Đức đẩy nhanh tiến độ mua sắm trang bị, vũ khí

Đức đẩy nhanh tiến độ mua sắm trang bị, vũ khí

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2024, mặc dù toàn bộ số tiền 100 tỷ euro đã được tiêu hết, sức mạnh của quân đội Đức “dường như không mấy cải thiện”, Politico nhận định và nêu ra nhiều nguyên nhân, trong đó có “sự trì trệ của bộ máy quan liêu và một đợt lạm phát tồi tệ”. Chưa kể, khoản ngân sách 100 tỷ euro chỉ như “muối bỏ biển”, khi mà các phương tiện, trang bị, vũ khí hiện đại đều có chi phí không hề rẻ.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của Đức. Ảnh: Army Technology 

Ở thời điểm hiện tại, mọi việc bắt đầu chuyển biến rõ rệt hơn, với việc Chính phủ của Thủ tướng Friedrich Merz đã tìm được nguồn tài chính mới bảo đảm ngân sách quốc phòng được duy trì bền vững và sự chú ý của dư luận chuyển sang việc Berlin dự định làm gì với nguồn ngân sách mới này. Theo Politico, một trong những mặt hàng tốn kém trong danh sách mua sắm quốc phòng của Đức là xe tăng. Trong 10 năm tới, Berlin dự kiến mua thêm 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard và 2.500 xe bọc thép bánh lốp đa năng Boxer. Phần lớn số phương tiện chiến đấu này sẽ được bàn giao trước năm 2029.

Quân đội Đức hiện có khoảng 300 xe tăng Leopard và 400 xe bọc thép Boxer, so với 215 xe tăng Leclerc của Pháp (hiện không còn được sản xuất), 213 xe tăng Challenger 2 của Anh. Ba Lan sở hữu gần 500 xe tăng bao gồm Leopard, PT-91 Twardy, cùng một số xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất. Như vậy, bằng kế hoạch mua sắm mới, Đức sẽ sở hữu “số lượng khủng” các phương tiện chiến đấu “đáng gờm”.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard do Đức sản xuất ra mắt lần đầu tiên trong thập niên 1970 và kể từ đó liên tục được hiện đại hóa. Với uy lực chiến đấu mạnh mẽ, Leopard được trang bị cho quân đội tại 13 quốc gia châu Âu và từng xuất hiện trên chiến trường Ukraine trong gói viện trợ quân sự của Berlin dành cho Kiev. Trong khi đó, xe bọc thép bánh lốp đa năng Boxer hiện có nhiều biến thể khác nhau và cũng được trang bị trong quân đội nhiều nước châu Âu, Australia và Qatar.

Như thường lệ, sau khi được công bố, kế hoạch mua sắm vũ khí mới của Đức cũng đã vấp phải một số chỉ trích, trong đó có ý kiến cho rằng quân đội Đức hiện không có đủ nhân sự để vận hành số lượng phương tiện chiến đấu này. Tuy nhiên, đa số các ý kiến tập trung vào câu hỏi: Liệu xe tăng có còn là lựa chọn phù hợp, là một trong những phương tiện chiến đấu chủ lực của chiến tranh trong tương lai?

Theo giới phân tích, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Ba Lan sở hữu 3.000 xe tăng, trong khi Romania, Bulgaria và Tiệp Khắc, mỗi nước đều sở hữu hơn 2.500 xe tăng, còn Đông Đức khi đó có 1.500 chiếc. Từ đó trở về trước, không thể phủ nhận sức mạnh chiến đấu của xe tăng trên chiến trường. Ngày nay, chiến tranh hiện đại đã thay đổi nhanh chóng, kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine cho thấy xe tăng rất dễ bị tổn thương, đặc biệt là trước sự tấn công của các loại vũ khí công nghệ mới như máy bay không người lái (UAV). Bên cạnh đó, các bên giao tranh không nhất thiết phải huy động lực lượng chiến đấu ra tiền tuyến, ví như Iran không cần xuất quân vẫn có thể phóng tên lửa sang lãnh thổ Israel trong cuộc chiến 12 ngày, hay như trong vụ Israel kích nổ hàng loạt máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah tại Lebanon khiến hàng nghìn người thương vong năm 2024...

Politico phân tích, xe tăng, xe bọc thép không phải là bất khả xâm phạm, tuy nhiên, khi lực lượng bộ binh tiến công trên chiến trường, nếu không có các loại phương tiện chiến đấu này, chắc chắn con số thương vong sẽ lớn hơn. Bên cạnh đó, theo thời gian, các loại xe chiến đấu chủ lực cũng liên tục được hiện đại hóa để thích ứng với các mối đe dọa mới. Ví dụ như xe tăng của Nga đã trang bị hệ thống chống UAV, hệ thống ngụy trang nâng cao và hệ thống tác chiến điện tử để đối phó với UAV tấn công. Politico nhấn mạnh, chừng nào con người còn phải hoạt động trên chiến trường, chừng đó các phương tiện chiến đấu chủ lực như xe tăng, xe bọc thép vẫn tiếp tục là một phần không thể tách rời của cuộc chiến, và do đó, kế hoạch mua sắm quốc phòng của Berlin hoàn toàn có cơ sở.

HÀ PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận