START-3 là dành cho Nga, chứ không phải cho Mỹ?

START-3 là dành cho Nga, chứ không phải cho Mỹ?

Tuy luôn yêu cầu Moscow thực hiện hiệp ước START-3 nhưng Washington lại tăng cường năng lực hạt nhân của mình theo cách mà họ muốn, và điều này sẽ sớm khiến hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa hai cường quốc đi vào ngõ cụt.

Moscow đang hoài nghi về những số liệu về lực lượng hạt nhân do Mỹ công bố theo khuôn khổ Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược mới . Theo Điện Kremlin, Washington không tuân thủ START-3, mà đang tái cơ cấu để tiếp tục duy trì sức mạnh hạt nhân của mình. Học thuyết hạt nhân mới của Mỹ được công bố hồi cuối tuần trước có thể coi như “giọt nước tràn ly”.
Theo Học thuyết hạt nhân mới, Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục nâng cấp kho vũ khí hạt nhân để đối trọng với Nga sau nhiều thập kỷ đóng băng. Đây là bước đi hiện thực hóa những ý tưởng về lực lượng hạt nhân của Mỹ trong tương lai đã được Chính quyền Tổng thống Barack Obama đệ trình Quốc hội Mỹ năm 2010. Học thuyết mới của Mỹ cũng thể hiện quan điểm mới của Washington về Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.
START-3 là dành cho Nga, chứ không phải cho Mỹ?
 START-3 có nguy cơ bị đóng băng do Học thuyết hạt nhân mới của Mỹ.

“Không khó để nhận thấy sự khác biệt giữa bản báo cáo hạt nhân toàn cầu của Mỹ năm 2010 và 2018. Nếu năm 2010, Washington chú trọng việc giảm cắt giảm vũ khí hạt nhân toàn cầu, thì năm 2018, Mỹ mong muốn tăng cường năng lực vũ khí hạt nhân để đối phó với mối đe dọa chính là Nga”, cựu lãnh đạo Cơ quan hoạch định chiến lược, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga, tướng Valery Zaparenko đánh giá.

Trong bản báo cáo hạt nhân năm 2018, Mỹ cũng đề cập tới Triều Tiên, Trung Quốc và Iran, nhưng trọng tâm chính vẫn là Nga. Lầu Năm góc đã thể hiện rõ quan điểm về sự cần thiết nâng cấp lực lượng hạt nhân để duy trì cân bằng chiến lược Nga-Mỹ. Điều này đã được khẳng định qua lời Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề hạt nhân và phòng thủ tên lửa, Robert Soufer và Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ, Greg Weaver.

Giới chức quân sự Mỹ đánh giá, trong nhiều năm qua, Nga đã tập trung phát triển các loại vũ khí hạt nhân đặc biệt để che giấu tiềm lực hạt nhân thực sự. Đặc biệt, Nga đang sở hữu số lượng lớn các loại vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật mà Mỹ không có năng lực tương đương. Nga hiện có ít nhất 2.000 đơn vị vũ khí hạt nhân chiến thuật, trong khi Mỹ chỉ có khoảng vài trăm đơn vị vũ khí loại này đang triển khai tại châu Âu.

Về vấn đề này, phần lớn giới chuyên gia quân sự đánh giá, bất kỳ động thái sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nào của cả Nga và Mỹ có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân toàn diện. Tuy nhiên, ông G. Weaver tin rằng, Mỹ vẫn cần phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật để đối phó với mọi kịch bản xung đột với Nga.

“Tôi cho rằng, Nga không dành phần lớn nguồn lực quốc phòng để nâng cấp lực lượng hạt nhân chiến lược, mà họ đang đi theo hướng khác hiệu quả hơn. Tại sao họ lại tập trung nguồn lực cho việc đó. Đơn giản là Nga muốn sử dụng vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật để giảm khả năng đánh chặn và phòng thủ tên lửa của Mỹ”, ông G. Weaver đánh giá.

Chính từ nhận định trên, Mỹ dự kiến phát triển hai dòng vũ khí hạt nhân mới là thế hệ đầu đạn mới cắt giảm khả năng công phá lắp trên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và tên lửa hành trình. Tuy nhiên, tiềm năng của hai dòng vũ khí hạt nhân mới vẫn còn được tranh cãi do chúng chưa đủ khả năng vượt qua hệ thống phòng không tương lai của Nga. Giới chuyên gia đánh giá, nhiều khả năng việc phát triển các đầu đạn hạt nhân mới chỉ nhằm tăng sự lựa chọn sử dụng vũ khí cho Quân đội Mỹ.

“Lầu Năm góc đang có những bước đi nhằm buộc Nga phải cân nhắc lại chính sách của mình. Mỹ chắc chắn sẽ không tạo ra một kho vũ khí hạt nhân chiến thuật quy mô lớn vì điều đó quá tốn kém và không hiệu quả”, chuyên gia phân tích Rebecca Heinrich thuộc Viện nghiên cứu Hudson, đánh giá. Theo lời bà R. Heinrich, Lầu Năm góc đã chọn đúng hướng để đối phó với Nga.


START-3 là dành cho Nga, chứ không phải cho Mỹ?
 Khi vũ khí hạt nhân được sử dụng sẽ không có giới hạn để các bên dừng lại.

Tuy nhiên, cả giới chức quân sự và chuyên gia Mỹ đều không dự đoán được bước đi tiếp theo của Moscow sau khi Học thuyết hạt nhân mới của Mỹ được công bố. “Tôi không rõ, nhưng chắc chắn câu trả lời từ phía Nga sẽ không mấy dễ chịu”, ông Greg Weaver nhận định. Có thể khẳng định một điều chắc chắn, Học thuyết hạt nhân mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới thỏa thuận về START-3 giữa hai bên.

“Tôi cho rằng, các chuyên gia Mỹ vẫn không thể chắc chắn về Học thuyết hạt nhân mới của Lầu Năm góc. Họ không thể tưởng tượng được viễn cảnh Mỹ không thể sử dụng đòn tấn công hạt nhân tổng lực, trong khi sở hữu bộ ba hạt nhân quy mô hàng đầu thế giới”, Phó giám đốc Trung tâm Chiến lược và Công nghệ Nga, Konstantin Makienko đánh giá.

Theo lời chuyên gia K. Makienko, khi vũ khí hạt nhân được sử dụng sẽ không có giới hạn là vũ khí chiến thuật hay chiến lược để các bên dừng lại và Học thuyết hạt nhân mới của Mỹ chỉ là bình phong để Washington “lách luật” START-3, tiếp tục duy trì sức mạnh hạt nhân của mình.

Theo Tuấn Sơn/Quân đội Nhân dân

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận