Apple cố tình bán máy lỗi?

Apple cố tình bán máy lỗi?

Apple cố tình bán máy lỗi?

Theo The Verge, Thẩm phán Edward Davila của tòa án Quận Bắc California nhận định có cơ sở để xem xét vụ kiện tập thể chống lại Apple. Trong đó, phía nguyên đơn tố cáo hãng cố tình bán MacBook bị lỗi cho khách hàng.

Ngoài ra, toà án cũng nhận khiếu nại về việc gã khổng lồ xứ Cupertino lặng lẽ xóa những bài viết phản ánh vấn đề của máy.

Theo Law360, bên tố cáo cho rằng Apple đã kiểm tra chuyên sâu trước khi phát hành sản phẩm ra thị trường, công việc được thực hiện bởi một nhóm "kỹ sư đáng tin cậy".

Kết quả của các bài kiểm tra kỹ lưỡng và những quy trình khác sẽ cảnh báo hãng về khiếm khuyết màn hình. Điều này đủ chứng minh rằng Apple biết trước về lỗi nhưng vẫn bán máy.

"Tòa nhận thấy, việc kiểm tra trước khi phát hành kết hợp với khiếu nại của khách hàng là đủ cơ sở để nhận định rằng Apple biết rõ về lỗi", thẩm phán Edward Davila nêu quan điểm.

Sự việc được đề cập ở trên liên quan đến lỗi “ánh đèn sân khấu”, hay còn gọi là “flexgate” của MacBook Pro 2016. Sau thời gian sử dụng, đèn nền phần dưới màn hình bị rò sáng.

Theo iFixit, nguyên nhân của lỗi này là sợi cáp màn hình được thiết kế mỏng và ngắn hơn, ôm sát vào panel, quanh mạch điều khiển. Mỗi lần người dùng mở máy, sợi cáp lại bị kéo căng.

Sau thời gian sử dụng nó bị mòn dần, ảnh hưởng đến tín hiệu đường truyền và phát sinh sự cố. Cuối cùng, đèn nền sẽ bị tắt hoàn toàn.

Ban đầu, Apple từ chối bảo hành với các máy bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, không lâu sau đó họ mở chương trình sửa chữa miễn phí cho dòng MacBook Pro 13 inch nhưng loại trừ phiên bản 15 inch.

Nguyên đơn trong vụ kiện tập thể cáo buộc Apple tiếp tục bán các mẫu màn hình 15 inch mà họ biết là có nguy cơ mắc lỗi nhưng không cảnh báo người tiêu dùng.

Cách Apple khắc phục sự cố cũng gây tranh cãi. Cuối năm 2018, gã khổng lồ xứ Cupertino đã âm thầm thay cáp mới, dài hơn một ít cho những máy mới xuất xưởng và chỉ chấp nhận sửa miễn phí sau khi có 15.000 người dùng ký vào đơn khiếu nại tập thể.

Đơn kiện cũng cáo buộc Apple xóa các bài viết trên cộng đồng hỗ trợ chính thức, phàn nàn về vấn đề này. Đáp lại, Apple không phủ nhận hành động của mình nhưng lập luận rằng việc đó không cho thấy họ biết rõ lỗi mà vẫn bán máy.

Vụ kiện vẫn chưa đi đến hồi kết. Phía nguyên đơn đang điều chỉnh lại khiếu nại cũng như bổ sung thêm bằng chứng theo yêu cầu của tòa án.

(Theo Zingnew)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận