Tổng Bí thư trả lời cử tri về Luật an ninh mạng và Luật đặc khu

Tổng Bí thư trả lời cử tri về Luật an ninh mạng và Luật đặc khu

Như Infonet đã đưa tin, sáng nay , Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân và Hà Đông, sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14. Chiều cùng ngày, Tổng Bí thư tiếp tục có cuộc tiếp xúc cử tri quận Cầu Giấy.

Tổng Bí thư trả lời cử tri về Luật an ninh mạng và Luật đặc khu
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong buổi sáng, sau khi lắng nghe ý kiến của các cư tri, Tổng Bí thư ghi nhận đó đều là những ý kiến thể hiện tâm huyết trách nhiệm đối với đất nước. Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng giành nhiều thời gian để nói rõ hơn về hai dự luật An ninh mạng và Luật Đơn vị  Hành chính –Kinh tế đặc biệt (Luật đặc khu) với nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội thời gian vừa qua.

Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay, hai dự án luật này  gần đây trên dư luận, mạng xã hội và báo chí đang sôi sục, dẫn đến xảy ra nhiều cuộc biểu tình. Từ đó, các phần tử đã lợi dụng để phá hoại, chống đối, gây rối làm mất trật tự an ninh.

“Hiện các cơ quan chức năng đang tập trung xử lý nghiêm minh kẻ cầm đầu và khắc phục hậu quả của những vụ kích động gây ra.  Thủ đô đã làm tốt công tác giữ an ninh trật tự nên chỉ có một số số chỗ tụ tập đông người”, Tổng Bí thư nói.

Làm rõ hơn về vấn đề xây dựng 3 đặc khu, người đứng đầu Đảng thông tin, chúng ta có chủ trương xây dựng đặc khu đã lâu, từ những năm 1990. Lúc đó cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi khảo sát Bắc Vân Phong, Khánh Hòa. Việc xây dựng đặc khu chúng ta có đi tham khảo các nước và mục đích nhằm thí điểm các cơ chế mới để mở rộng làm kinh tế cho tốt.

"Đây là vấn đề rất mới, rất khó, rất nhạy cảm, hệ trọng nên cần phải cân nhắc cẩn thận, làm cho tốt. Làm như thế nào để vừa đảm bảo an ninh quốc phòng, chính trị, trật tự an toàn xã hội, vừa phát huy được sức mạnh trong nước vào ngoài nước", Tổng Bí thư nói.

Điều đặc biệt, theo Tổng Bí thư đó là việc xây dựng Luật Đặc khu ở mỗi nước, mỗi nơi, mỗi khu vực lại khác nhau. "Luật về đặc khu đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 4. Khi chuẩn bị thông qua, có ý kiến đóng góp, Đảng, Nhà nước và Quốc hội thấy cần phải lắng nghe, tiếp thu khi nào hoàn chỉnh sẽ thông qua. Quyết định lùi thời thông qua dự luật dừng từ ngày 9/6 và được thông báo rộng rãi nhưng tại sao đến ngày 10 và 11/6, vẫn đi biểu tình phản đối. Chứng tỏ có sự chống phá", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Về quy định ưu đãi thuê đất 99 năm như trong Dự thảo Luật, Tổng Bí thư cho hay pháp luật hiện hành quy định thời gian thuê đất dài nhất 70 năm, còn việc đưa ra ưu đãi cho thuê 99 năm nhằm tạo cơ chế vượt trội khi làm đặc khu. Tuy nhiên, nhà đầu tư nào muốn thuê đất 99 năm, pháp luật chúng ta đã quy định phải qua bao nhiêu quy trình. Thủ tướng phê duyệt xong mới được ưu đãi đó.

“Mọi người cứ kích động chỗ này cho rằng để Trung Quốc vào đây 99 năm thì mất nước, vì thế kích động đi biểu tình để biểu thị lòng yêu nước. Rõ ràng sự thật đã bị xuyên tạc, lòng yêu nước bị lợi dụng, kích động để chống đối.  Vừa rồi, chúng ta quyết tâm chấn chỉnh bằng cách xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, phá hoại. Mong các bác hiểu rõ", Tổng Bí thư chia sẻ.
Theo Tổng Bí thư,  bản chất sâu xa của việc xuyên tạc sự thật, kích động lòng yêu nước chân chính của nhân dân, có bàn tay của những phần tử phá hoại, không loại trừ yếu tố nước ngoài.

Từ đó, Tổng bí thư mong nhân dân bình tĩnh, tỉnh táo, tuyệt đối tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Ông nhấn mạnh: Đảng vì nước vì dân chứ không phải vì mục đích gì khác. Không ai dại dột trao đất cho người nước ngoài để người ta vào làm rối mình, không ai ngây thơ thế. Phải đập tan âm mưu phá hoại. Cũng theo Tổng Bí thư, phá rối chính trị rất nguy hiểm và thực tế chúng ta cũng đã có những bài học, đã xảy ra những vụ phá hoại trước đây ở Tây Nguyên năm 2004, Mường Nhé (Điện Biên) năm 2011.

Đối với Luật  An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trên thế giới rất nhiều nước có Luật này.  Việc thông qua Luật là cần thiết, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghệ nghệ 4.0 hiện nay. Công nghệ phát triển mang đến nhiều lợi ích, mặt khác cũng đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ để tránh việc lợi dụng không gian mạng kích động, gây rối, phá hoại.

"Cần có Luật này bảo vệ chế độ, không để muốn nói gì thì nói. Chúng ta phải khai thác tối đa ưu thế của cách mạng công nghệ, lợi rất lợi, nhưng rất nguy hiểm nếu không cảnh giác. Luật ra đời nhằm bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng và bảo vệ quyền công dân. Một số phần tử kích động đẩy vấn đề lên nhưng Quốc hội ta sáng suốt, thông qua với 86,86% đại biểu tán thành. Phải hết sức tỉnh táo, không mắc mưu", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Tổng Bí thư nhấn mạnh nếu trong nội bộ chúng ta có khuyết điểm thì phải sửa, tuyệt đối không nuông chiều tiêu cực, che giấu tiêu cực. Nhưng ngược lại, nếu để lợi dụng để kích động, chống chế độ thì mất nước, mất chế độ. "Hai Luật này rất nhạy cảm. Luật An ninh ninh mạng thông qua rồi. Luật Đặc khu sẽ nghiên cứu hoàn thiện thêm, nếu có lợi phải thông qua, không thì đang yên đang lành không ai xới lên", Tổng Bí thư nêu rõ.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận