Bộ Công an: Luật An ninh mạng không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của công dân

Bộ Công an: Luật An ninh mạng không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của công dân

Quan điểm nêu trên vừa được được Bộ Công an khẳng định trong nội dung thông tin giải đáp thắc mắc của công dân liên quan đến vấn đề “Luật An ninh mạng có kiểm soát thông tin cá nhân của công dân, cản trở hoạt động của doanh nghiệp và tạo giấy phép con không?”, được đăng tải công khai trong mục “Bộ với Công dân” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an ngày 13/7/2018.

Bộ Công an: Luật An ninh mạng không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của công dân

Luật An ninh mạng được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Quyền lợi của cá nhân theo quy định của Luật An ninh mạng

Thông tin về quyền lợi mà cá nhân được hưởng theo quy định của Luật An ninh mạng, Bộ Công an cho biết, với quy định của Luật An ninh mạng, cá nhân được bảo vệ khi tham gia hoạt động trên không gian mạng trước các thông tin xấu, độc, xâm phạm tới danh dự, uy tín, nhân phẩm, các hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng hoặc các hành vi khác gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Với phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng, các tổ chức, cá nhân được hoạt động trên một môi trường không gian mạng quốc gia sẽ được bảo đảm an toàn, lành mạnh hơn trước, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như: bị đánh cắp thông tin cá nhân; bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; bị vu khống, làm nhục, công kích bôi nhọ; hạn chế mã độc; loại bỏ dần các hành vi đánh bạc, cá độ, truyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy kích động bạo lực, mại dâm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng; bảo vệ chặt chẽ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng; trẻ em được bảo vệ trên không gian mạng…; bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài về sự quản lý, tương thích các quy định của pháp luật và trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện.

Cá nhân được tham gia, thừa hưởng các chính sách về an ninh mạng của Nhà nước như: nghiên cứu, phát triển an ninh mạng; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức an ninh mạng.

Đồng thời, với Luật An ninh mạng, cá nhân còn được trao công cụ để bảo vệ quyền lợi của mình. Cụ thể, Điều 16 của Luật An ninh mạng quy định về phòng ngừa, xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phát hiện, ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật, cũng như yêu cầu lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng để loại bỏ các thông tin vi phạm pháp luật. Điều này có nghĩa là người dân đã có công cụ rõ ràng hơn để bảo vệ mình khi bị các thông tin xấu xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp.

Điều 17 Luật An ninh mạng sẽ giúp bảo vệ người dân trước các hoạt động gián điệp mạng, bảo vệ bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng. Điều 18 Luật An ninh mạng giúp bảo vệ người dân khỏi các hoạt động tội phạm mạng, như chiếm đoạt tài sản, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng… Điều 19, Luật An ninh mạng trao công cụ để bảo vệ người dân khỏi hoạt động tấn công mạng, như tán phát mã độc, tấn công từ chối dịch vụ…

Điều 26 của Luật An ninh mạng “gia cố” thêm công cụ để bảo vệ người dân khỏi các thông tin xấu độc bằng cách yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm loại bỏ những nguồn phát tán thông tin xấu thông qua việc không hoặc ngừng cung cấp dịch vụ cho những đối tượng này. Đồng thời, giúp bảo vệ thông tin cá nhân, bí mật cá nhân của người dân, tránh bị thu thập và lạm dụng (trường hợp dữ liệu cá nhân người dùng Facebook bị lạm dụng vào hoạt động chính trị). Với việc yêu cầu một số doanh nghiệp nước ngoài đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, tức là có pháp nhân tại Việt Nam sẽ giúp người dân có quyền được quản lý, sử dụng và khiếu nại về dữ liệu của mình.

Trẻ em được bảo vệ đặc biệt trên không gian mạng. Các nội dung bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được quy định rõ tại Điều 29 Luật An ninh mạng. Trong đó, yêu cầu chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng, cơ quan, tổ chức, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc và các cá nhân khác có trách nhiệm bảo vệ trẻ em khi trẻ em tham gia không gian mạng; yêu cầu lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền của trẻ em trên không gian mạng.

Cũng theo quy định của Luật An ninh mạng, cá nhân được lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng bảo vệ khi tham gia hoạt động trên không gian mạng, khi lực lượng chuyên trách được trao quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh mạng cần thiết (Điều 5), giúp lực lượng này hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, đồng nghĩa sẽ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hữu hiệu hơn.

Bộ Công an nhấn mạnh, quyền lợi của cá nhân sẽ bảo đảm khi mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trách nhiệm cộng đồng về an ninh mạng sẽ được tăng cường hơn, khi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quản lý hệ thống thông tin và cung cấp dịch vụ trên không gian mạng được xác định trách nhiệm cụ thể, góp phần quan trọng hình thành không gian mạng an toàn, lành mạnh.

Luật An ninh mạng không kiểm soát toàn bộ thông tin cá nhân của công dân

Cũng trong nội dung trả lời, giải đáp thắc mắc của người dân, Bộ Công an cho hay, trước các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, yêu cầu bảo đảm cơ sở, điều kiện để điều tra, xử lý nhanh chóng, hiệu quả của lực lượng bảo vệ pháp luật là cần thiết, cấp bách, trong đó có trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước. Thông tin của cá nhân có hoạt động vi phạm pháp luật là một trong những loại dữ liệu quan trọng để lực lượng bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Điểm a, khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng quy định: “Doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng”.

“Như vậy, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng chỉ được phép tiếp cận thông tin cá nhân của người sử dụng có hoạt động vi phạm pháp luật, với trình tự, thủ tục nghiêm ngặt (bằng văn bản), được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, có nhiều thông tin trên không gian mạng cho rằng, Luật An ninh mạng yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp toàn bộ thông tin người dùng như thông tin cá nhân, thông tin riêng tư cho cơ quan chức năng là không chính xác”, Bộ Công an lý giải.

Bộ Công an cho biết thêm, Luật An ninh mạng đã quy định rõ ràng, chỉ trong trường hợp phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng mới được quyền yêu cầu cung cấp thông tin người dùng. Các quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản có liên quan đã quy định rõ về việc quản lý, sử dụng thông tin được cung cấp để phục vụ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Nội dung Bộ Công an trả lời, giải đáp thắc mắc của người dân vào ngày 13/7 vừa qua cũng nêu rõ, trong 7 quy định liên quan tới trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng trong Luật An ninh mạng, không có quy định nào liên quan tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng không có quy định nào yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải có giấy phép con mới được phép hoạt động.

“Ngoại trừ việc phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng và một số trách nhiệm được quy định cụ thể trong Điều 41 liên quan tới cảnh báo, khắc phục, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các doanh nghiệp không phải chấp hành nghĩa vụ nào khác đối với hoạt động kinh doanh của mình. Không có quy định nào về an ninh mạng trong Luật An ninh mạng quy định về hoạt động thành lập doanh nghiệp, khởi nghiệp, đầu tư, mua bán, kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ Công an thông tin.

Luật An ninh mạng được kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 12/6/2018 với tỷ lệ 86,86% đại biểu tán thành. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng gồm 7 Chương 43 Điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đói với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận