV sẽ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này quản lý và kinh doanh tốt hơn. Sau này khi cổ phần hóa, VTV sẽ chỉ đóng vai trò đơn vị kiểm soát nội dung cho các đơn vị truyền hình trả tiền.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận