Sẽ xử lý lần lượt từng web xem phim lậu tại Việt Nam

Sẽ xử lý lần lượt từng web xem phim lậu tại Việt Nam

Sẽ xử lý lần lượt từng web xem phim lậu tại Việt Nam

Trong cuộc trao đổi vừa được tổ chức mới đây với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Liên minh các chủ sở hữu quyền Việt Nam (Vietnam Content Alliance - VCA) đã bày tỏ những bức xúc của mình về vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số tại Việt Nam.

Theo VCA, tình trạng vi phạm bản quyền nội dung số tại Việt Nam ngày càng có chiều hướng phức tạp. Điều này gây ra nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế cho đơn vị sở hữu bản quyền và các nhà sản xuất.

Liên minh các chủ sở hữu quyền Việt Nam là tổ chức bao gồm 7 đơn vị thành viên là Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Hiệp hội truyền hình trả tiền khu vực châu Á Thái Bình Dương (Casbaa), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA), Công ty Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (K+), Công ty Bình Hạnh Đan (BHD), Hãng phim 21st Century Fox và Ủy ban quyền Tác giả Hàn Quốc (KCC). Đây là tổ chức được thành lập nhằm ngăn chặn nạn ăn cắp bản quyền và giúp bảo vệ lợi ích bản quyền tác giả.

Ma trận phim lậu tại Việt Nam

Trước những thắc mắc của Liên minh các chủ sở hữu quyền Việt Nam, Cục PTTH&TTĐT đã tiến hành khảo sát, phân tích đối với danh sách 50 website phim lậu mà phía VCA cung cấp. Trong số này có sự xuất hiện của rất nhiều những website xem phim nổi tiếng với hàng triệu lượt truy cập mỗi tháng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, trong số 50 website được rà soát, có 22 trang web sử dụng dịch vụ hosting tại Việt Nam, 28 trang web sử dụng dịch vụ hosting tại nước ngoài.

Có 6 website trong tổng số 28 trang web dùng hosting nước ngoài có khả năng sử dụng CDN trong nước hoặc thông qua kết nối kênh riêng quốc tế tốc độ cao. Đây là những trang web cho khả năng phản hồi website rất nhanh (nhỏ hơn 50 ms). Tuy nhiên, đại diện phía Cục PTTH&TTĐT cho biết, Cục vẫn chưa kiểm tra được địa chỉ IP kết nối phía sau địa chỉ IP của dịch vụ đám mây.

Cục PTTH&TTĐT cũng chỉ rõ tên những website vi phạm có lượng truy cập lớn nhất trong vòng 6 tháng qua, trong đó có những website có lượt truy cập lên đến 45,4 triệu lượt.

Đó đều là những trường hợp tiêu biểu nhất cho vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình. Tuy nhiên, danh sách cụ thể của các website này sẽ chỉ được công bố khi cơ quan chức năng có đầy đủ trong tay các bằng chứng về hành vi vi phạm.

Ngăn chặn vi phạm bản quyền: Tưởng dễ mà lại khó

Có mặt tại buổi trao đổi cùng với VCA, đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng Internet tại Việt Nam cho biết, những đơn vị này gặp nhiều khó khăn trong cách xử lý đối với các thuê bao có dấu hiệu vi phạm bản quyền.

Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn FPT: “Nếu thực hiện ngăn chặn bằng biện pháp kĩ thuật ở VN, đối tượng vi phạm bản quyền có thể chuyển ra nước ngoài. Đặc biệt là khi chi phí thuê hosting tại các nước gần với Việt Nam như Thái Lan, Singapore hoặc Hồng Kông có sự chênh lệch không quá lớn.” Vậy nên theo ông Hải, nên xử lý vấn đề nước ngoài song song với việc giải quyết vấn đề trong nước.

Vị Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn FPT cũng chia sẻ rằng, nếu block tất cả website, đối tượng vi phạm có thể chuyển sang dùng giao thức Peer to Peer (P2P), giống với trường hợp của cá website bóng đá.

P2P là giao thức cho phép nhiều người cùng kết nối với nhau để chia sẻ file. Điều này dẫn tới việc các nhà mạng có thể bị nghẽn khi có một nội dung nóng và tất cả người dùng truy cập cùng một lúc. Theo ông Hải, nếu đối tượng vi phạm bản quyền sử dụng phương thức này, đây là vấn đề gần như không thể xử lý được

Theo ông Tô Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT: “Về nguyên tắc, các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng Internet không quản lý được nội dung lưu trữ trên các server. Các thuê bao hosting phải tự quản lý nội dung của họ kèm theo cam kết những nội dung lưu trữ không vi phạm pháp luật Việt Nam”.

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp cũng chỉ ra một khó khăn trong việc ngăn chặn vấn nạn vi phạm bản quyền nằm ở chỗ, nếu một nhà cung cấp dịch vụ tiến hành chấm dứt hợp đồng với thuê bao vi phạm, các thuê bao này có thể nhảy sang ký hợp đồng với một nhà cung cấp dịch vụ khác. Chính vì thế tất cả lại bằng hòa. Do đó, cần có sự đồng bộ giữa tất cả các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng Internet trong việc xử lý những thuê bao vi phạm.

Sẽ xử lý để không còn tình trạng web phim lậu

Theo ông Phan Đình Khương, Trưởng phòng Pháp chế Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, khách hàng của Viettel có nhiều đơn vị trung gian chuyên cho thuê lại địa chỉ IP. Do đó nếu cắt dịch vụ của một IP thì hàng loạt các IP con bên dưới sẽ chịu ảnh hưởng. Bởi vậy, dùng biện pháp kỹ thuật để can thiệp nhằm xử lý vi phạm bản quyền không phải là điều đơn giản.

Viettel từng phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công An) nhằm xử lý nhiều trường hợp vi phạm bản quyền. Để giải quyết khó khăn kể trên, C50 khi đó đã tiến hành xác minh chính xác từng địa chỉ IP nhỏ vi phạm, trước khi thông báo lại cho phía Viettel để có các biện pháp kiểm tra và can thiệp kịp thời.

Viettel cũng chia sẻ rằng trong hợp đồng với khách hàng, nhà mạng này luôn kèm theo điều khoản, nếu khách hàng vi phạm bản quyền hoặc thực hiện những hoạt động chưa được cấp phép thì Viettel có quyền thanh lý hợp đồng bất cứ lúc nào. Đây là một kinh nghiệm mà các nhà mạng khác cần làm theo để tránh xảy ra vướng mắc về mặt pháp lý đối với những chủ thể có hành vi vi phạm.

Kết quả quan trọng nhất sau buổi gặp mặt là việc các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng Internet đã nhất trí và cùng nhau cam kết, sẽ hợp tác với cơ quan chức năng để thúc đẩy việc xử lý tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam. Và Cục PTTH&TTĐT sẽ đóng vai trò là đơn vị trung gian để thúc đẩy cho hoạt động đó.

Cụ thể hơn, đối với các website vi phạm bản quyền trong nước, mà ở đây là 22 trang web vừa được tiến hành kiểm tra, Cục PTTH&TTĐT đề nghị cần tiến hành xử phạt hành chính đối với các trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ báo cáo xin chỉ thị từ Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu cần thiết sẽ tiến các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn hoạt động của các website vi phạm. Để làm được điều này, cần có sự phối hợp của rất nhiều các cơ quan, trong đó đóng vai trò quan trọng phải kể đến Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC).

Với những website vi phạm bản quyền đặt hosting tại nước ngoài, Cục PTTH&TTĐT đề suất đưa ra những cảnh báo đối với các doanh nghiệp Việt Nam có đặt quảng cáo trên các website đó.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho rằng, giống với trường hợp của các công ty quảng cáo trong vụ việc với Google và Youtube, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ quay lưng lại với các website lậu khi có tác động từ cơ quan quản lý nhà nước. Điều này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của các đối tượng vi phạm.

Tuy vậy ông Lâm cũng chia sẻ, Cục PTTH&TTĐT sẽ ngồi lại nói chuyện cả với những đơn vị vi phạm bản quyền để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.

Theo ông Lâm, đây là những đơn vị có lợi thế rất lớn về các giải pháp kỹ thuật, giải pháp thanh toán, kinh nghiệm triển khai dịch vụ, cùng với đó là những lợi thế về mặt cộng đồng. Do đó, sẽ tốt hơn nữa nếu các đơn vị này hiểu ra vấn đề và chuyển qua hoạt động khai thác phim bản quyền thay vì việc để các cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra, xử lý sai phạm.

Bên cạnh đó, theo Cục PTTH&TTĐT, hơn ai hết, các nhà sản xuất và những đơn vị sở hữu bản quyền nên có những động thái quyết liệt hơn nữa nhằm ngăn chặn những vụ việc vi phạm bản quyền tiếp tục tái diễn.

Theo VietNamNet

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận