Doanh nghiệp Việt không thể tiếp tay cho thông tin xấu độc

Doanh nghiệp Việt không thể tiếp tay cho thông tin xấu độc

Doanh nghiệp Việt không thể tiếp tay cho thông tin xấu độc
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam quảng cáo trên mạng xã hội YouTube. Ảnh: B.M.

Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) Nguyễn Thanh Lâm cho biết: “Thời gian gần đây, Cục PTTH&TTĐT cùng các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều clip, kênh nội dung trên YouTube sản xuất video quy mô công nghiệp với số lượng rất lớn, có nội dung xuyên tạc, sai sự thật, bôi xấu hình ảnh cá nhân, các lãnh đạo Đảng và nhà nước.”

“Thêm vào đó, qua quá trình quan sát, chúng tôi nhận nhiều clip có nội dung xấu độc này lại được YouTube gợi ý cho người dùng tại Việt Nam xem thêm ngay cả khi họ đang xem các nội dung về giải trí hay dành cho trẻ nhỏ. Các video clip xấu độc này lại được chèn quảng cáo của các doanh nghiệp đang hoạt động theo pháp luật Việt Nam, có sản phẩm đang được kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Chúng tôi có đủ bằng chứng để khẳng định rằng hoạt động đưa các thông tin xấu độc này còn được hưởng lợi ích trên cơ chế chia lại lợi nhuận từ các mạng xã hội như Google, YouTube thu được từ các nhà quảng cáo trong nước. Như vậy, có thể nói tiền của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng là tiền của người dân đóng thuế, người tiêu dùng Việt Nam, đang gián tiếp tham gia vào việc hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động xuyên tạc, bôi xấu cá nhân, chống phá nhà nước Việt Nam một cách có hệ thống trên các mạng xã hội.

Trên tinh thần đó, chúng tôi nhận thấy cần có trách nhiệm cảnh báo tới các doanh nghiệp Việt Nam, các công ty đang khai thác quảng cáo theo pháp luật Việt Nam về sự an toàn của thương hiệu khi quảng cáo trên các mạng xã hội này.”

Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết: Hiện nay, theo báo cáo Cục PTTH&TTĐT nhận được từ nhóm bảo vệ bản quyền nội dung gồm VTV, Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ, K+, BHD… có khoảng 73 trang web chuyên phát phim nước ngoài và trong nước vi phạm bản quyền. Hầu hết các trang web này cũng sống được từ nguồn thu đến từ các nhãn hàng quảng cáo đang kinh doanh tại Việt Nam.

Doanh nghiệp cần có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội

Phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết: Bộ TT&TT cũng đã làm việc riêng với đại diện Google. Hai bên đã có một số thỏa thuận tích cực. Tuy nhiên Google cũng có những điểm khó khi mỗi phút trôi qua, có tới 400 giờ video được upload lên mạng YouTube, nên cơ chế kiểm soát sẽ rất khó khăn. Phía Google sẽ phải có biện pháp giải quyết. Một mặt, phía Bộ TT&TT cũng phải có giải pháp xử lý.

Vì vậy, hôm nay Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp, công ty quảng cáo gặp nhau ở đây để bàn về trách nhiệm xử lý vấn đề này. Trách nhiệm ở đây không phải chỉ đối với mỗi doanh nghiệp, mỗi công ty quảng cáo mà là trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, với từng công dân. Điều cần thiết nhất bây giờ là chúng ta cần làm thế nào để có một môi trường thông tin lành mạnh, trung thực.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp như Vinamilk, Vingroup, Sun Group… đều cho biết ngay khi nhận được công văn từ Cục PTTH&TTĐT của Bộ TT&TT, các doanh nghiệp đã ngay lập tức cho dừng tất cả quảng cáo trên YouTube và yêu cầu đơn vị khai thác quảng cáo giải thích, đồng thời đề nghị phía Google và YouTube có biện pháp khắc phục để bảo vệ môi trường quảng cáo lành mạnh cho DN. Hiện tại các doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục dừng, chưa chạy thêm quảng cáo nào trên YouTube.

Doanh nghiệp Việt không thể tiếp tay cho thông tin xấu độc
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ với đại diện WPP về các nội dung video xấu độc bằng tiếng Việt trên YouTube. Ảnh: B.M.

Trao đổi với đại diện các doanh nghiệp và nhà quảng cáo, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Chúng ta cần xác định rõ với nhau trách nhiệm của các bên trong việc xử lý tình trạng này. Các đại lý và các nhà quảng cáo đã yêu cầu Google YouTube như thế nào? Việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, xúc phạm đời tư là việc cả thế giới lên án, không chỉ riêng Việt Nam. Mới đây nhất, Đức cũng đã có yêu cầu với Facebook về việc ngăn chặn các nội dung kích động hận thù, bôi xấu cá nhân. Chúng ta cần xem xét việc tuân thủ pháp luật VN và tuân thủ luật cả pháp quốc tế. Chẳng hạn như các vấn đề vi phạm bản quyền, xúc phạm danh dự đời tư cá nhân đều có thông lệ quốc tế để xử lý.

Biện pháp ngăn chặn của YouTube còn quá yếu và chậm

Ông Nguyễn Thanh Lâm cũng đưa ra cảnh báo: Theo thống kê, hiện có khoảng 15 kênh nội dung trên YouTube đã đưa lên khoảng 8000 video có nội dung bôi xấu cá nhân, xuyên tạc sự thật, phản động, chống phá nhà nước Việt Nam. Các clip xấu độc này được làm rất đơn giản, nhưng hiện có tới khoảng hơn 500 triệu lượt xem và có hơn 1 triệu tài khoản đăng ký theo dõi thường xuyên.

“Hiện tại, đại diện YouTube cho biết đã huy động toàn bộ nguồn lực từ Singapore để phối hợp với Cục PTTH&TTĐT trong việc ngăn chặn các clip xấu độc, nhưng đến hiện tại cũng mới chỉ chặn được 42/8000 clip. Để chặn 1 clip cần phải kê khai form rất phức tạp, nhưng cũng chỉ chặn được truy cập từ Việt Nam, còn nếu truy cập từ nước khác vẫn xem được.”

“Quá trình phối hợp bước đầu giữa hai bên chưa thực sự hiệu quả, rủi ro thông tin xấu độc phát tán vẫn còn rất lớn. Các nội dung liên quan gia đình, trẻ em, giải trí cũng bị xen lẫn cả nội dung này nên rất nguy hiểm. Theo phân tích của các mạng xã hội như YouTube, Facebook thì các video này đang có sự tăng trưởng rất tốt, nguy cơ ảnh hưởng ngày càng lớn đối với sự an toàn lành mạnh của môi trường thông tin trực tuyến tại Việt Nam”, ông Nguyễn Thanh Lâm cho biết.

Yêu cầu Google không tiếp tay cho thông tin xấu độc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh về thực trạng giải pháp chặn lọc các nội dung vẫn chưa khả thi vì lượng video đăng lên YouTube rất nhiều. Các đối tượng phát tán có nhiều cách để lách các thuật toán tự động của Google, YouTube, Facebook, chẳng hạn như cố tình khai sai thể loại nội dung sang giải trí, thiếu nhi...

Nguyên nhân của các tình trạng này, theo Bộ trưởng TT&TT, là do các doanh nghiệp quảng cáo và đại lý chưa kiểm soát tốt vị trí hiển thị quảng cáo trên các mạng xã hội. Các thuật toán tự động của Google, YouTube đặt quảng cáo tự động nên khó kiểm soát. Do đó, các doanh nghiệp cần yêu cầu Google, Facebook phải có biện pháp ngăn chặn.

Google, YouTube chia sẻ lợi ích kinh tế từ quảng cáo cho tổ chức, cá nhân sản xuất video clip trên YouTube, trong đó có cả video xấu độc, nên vô tình gián tiếp khuyến khích các video xấu độc được tăng tải nhiều hơn. Tình trạng này không chỉ là mối lo riêng của ngành quảng cáo tại Việt Nam, mà là mối lo ngại chung của các doanh nghiệp quảng cáo trên toàn cầu. Mới đây, CEO của hãng quảng cáo lớn nhất thế giới WPP cũng đã yêu cầu Google phải “đứng lên và chịu trách nhiệm” về dịch vụ quảng cáo trên nền tảng của mình.

Bộ TT&TT cũng đã chủ động yêu cầu Google phối hợp để ngăn chặn tình trạng nêu trên, không được tiếp tay cho việc chống phá chế độ Việt Nam bằng tiền quảng cáo thu được được từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Trên tinh thần hợp tác, Google cũng đã nhất trí triển khai một số hành động cụ thể như ngăn chặn, gỡ bỏ các clip có nội dung vi phạm theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, hỗ trợ giải pháp cho các đại lý quảng cáo khắc phục hiệu quả hơn tình trạng này.

Theo VietNamNet

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận