Hà Nội xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho gần 8 triệu dân

Hà Nội xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho gần 8 triệu dân

Hà Nội xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho gần 8 triệu dân

Tại hội thảo về Vai trò của báo chí trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững vừa được tổ chức, nhiều thông tin đã được các cơ quan quản lý nhà nước chia sẻ về tình hình triển khai xây dựng đô thị thông minh tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Hà Nội hiện có dân số 8 triệu người, nhưng trên thực tế có khoảng 10 triệu người thường xuyên làm ăn sinh sống.

Mỗi năm mức tăng dân số cơ học của Hà Nội là 200.000 dân, điều này dẫn đến tình trạng thiếu thốn hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, quá tải phương tiện công cộng… Chính vì vậy, Hà Nội xác định mục tiêu trọng tâm trước mắt và lâu dài là phát triển Hà Nội trở thành một thành phố xanh, văn hiến và văn minh, hiện đại.

Để trở một đô thị thông minh, Hà Nội đã ban hành các chính sách liên quan đến phát triển bền vững và việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, trong đó có việc xây dựng những cơ sở thiết yếu, quan trọng cho việc phát triển thành phố thông minh. Cụ thể hơn, Hà Nội đã xây dựng được một trung tâm dữ liệu dùng chung của thành phố.

Xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho 8 triệu người dân

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành xây dựng hồ sơ dữ liệu dân cư cho gần 8 triệu dân. Bên cạnh đó, Hà Nội còn xây dựng trung tâm điều hành chung của thành phố về giao thông, cứu hoả, cảnh sát, cấp cứu.

Trong giai đoạn 2018-2020, trung tâm điều hành thông minh của Hà Nội sẽ được xây dựng với 8 trung tâm chức năng. Các trung tâm này là thành phần cốt lõi của cơ sở hạ tầng thông minh.

Các thông tin thu thập và xử lý từ các hệ thống ứng dụng đã được thiết lập trong từng lĩnh vực sẽ được truyền về trung tâm. Trung tâm điều hành thông minh của Hà Nội hoạt động giống như bộ não trung tâm, kết nối các lĩnh vực thành phần như: năng lượng, nước, giao thông, an toàn công cộng, an toàn an ninh thông tin…

Cơ sở dữ liệu thu thập được từ các lĩnh vực và các nguồn dữ liệu khác nhau sẽ tạo ra một cái nhìn toàn diện về hoạt động của thành phố. Từ đó, lãnh đạo Hà Nội có thể đưa ra quyết định điều hành với thông tin đầy đủ nhất.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, những vấn đề bức thiết mà Hà Nội cần ứng dụng CNTT để xử lý ngay là giáo dục, y tế, du lịch, giao thông vận tải.

Đối với giáo dục đào tạo, 2.700 trường trên địa bàn Hà Nội đã sử dụng sổ liên lạc điện tử. Việc đăng ký trường học trực tuyến tăng lên hàng năm và hiện chiếm khoảng 80%, ông Nguyễn Văn Phong nói.

Về lĩnh vực y tế, Hà Nội đã tiến hành lập hồ sơ bệnh án điện tử cho công dân. Đối với giao thông, đó là việc sử dụng dịch vụ đỗ xe điện tử iParking, vé xe buýt điện tử. Trong du lịch, việc ứng dụng bản đồ số và định vị chỉ dẫn giới thiệu các di tích danh lam thắng cảnh cũng đã được thực hiện.

Về vấn đề cải cách hành chính, theo số liệu của Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội, thành phố hiện có 556 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Trong đó, bao gồm 386 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 170 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt gần 29,5% tổng số thủ tục hành chính.

Mục tiêu của Hà Nội trong năm nay là có ít nhất 55% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, hoàn thành xây dựng hệ thống 1 cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Theo VietNamNet

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận