RWS: "Bùa hộ mệnh" cho phương tiện chiến đấu bọc thép tương lai

RWS: "Bùa hộ mệnh" cho phương tiện chiến đấu bọc thép tương lai

Các hệ thống vũ khí RWS không chỉ bảo vệ phương tiện bọc thép mang theo nó mà còn cả kíp chiến đấu trên xe, giảm thiểu tối đa khả năng thương vong.

Các hệ thống vũ khí điều khiển từ xa được đặt trên nóc xe thiết giáp hoặc xe tăng chiến đấu chủ lực được thiết kế giúp nâng cao năng lực tác chiến đồng thời giảm tỷ lệ thương vong cho người lính trong môi trường chiến tranh hiện đại.
Hệ thống vũ khí điều khiển từ xa (RWS - Remote Weapon Station) trên các dòng xe thiết giáp chiến đấu thường được trang bị nhiều loại hỏa lực khác nhau như:  Súng máy 7,62mm; 12,7mm; pháo 30mm; súng phóng lựu tự động 40mm. Một số nước còn trang bị cả rocket phóng loạt lẫn vũ khí chống tăng có dẫn đường cho hệ thống chiến đấu tiên tiến này.
RWS:
 Tháp vũ khí điều khiển từ xa TRT trên xe thiết giáp M1126 Stryker của Quân đội Mỹ. Ảnh: DZLH
Ưu điểm của các bệ vũ khí điều khiển từ xa
Hỏa lực chính được trang bị trên các hệ thống vũ khí điều khiển từ xa thường các loại vũ khí bộ binh phù hợp với cận chiến, được tích hợp với các tổ hợp kính ngắm nhiệt/kính ngắm ban ngày, thiết bị đo khoảng cách bằng laser, cho phép tác chiến được với mọi mục tiêu, trong mọi điều kiện thời tiết;
Ngoài ra, việc được lắp đặt các thiết bị bám bắt mục tiêu tự động giúp giảm bớt thao tác thừa cho pháo thủ cũng giúp các hệ thống RWS thân thiện hơn với kíp chiến đấu trên các dòng phương tiện bọc thép;
Do các bệ vũ khí điều khiển từ xa được thiết kế đặt bên ngoài thân xe, nên chúng cũng tiết kiệm không gian đáng kể trong xe, lợi thế này cho phép các phương tiện chiến đấu bọc thép hiện đại có thể chuyên chở nhiều quân hơn so với một số mẫu phương tiện chiến đấu thông thường;
Các hệ thống RWS còn giúp giảm thiểu tối đa thương vong cho kíp chiến đấu trên các phương tiện bọc thép, khi binh sĩ điều khiển các tổ hợp vũ khí này bán tự động hoặc tự động hoàn toàn ngay bên trong phương tiện thay vì phải đưa thân ra ngoài xe.
RWS:
Tổ hợp vũ khí điều khiển từ xa AU-220M do Nga phát triển. Ảnh: Shephardmedia
Thành phần của các bệ vũ khí điều khiển từ xa
Thành phần chính của một hệ thống vũ khí điều khiển từ xa gồm: Vỏ giáp; hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS); màn hình hiển thị; bảng điều khiển; camera độ phân giải cao; máy tính; các loại kính ngắm quang học (kính ngắm mục tiêu, kính ngắm toàn cảnh dành cho người chỉ huy với các kênh nhìn ban ngày/ảnh nhiệt); thiết bị đo xa bằng laser; kính tiềm vọng trang bị bên trong xe dành cho người chỉ huy cho phép quan sát 360 độ.
Các bệ vũ khí điều khiển từ xa điển hình hiện nay
- Tổ hợp vũ khí điều khiển từ xa AU-220M
AU-220M  được phát triển bởi Công ty UralVagonZavod/Nga, được trang bị pháo 57mm có hai cửa tiếp đạn với tốc độ bắn lên tới 120 phát/phút; súng máy đồng trục 7,62mm PKTM có tốc độ bắn 700 - 800 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 1.500m và các cụm ống phóng lựu 81mm vận hành bằng điện. Cơ số đạn sẵn sàng chiến đấu chở trên xe 200 viên gồm các kiểu đạn xuyên giáp, đạn nổ phá và đạn được dẫn đường, tầm tối đa của các loại đạn này vào khoảng 12.000m.
Đại diện Công ty UralVagonZavod cho biết, Tổ hợp vũ khí AU-220M được thiết kế nhằm thay thế cho modul tháp pháo Bakhcha đang được sử dụng phổ biến trên các phương tiện bọc thép như BMP-3 hay BMD-3/4 của Nga. Tháp pháo của AU-220M có thể quay 360 độ theo phương vị và góc tà từ -5o đến +75o và đều được điều khiển hoàn toàn tự động, chính vì vậy AU-220M còn có thể tham gia tác chiến phòng không trong những trường hợp nhất định. Ngoài ra, bệ pháo này còn có thể trang bị trên các tàu chiến mặt nước.
RWS:
 Hệ thống vũ khí điều khiển từ xa Claw trên xe bọc thép chở quân ACV-300 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Pinterest.
- Hệ thống vũ khí điều khiển từ xa Claw
Hệ thống vũ khí Claw do Thổ Nhĩ Kỳ nghiên cứu, chế tạo, được trang bị tháp pháo KBA cỡ nòng 25mm với khả năng bắn được hai loại đạn khác nhau từ hai cửa nạp đạn riêng biệt với cơ số 800 viên đạn mỗi loại, tốc độ bắn tối đa 600 phát/phút và có thể bắn ở nhiều chế độ khác nhau như phát một hay bắn theo loạt ngắn. Ngoài ra, trên tháp pháo còn lắp đặt thêm một súng máy đồng trục MG3 7,62mm với cơ số 200 viên đạn nạp sẵn. Cả 2 vũ khí của Claw đều được bắn qua hệ thống điều khiển điện tử trong xe. 
Tính năng ưu việt của hệ thống vũ khí Claw là tổ lái có thể nạp lại đạn cho cả pháo 25mm và súng máy đồng trục khi đang ngồi ngay trong xe mà không cần ra ngoài. Hai bên tháp pháo được trang bị bốn ống phóng lựu đạn cỡ nòng 76mm mỗi bên hoặc súng phóng lựu cỡ 81mm của Nga hoặc 66mm của Hoa Kỳ. Hệ thống quay của tháp pháo hoạt động bằng động cơ điện có khả năng quay 360 độ và nâng hạ tháp pháo từ -10 độ tới 50 độ.
Lớp giáp bảo vệ của hệ thống Claw được làm từ nhôm hàn với các tấm gia cố bằng thép giúp nó đạt tiêu chuẩn chống đạn STANAG 4569 cấp 2, với tổng khối lượng chỉ có 1.700kg. Điều này giúp cho Claw có thể dễ dàng lắp trên rất nhiều loại xe thiết giáp mà không làm tăng khối lượng xe quá nhiều hoặc làm ảnh hưởng đến tốc độ hay khả năng mang binh lính của xe.
- Tháp vũ khí điều khiển từ xa TRT
Hệ thống vũ khí điều khiển từ xa TRT được Công ty Denel nghiên cứu, chế tạo. Tháp TRT tiêu chuẩn có thể lắp được nhiều loại vũ khí khác nhau từ cỡ 25mm và 30mm, thậm chí kể cả các loại pháo 2A43 và súng máy đồng trục 7,62mm PKT. Trong khi đó, phiên bản nâng cấp có thể lắp thêm hai bệ phóng vũ khí chống tăng có điều khiển ATGW. Với cả hai phiên bản trên, khi lắp pháo 25mm với cửa tiếp đạn kép M242 thì sẽ được biên chế 260 viên đạn đi kèm, đồng thời còn được trang bị thêm một súng máy đồng trục 7,62mm với cơ số đạn là 1.000 viên.
Bệ vũ khí điều khiển từ xa TRT có thiết bị ngắm bắn mục tiêu theo xạ thủ, sử dụng một màn hình phẳng FPD trên đó hiển thị hình ảnh của camera màu hoặc đen trắng. Ngoài ra còn một máy quay ảnh nhiệt được lắp đồng trục với các cụm vũ khí giúp xạ thủ điểm xạ chính xác hơn đối với mục tiêu ban đêm. Hệ thống TRT tiêu chuẩn hóa để có thể vận hành bởi một người, nhưng cũng có thể sẽ có thêm người thứ hai với một hệ thống kính ngắm độc lập.
RWS:
Hệ thống vũ khí điều khiển từ xa OWS HITFIST. Ảnh: Leonardo
- Hệ thống vũ khí điều khiển từ xa OWS HITFIST
Hệ thống OWS HITFIST được phát triển bởi Công ty Leonardo, sử dụng cỡ nòng 30mm, được gắn trên một số xe gồm cả xe chiến đấu bộ binh (IFV) 8x8 Freccia và các xe thiết giáp chiến đấu bộ binh cấu hình 8x8 của Pháp. OWS HITFIST có khối lượng tương đối nhẹ chỉ 1.350kg, cho phép lắp đặt được trên một loạt các phương tiện mang khác nhau, sử dụng cửa tiếp đạn kép MK44 được ổn định của Orbital ATK Armament Systems với cơ số đạn 230 viên đạn và súng máy đồng trục 7,62mm.
OWS HITFIST có thể chuyển hướng phương vị/góc tà từ -10 độ đến +75 độ và đều được điều khiển tự động bằng điện. Điều này giúp cho OWS HITFIST có thể tác chiến với tất cả mục tiêu trong tác chiến môi trường đô thị cũng như chống các mục tiêu bay chậm và thấp. Hỏa lực của tháp vũ khí 30mm OWS HITFIST có thể được tăng cường với một thùng phóng chứa 2 tên lửa chống tăng có điều khiển Spike được lắp ở phía bên trái tháp pháo. OWS HITFIST được vận hành bởi hai người. Trong đó, người thứ nhất đảm nhận nhiệm vụ ngắm bắn, người thứ 2 làm nhiệm vụ bắt mục tiêu bằng tổ hợp kính ngắm toàn cảnh trên nóc tháp.
- Hệ thống vũ khí điều khiển từ xa MC-RWS
MC-RWS được nghiên cứu chế tạo bởi Công ty Kongsberg, trang bị chủ yếu trên các xe bọc thép chở quân M1126 Stryker 8x8 của Mỹ. Bệ vũ khí MC-RWS tiêu chuẩn được lắp pháo 30mm với cửa tiếp đạn kép và một súng máy đồng trục 7,62mm, nhưng cũng có lựa chọn lắp các súng máy 5,56mm, 7,62mm, 12,7mm hoặc súng phóng lựu tự động 40mm trên nóc bệ vũ khí. Ngoài ra, hệ thống chống tăng Javelin cũng có thể được lắp đặt ở bên cạnh để tạo ra khả năng chống tăng tầm xa cho toàn bộ hệ thống.
Bệ vũ khí MC-RWS có thể lắp đặt trên nhiều loại xe khác nhau, kể cả xe bánh xích và xe bánh lốp. Hiện nay, Lục quân Mỹ đã thử nghiệm lắp đặt bệ pháo này lên xe IFV Bradley của BAE Systems. Loại xe này hiện đang lắp tháp vũ khí hai người điều khiển, sử dụng pháo 25mm M242, hai cửa tiếp đạn, 1 súng máy đồng trục 7,62mm, 1 thùng chứa 2 tên lửa chống tăng dẫn đường bằng dây bám.
Lam Ngọc

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận