Ô nhiễm, thủ đô Iran đóng cửa trường học

Ô nhiễm, thủ đô Iran đóng cửa trường học

Do sương mù dày đặc kèm ô nhiễm, chính quyền Tehran đã yêu cầu tất cả trường tiểu học cho học sinh nghỉ để bảo vệ sức khỏe các em.

Ngày 5/2, toàn bộ trường tiểu học ở thủ đô Tehran bị đóng cửa khi sương mù dày đặc kèm ô nhiễm bao phủ thành phố và các tỉnh lân cận.

Chính quyền còn hạn chế số xe chạy trên đường bằng cách chia ngày chẵn - lẻ theo biển số xe.

Tehran và nhiều tỉnh xung quanh bị sương mù bao phủ
Tehran và nhiều tỉnh xung quanh bị sương mù bao phủ - (Ảnh: Iran Daily).

Theo thông tin từ nhà chức trách, mật độ bụi trung bình trong không khí ở thành phố trong ngày 4/2 ở mức 144 microgrammes/m3, thậm chí lên tới 169 microgrammes/m3 ở một số khu vực.

Con số này vượt xa so với mức an toàn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra là tối đa 25 microgrammes/m3 trong chu kỳ 24 giờ.

Chính quyền địa phương kêu gọi trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi và những người bị các vấn đề về tim - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nên ở trong nhà.

Trước đó vào tháng 12/2017, Tehran từng thực thi các biện pháp tương tự do trầm trọng.

Với dân số 8,5 triệu người, hàng năm Tehran trải qua vài đợt ô nhiễm tồi tệ nhất trên thế giới khi nhiệt độ lạnh gây ra hiệu ứng được gọi là nghịch nhiệt.

Hiện tượng này tạo ra một lớp không khí ấm bên trên thành phố, khiến khói thải do 8 triệu xe ô tô và xe máy xả ra bị kẹt lại ở tầng thấp. Năm nay, tình hình thêm trầm trọng khi lượng mưa ở Iran rất ít.

Báo đài Iran cho biết 80% ô nhiễm ở Tehran là do khói thải xe.

Trong khí tượng học, nghịch nhiệt là hiện tượng đảo chiều của các thành phần khí trong khí quyển ở những nơi có vĩ độ cao. Nghịch nhiệt có thể dẫn đến tình trạng ô nhiễm do khói bị kẹt lại và nằm gần mặt đất hơn, gây những tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Nghịch nhiệt cũng có thể làm gián đoạn sự đối lưu trong khí quyển, gây nguy cơ hình thành bão nếu sự gián đoạn này bị phá hủy. Ở những nơi có khí hậu lạnh, nghịch nhiệt thường gây ra mưa băng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận