VTV, SCIC sẽ thoái vốn tại Công ty CP Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam

VTV, SCIC sẽ thoái vốn tại Công ty CP Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam

Ngày 7/11/2017, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam vào ngày 27/10/2017.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Đài Truyền hình Việt Nam , Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, hiệu quả, không để thất thoát vốn nhà nước.

Thủ tướng yêu cầu Đài Truyền hình Việt Nam trao đổi với các đối tác, đề xuất cụ thể tỷ lệ thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án Tháp Truyền hình Việt Nam thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật và các thủ tục về đất đai có liên quan theo đúng quy định.

VTV, SCIC sẽ thoái vốn tại Công ty CP Đầu tư Tháp Truyền hình Việt Nam

Dự án tháp truyền hình sẽ được đầu tư theo cơ chế xã hội hóa. Ảnh minh họa: Internet

Dự án Tháp truyền hình Việt Nam cao nhất thế giới được phê duyệt tháng 3/2015, được nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi còn đương chức đã cho phép Đài truyền hình Việt Nam và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) ập công ty cổ phần (CTCP) để đầu tư dự án Tháp Truyền hình Việt Nam.

VTV được chọn thêm đối tác để thực hiện góp vốn thực hiện dự án. Theo đó, VTV và hai đối tác là SCIC và Tập đoàn BRG đã lên kế hoạch xây dựng toà tháp cao 636m. Đây là cao tháp cao nhất thế giới, cao hơn tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu - Trung Quốc (600m). Địa điểm xây dựng dự án tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội), tổng mức đầu tư lên 1,3 -1,5 tỷ USD, riêng khối tháp lên tới 900 triệu USD. Dự án bao gồm nhiều hạng mục về du lịch, văn hoá, giải trí, bất động sả có tổng diện tích 14 ha. Thời điểm này đã có nhiều quan điểm trái chiều cho rằng việc đầu tư dự án với số vốn “khủng” như trên là không cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn…

Trong phiên họp thứ 13, Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam hôm 14/2/2017 tại Bộ TT&TT, ông Nguyễn Thành Lương, Phó Tổng giám đốc VTV tiết lộ dự định “VTV sẽ xin cơ chế xã hội hóa đầu tư xây dựng tháp truyền hình” khi phát biểu về kế hoạch tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn triển khai hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số DVB-T2 của VTV.

Ông Lương cho biết, mặc dù chưa được ghi vào nguồn vốn chi đầu tư của VTV trong năm 2017, nhưng sau khi làm việc với Bộ TT&TT, VTV sẽ cố gắng bố trí vốn để triển khai xây dựng các trạm phát sóng DVB-T2 tại các tỉnh sẽ số hóa truyền hình thuộc nhóm 2. Riêng đối với việc chuyển đổi phát sóng số DVB-T2 từ mạng đa tần sang mạng đơn tần là bài toán nan giải về nguồn vốn. Dự tính việc chuyển đổi này sẽ cần một khoản đầu tư từ 200-300 tỷ đồng, hiện VTV vẫn chưa có nguồn nhưng VTV dự tính có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để xin nguồn từ số tiền thu được sau khi cổ phần hóa.

Theo đó, khi xây dựng đề án cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc VTV, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho VTV sử dụng số tiền thu được từ bán cổ phần của VTV tại các doanh nghiệp để xây dựng tháp truyền hình. Theo Đề án xây dựng tháp truyền hình trước đây thì sẽ do VTV và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư là chủ yếu. Nhưng sau khi xem xét lại thì nảy sinh khó khăn là nếu VTV và SCIC nắm hơn 60% vốn đầu tư tháp truyền hình sẽ khó làm được, vì tháp truyền hình để xây dựng cần có cơ chế rất đặc biệt, nên rất khó có thể dùng tiền của nhà nước để đầu tư vì sẽ phải xin rất nhiều cơ chế đặc thù.

Do đó, xu hướng của VTV là sẽ không dùng tiền bán cổ phần để đầu tư cho tháp truyền hình, mà sẽ sử dụng nguồn vốn từ xã hội hóa gần hết, VTV chỉ nắm dưới 30% vốn đầu tư vào tháp truyền hình.

Từ đó, VTV tính đến việc xin Thủ tướng Chính phủ cho phép dùng số tiền thu được sau khi cổ phần hóa các doanh nghiệp để đầu tư sang chuyển mạng phát sóng truyền hình số từ đa tần sang đơn tần. Nếu có nguồn tiền từ cổ phần hóa được giao cho chuyển sang mạng đơn tần thì việc đầu tư cho hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình số DVB-T2 sẽ làm tốt, không phải lo lắng gì cả.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận