Ngành TT&TT chủ động phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia

Ngành TT&TT chủ động phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia

Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 1095 ban hành Kế hoạch hành động của Bộ TT&TT thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 25/4/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về “thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Quyết định có hiệu lực từ ngày 5/7/2017.

Kế hoạch hành động này xác định rõ các nội dung công việc cụ thể, lộ trình, thời gian thực hiện mà các đơn vị thuộc Bộ TT&TT cần tập trung triển khai trong thời gian tới.

Ngành TT&TT chủ động phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia

Nội dung cụ thể của Kế hoạch hành động 1095 vừa được công bố sáng 3/8 tại cuộc họp giữa các Bộ, ngành triển khai chỉ đạo của Chính phủ về tuyên truyền hội nhập quốc tế.

Đáng chú ý là giữ vững và tăng cường quốc phòng, an ninh. Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ cần chủ động và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như việc chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, tội phạm kinh tế, khủng bố, trật tự an toàn xã hội... nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết tại các điều ước quốc tế.

Tăng cường phối hợp, hợp tác với các tổ chức đảm bảo an toàn, an ninh mạng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là mạng lưới các trung tâm ứng cứu  sự cố máy tính (CERT/CSIRT) nhằm chia sẻ thông tin cảnh báo sớm các sự cố mạng máy tính, phối hợp ngăn chặn và ứng cứu các cuộc tấn công mạng trên diện rộng, cập nhật các kỹ thuật, công nghệ mới nhằm đối phó được với các cuộc tấn công mạng không phân biệt biên giới quốc gia ngày càng tinh vi hiện nay.

Kết hợp hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và tính tất yếu của hội nhập quốc tế với tăng cường công tác giáo dục, nâng cao cảnh giác cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân để nhận thức rõ âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng hội nhập quốc tế của Việt Nam để tiến hành diễn biến hòa bình chống phá Việt Nam.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là phát triển công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn, gồm các nội dung: Tập trung cơ cấu lại công nghiệp CNTT và nội dung số, góp phần tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy nhanh phát triển ngành công nghiệp CNTT và nội dung số, các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ, có tỷ trọng giá trị quốc gia và giá trị gia tăng cao. Ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ và đa dạng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước.

Đẩy nhanh các ứng dụng CNTT vào sự phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân ở nông thôn, hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu.

Mặt khác, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT cũng cần chú trọng việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong 5 – 10 năm tới, các đơn vị tập trung nghiên cứu, rà soát để thực hiện các thỏa thuận, cam kết trong các hiệp định kinh tế thương mại đã ký kết. Xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT đang hoạt động theo cơ chế thị trường, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp..., đảm bảo nguyên tắc phù hợp với các cam kết mà Việt Nam đã tham gia, đảm bảo lợi ích của Việt Nam, cũng như góp phần thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển.

Cũng theo kế hoạch của Bộ TT&TT, các đơn vị thuộc Bộ cần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế quốc tế trong quá trình hội nhập. Đẩy mạnh và chủ động làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển lĩnh vực TT&TT, song song với việc đảm bảo an ninh của đất nước.

Chủ động, tích cực tham gia hiệu quả vào các hoạt động trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế chuyên ngành trong lĩnh vực TT&TT để duy trì và phát huy hình ảnh, uy tín và vị thế của Việt Nam. Đồng thời, tranh thủ những nguồn lực, hỗ trợ quốc tế nhằm góp phần thực hiện tốt các mục tiêu hội nhập quốc tế chung của Việt Nam.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TT&TT với lộ trình cụ thể, hướng tới các chuẩn mực, loại bỏ dần các biện pháp mệnh lệnh – hành chính. Chú trọng nội luật hóa những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tăng cường năng lực thực thi pháp luật trong lĩnh vực TT&TT. Rà soát kỹ các cam kết quốc tế và trên cơ sở luật pháp Việt Nam trong lĩnh vực TT&TT, chuẩn bị những giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm bảo đảm tuân thủ các cam kết quốc tế, song song với bảo vệ lợi ích của Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.

Ngoài ra, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT cần chú trọng hoạt động bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch để nâng cao hiệu lực quản lý về văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, hội nhập toàn diện và bùng nổ của khoa học công nghệ, CNTT-TT. Kiên quyết đấu tranh chống, ngăn chặn sự xâm nhập của những sản phẩm văn hóa không lành mạnh từ bên ngoài vào Việt Nam qua môi trường mạng viễn thông và Internet.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận