Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lo ngại tình trạng văn bản mật bị chụp ảnh đưa lên mạng

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lo ngại tình trạng văn bản mật bị chụp ảnh đưa lên mạng

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp lo ngại tình trạng văn bản mật bị chụp ảnh đưa lên mạng

Văn bản mật bị tung lên mạng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ich quốc gia

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, ngày 22/11/2017, đa phần các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật, để cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm quyền công dân, quyền tiếp nhận thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong bảo vệ bí mật nhà nước, chống việc lộ, lọt bí mật đang diễn biến khó lường.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng các quy định của dự thảo Luật phải đáp ứng đồng thời 2 yêu cầu: đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, của đại biểu Quốc hội, của báo chí và đảm bảo hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng có thực trạng bí mật Nhà nước bị lộ, ngay cả trên không gian mạng, có những văn bản mật của cơ quan quan trọng được chụp đưa lên. Thực tế này gây ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của Nhà nước, quốc gia.

Ngược lại, có tình trạng lạm dụng luật, đóng dấu mật vào những văn bản không mật. Danh mục mật chậm rà soát, sửa đổi. Có những danh mục mật từ năm 2000 - 2004 tới nay vẫn dùng. Trong khi hệ thống luật, việc công khai minh bạch, sửa đổi rất nhiều.

Đại biểu Lê Thị Nga cũng nêu thực trạng nhiều cơ quan, bộ, ngành chậm công khai, công khai hình thức, lạm dụng bảo mật để không công khai, gây ảnh hưởng tới Nhà nước và tổ chức, công dân; ảnh hưởng rất lớn tới công tác phòng, chống tham nhũng; đẩy một số người dân, một số hoạt động nghề nghiệp vào tình trạng dễ bị quy chụp.

Một số phóng viên báo chí, thậm chí một số cán bộ công chức trong một số trường hợp trên thực tế đã bị quy làm lộ mật. Vì vậy, đại biểu đề nghị làm rõ các điều liên quan tới phân loại, danh mục, điều cấm trong dự thảo Luật.

Giải trình trước Quốc hội, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, công tác bảo vệ bí mật Nhà nước có vị trí đặc biệt quan trọng với mỗi quốc gia. Việc lộ, lọt bí mật gây thiệt hại nghiêm trọng về chính trị, ngoại giao, quân sự, an ninh quốc gia và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Những năm qua, Việt Nam tích cực hội nhập, mở rộng quan hệ đối ngoại. Trong bối cảnh đó bảo vệ bí mật Nhà nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lớn trong đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đó là lý do vì sao dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước ra đời, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc bảo vệ bí mật Nhà nước, cân đối với quyền tiếp cận thông tin của người dân.

Bộ Công an đã nghiên cứu xây dựng dự án Luật với tinh thần tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức và nâng cao hiệu quả bảo vệ bí mật nhà nước, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng nhưng Quốc hội mới cho ý kiến lần đầu nên vẫn cần được bổ sung, hoàn thiện.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận