Bán vũ khí cho cả thế giới, nước Mỹ đang thay đổi?

Bán vũ khí cho cả thế giới, nước Mỹ đang thay đổi?

Những nỗ lực thúc đẩy kế hoạch "Buy American" (Mua hàng Mỹ) của Chính quyền Tổng thống D. Trump đã góp phần thúc đẩy đáng kể doanh số xuất khẩu vũ khí của nước này trong nửa đầu năm tài khóa 2018.

Trung tướng Charles Hooper, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết, trong hai quý đầu năm tài khóa 2018, chính quyền Washington đã bán lượng vũ khí trị giá 46,9 tỷ USD, thậm chí cao hơn cả tổng giá trị xuất khẩu vũ khí của nước này trong cả năm tài khóa trước (41,9 tỷ USD).
Thời gian qua, Mỹ đã ký kết nhiều thỏa thuận về mua bán vũ khí giá trị lớn với các nước đồng minh ở châu Âu, châu Á và Trung Đông, trong đó gần một nửa là tới các quốc gia Trung Đông như: Saudi Arabia, UAE, Israel, Iraq và Qatar.
Bán vũ khí cho cả thế giới, nước Mỹ đang thay đổi?
 Xuất khẩu vũ khí của Mỹ trong năm 2018 đạt mức tăng trưởng ấn tưởng một phần nhờ vào một loạt chính sách mới của Tổng thống Trump. Nguồn ảnh: DSCA.
Được công bố vào tháng 4-2018, kế hoạch “Mua hàng Mỹ” thể hiện nỗ lực của ông Trump bảo đảm cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2016, bao gồm tạo công ăn việc làm bằng tăng cường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và giảm thâm hụt thương mại đang ở mức cao, trong đó xuất khẩu vũ khí là một trong những lĩnh vực quan trọng.
Phát biểu tại Triển lãm hàng không Farnborough đang diễn ra tại Vương quốc Anh, ông Hooper khẳng định đề xuất về Chuyển giao vũ khí thông thường (CAT) và xuất khẩu Hệ thống vũ khí không người lái (UAS) nằm trong kế hoạch trên của Nhà Trắng đã giúp nới lỏng những rào cản về xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự Mỹ lâu nay, mở đường cho Mỹ tăng cường xuất khẩu mọi loại vũ khí, từ máy bay chiến đấu cho đến máy bay không người lái, cùng các loại pháo nhằm cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, như Trung Quốc và Nga.
Trước đây, để thực hiện các thương vụ mua bán, Tổng thống cần phải tiến hành tiếp xúc trực tiếp với các nhà lãnh đạo nước ngoài, đề xuất và ký kết các hợp đồng. Còn giờ, các công ty quốc phòng tư nhân của Mỹ, như Boeing, Lockheed Martin, Raytheon, General Dynamics và Northrop Grumman...sẽ được phép bán trực tiếp một số loại vũ khí thông thường và nhiều thiết bị không người lái cho đối tác mà không cần thông qua chính phủ.
Bà Tina Kaidanow, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị - quân sự cho biết, đề xuất mới sẽ đẩy mạnh tính linh hoạt của các công ty quốc phòng, củng cố các mối quan hệ đối tác về an ninh và bảo vệ an ninh kinh tế, công ăn việc làm của Mỹ.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang nóng lên từng ngày cũng như việc chính quyền Mỹ chính thức áp mức thuế nặng lên các mặt hàng nhôm và thép của hàng loạt đồng minh từ các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU), Canada đến Mexico, thì thúc đẩy kinh tế thiên về xuất khẩu công nghiệp quốc phòng được đánh giá là bước đi quan trọng theo đúng chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump, đồng thời khẳng định giá trị chiến lược của mối quan hệ giữa các công ty quốc phòng Mỹ và các đối nước ngoài.
Theo Văn Hiếu/Quân đội Nhân dân

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận