Ý tưởng xe tăng xung kích thế hệ mới mang pháo cỡ 152mm của Nga có gì đặc biệt?

Ý tưởng xe tăng xung kích thế hệ mới mang pháo cỡ 152mm của Nga có gì đặc biệt?

Dù đây không phải là khái niệm hoàn toàn mới mà đã xuất hiện từ thời Thế chiến 2, nhưng xe tăng xung kích trong chiến tranh hiện đại có gì đặc biệt, nhất là trong bối cảnh “lên ngôi” của các loại máy bay không người lái (UAV) tự sát trong những cuộc xung đột gần đây.

Khác biệt so với các xe tăng chiến đấu chủ lực hiện tại

Tạp chí quân sự Topwar đăng tải, nhược điểm chính của việc sử dụng xe tăng với vai trò đột phá tuyến phòng ngự kiên cố của đối phương là chúng thiếu trang bị và phương tiện cần thiết để đối phó với các mối đe dọa bất ngờ từ bộ binh và các điểm phòng ngự của đối phương. Điều này càng trở nên nguy hiểm khi các loại vũ khí chống tăng hiện đại đều rất uy lực và biến thành “hỏa thần diệt tăng” trên vai người lính.

Cùng với đó, những hạn chế về khả năng quan sát và góc nâng hạ nòng pháo chính nhỏ (khoảng 15 độ) khiến xe tăng hiện đại gặp khó khăn trong tác chiến đô thị, sơn cước. Chính trong các xung đột hiện nay như tại Dải Gaza, Iraq hay trong quá khứ là cuộc chiến tại Chechnya (Nga...) đã chứng minh môi trường đô thị rất nguy hiểm với phương tiện cơ giới, kể cả khi có bộ binh tùng thiết.

Ý tưởng thiết kế xe tăng xung kích mới với nòng ngắn, nhưng tăng cỡ nòng lên 152mm. Ảnh: Topwar 
 
Hệ thống nạp đạn tự động ổ xoay nằm thấp trong thân xe giúp tăng khả năng sống sót của kíp lái khi xe trúng đạn. Ảnh: Topwar 

Chính từ những lý do này, các nhà khoa học thuộc Đại học Kỹ thuật Liên bang mang tên Y. A. Gagarin tại Saratov đưa ra ý tưởng về dòng xe tăng xung kích nòng ngắn, với giáp bảo vệ nhiều lớp, đáp ứng khả năng tác chiến trong nhiều môi trường với nền tảng công nghệ hiện tại.

Theo đó, mẫu xe tăng mới sẽ có nòng pháo chính ngắn hơn đáng kể so với các mẫu xe tăng hiện đại, nhưng sử dụng cỡ đạn lớn 152mm. Trong các thử nghiệm thực tế, đạn pháo nổ phá mảnh cỡ 152mm có sức công phá gấp 2,5 lần so với đạn pháo tăng cỡ 125mm hiện nay.

Khi tích hợp trong bệ bắn thẳng như xe tăng xung kích mới, đây là hỏa lực đáng gờm không chỉ với bộ binh, thậm chí là phương tiện chiến đấu của đối phương. Đạn nổ phá mảnh 152mm có thể không xuyên qua giáp chính của xe tăng đối phương, nhưng sức công phá của vụ nổ đạn đủ để thổi bay hệ thống cảm biến gắn ngoài trang bị trên xe đối phương, thậm chí khiến tổ lái bất tỉnh vì sức ép khiến phương tiện mất khả năng chiến đấu.

Một điểm đáng chú ý khác là ý tưởng xe tăng xung kích mới có góc nâng hạ nòng tăng lên tới 60 độ. Điều này giúp phương tiện linh hoạt trong tác chiến không gian hẹp và mở rộng không gian tác chiến lên tới 4-5km nhờ góc bắn lớn.

Các chuyên gia Nga đánh giá việc sử dụng cỡ đạn lớn để nhanh chóng tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa khả năng kháng cự của đối phương được coi là biện pháp tối ưu nhất vào thời điểm hiện tại.

Để bù đắp lại việc suy giảm khả năng xuyên giáp, chống tăng bằng các loại đạn thanh xuyên dưới cỡ do giảm chiều dài nòng pháo, pháo tăng 152mm có thể thay thế các loại đạn chống tăng truyền thống bằng các loại tên lửa chống tăng hiện đại của Nga hiện nay. Khả năng xuyên giáp của tên lửa chống tăng thực tế không phụ thuộc vào năng lượng tích lũy của đạn, mà tăng lên theo kích thước và khối lượng đầu đạn tên lửa mang theo. Tên lửa cỡ 152mm ví dụ như 9M133M Kornet-M có đặc tính chống tăng tốt hơn so với tên lửa bắn qua nòng pháo chính cỡ 125mm hiện nay như 9M119 Reflex và 9M119M Reflex-M. Cụm tên lửa chống tăng có thể lắp đặt trên giá treo ngoài hoặc tích hợp bắn qua nòng pháo chính.

Một điểm đáng chú ý khác của xe tăng xung kích là sử dụng tháp pháo không người để tăng không gian lắp đặt pháo 152mm với hệ thống nạp đạn tự động nằm ngang, chìm thấp dưới thân xe để giảm khả năng bị trúng đạn. Ngoài ra, phương tiện còn được trang bị bổ sung thêm pháo tự động 30mm và súng máy song song 7,62mm.

Xe tăng tấn công cũng phải được trang bị một bộ thiết bị ủi đất có lắp giáp phản ứng nổ. Khả năng quan sát và nhận diện tình huống của kíp lái được tăng cường nhờ việc tích hợp các thiết bị quan sát trên một cột trụ có thể nâng hạ thủy lực.

Tích hợp công nghệ UAV và phòng thủ đa lớp

Để tăng cường khả năng hoạt động của phương tiện trong môi trường tác chiến phức tạp, các nhà khoa học thuộc Đại học Kỹ thuật Liên bang mang tên Y. A. Gagarin cũng đưa ra phương án tích hợp các UAV trinh sát có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng trên xe tăng xung kích mới. Chúng đóng vai trò như hoa tiêu để phát hiện mục tiêu, sớm nhận diện các mối nguy cơ giúp tăng khả năng sống sót của phương tiện trên chiến trường.

Các UAV và phương tiện được kết nối theo mốc thời gian thực. Các tham số về mục tiêu sẽ được cập nhật liên tục từ UAV vào hệ thống điều khiển hỏa lực và hệ thống phòng thủ của xe tăng. Quy trình này giảm thời gian phản ứng trong các tình huống chiến đấu thực tế.

Bất kỳ loại vũ khí nào ra đời đều được hiện thực hóa từ ý tưởng thiết kế với các giải pháp kỹ thuật tối ưu. Ảnh: TASS

Điểm đặc biệt của xe tăng xung kích mới là nó được trang bị hệ thống bảo vệ đa lớp, kết hợp giữa giáp đạn đạo và hệ thống phòng vệ chủ động “cứng và mềm”. Cụ thể, xe tăng được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động (APS) tương tự như Arena-M hoặc Drozd-2 đáp ứng khả năng chống lại các loại đạn chống tăng. Module laser chiến đấu tích hợp với máy tính lượng tử giúp tăng khả năng phát hiện sớm các mục tiêu tấn công để chỉ thị cho hệ thống phòng thủ như APS hay pháo tự động 30mm tấn công tiêu diệt. Điều này đặc biệt hiệu quả với các mục tiêu bay chậm như UAV tự sát.

Hiện tại, xe tăng xung kích mới của Nga đang dừng ở mức ý tưởng thiết kế, nhưng nó mở ra hướng phát triển của phương tiện chiến đấu hạng nặng trong môi trường tác chiến hiện đại với sự “lên ngôi” của vũ khí chống tăng cá nhân và UAV tự sát bằng các công nghệ hiện tại. Hiệu quả tác chiến thực tế của phương tiện chiến đấu này trong thực tế ra sao thì còn chờ nguyên mẫu và các thử nghiệm thực chiến.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận