Giấc mơ điện thoại bom tấn giá 400 USD tan thành bọt nước

Giấc mơ điện thoại bom tấn giá 400 USD tan thành bọt nước

Giấc mơ điện thoại bom tấn giá 400 USD tan thành bọt nước

Khoảng thời gian này năm ngoái, giới di động phát sốt bởi một hình mẫu điện thoại: Thứ được gọi là “smartphone bom tấn giá 400 USD”.

Không chỉ 1 hoặc 2, hàng loạt mẫu di động cấu hình mạnh mẽ ra mắt năm ngoái đều được bán với giá xấp xỉ 400 USD. Cùng thời điểm, những smartphone phổ biến với cấu hình tương tự thường có giá 600-800 USD.

Ở thời điểm đó, nhiều người đã nghĩ về cái chết của những chiếc smartphone giá cao. Cụm từ “sát thủ iPhone”, “sát thủ bom tấn” xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Một năm sau, người ta gần như không thấy bóng dáng của những chiếc smartphone bom tấn giá 400 USD. Chuyện gì đã xảy ra? Vì sao chỉ sau vài tháng, một hình mẫu điện thoại vốn phát triển bùng nổ lại mất tích trên thị trường?

Câu trả lời đơn giản là lợi nhuận.

Khởi nguồn của smartphone bom tấn giá 400 USD

Trào lưu smartphone cao cấp giá 400 USD có vẻ bắt nguồn từ thời điểm chiếc Nexus 4 ra mắt năm 2012. Google bán di động này với giá chỉ 300 USD, bằng một nửa so với iPhone hay điện thoại Galaxy. Sau đó, những di động như Nexus 5 hay Nexus 5X đều được đánh giá có cấu hình và hỗ trợ phần mềm cực tốt so với tầm giá.

Sau đó, Nexus 6 và Google Pixel đánh dấu chấm hết cho các dòng di động bom tấn giá rẻ của Google, khi hãng này nhận ra không thể mãi “nuôi báo cô” mảng di động, chỉ để tạo danh tiếng cho Android.

Cũng trong khoảng thời gian này, các hãng di động Trung Quốc vào cuộc. OnePlus là một cái tên điển hình. Công ty này bỗng nổi như cồn bằng cách bán một chiếc di động cấu hình cao giá rẻ: OnePlus One có giá 300 USD năm 2014.

Khi đó, họ gần như không tốn chi phí marketing. Mức giá rẻ giật mình của sản phẩm này đủ sức thuyết phục để mọi người đều nói về nó. Sau đó, OnePlus 2 ra mắt với giá 330 USD, vẫn siêu rẻ nhưng đã cao hơn đôi chút.

2016 là năm bùng nổ của di động bom tấn giá 400 USD khi ZTE tung chiếc Axon 7, thương hiệu Honor của Huawei ra mắt Honor 8.

Cùng thời điểm, Xiaomi tiếp tục giữ truyền thống bán smartphone với cấu hình đỉnh cao, thiết kế đẹp kèm mức giá 400 USD tại Trung Quốc và Ấn Độ. Xiaomi Mi 4 và Mi 5 là những chiếc smartphone phổ biến với mức giá hấp dẫn.

Một kẻ mới nổi khác, Netflix của Trung Quốc, LeEco, gia nhập thị trường Mỹ và bán smartphone cấu hình cao với giá tương đồng.

Những startup như Nextbit với smartphone Robin cũng tìm kiếm cơ hội với thiết kế khác biệt và mô hình lưu trữ trên đám mây.

Ngay cả ông lớn Apple cũng chú ý đến trào lưu này và ra mắt iPhone SE giá 400 USD, chiếc iPhone rẻ nhất từ trước đến nay của họ.

Sau đó, mọi thứ đột nhiên chấm dứt.

Giấc mơ tan biến

Hơn nửa năm 2017 trôi qua, mô hình smartphone bom tấn giá 400 USD gần như biến mất không tăm tích trên thị trường.

Đại diện tiêu biểu nhất của nhóm sản phẩm này – OnePlus – giữ nguyên thói quen tăng giá sản phẩm qua mỗi năm với chiếc OnePlus 5. Model này có giá 480 USD tại Mỹ, hơn 500 euro tại châu Âu và một số thị trường khác. Mức giá vẫn khá tốt nhưng không còn nằm trong tầm 400 USD.

ZTE không tung bản kế nhiệm Axon 7, bản nâng cấp của Honor 8 gần như không xuất hiện ở nhiều thị trường. Ngay cả iPhone SE cũng chỉ nâng cấp dung lượng chứ không có bản kế nhiệm.

Nextbit Robin thì đã chết. Trong khi đó, LeEco tuyên bố gặp vấn đề tài chính nghiêm trọng cách đây ít ngày. Điện thoại Nexus giờ đây thay đổi hình thái thành Pixel và có giá ngang với iPhone.

Sự tàn khốc của bài toán lợi nhuận đã giết chết giấc mơ đẹp đẽ của nhiều hãng di động. Họ có thể tung ra 1-2 mẫu smartphone cấu hình cao giá rẻ để thu hút người dùng nhưng không thể mãi duy trì truyền thống đó.

Trên thị trường hiện nay, vẫn có rất nhiều mẫu di động tuyệt vời ra mắt với giá bán hấp dẫn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là một vài điểm khiếm khuyết nào đó, có thể là camera, cấu hình phần cứng hoặc tính năng mới, khiến nó không đủ tiêu chuẩn trở thành di động bom tấn.

1 năm trước, di động bom tấn giá 400 USD là làn sóng mạnh mẽ. Giờ đây, nó đã chết.

Theo Zing

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận