[Android] Anh em không cần phải xài task killer nữa!

[Android] Anh em không cần phải xài task killer nữa!

Mình để ý thấy anh em Android vẫn hay cài thêm các ứng dụng quản lý tác vụ ( task manager) mỗi khi mới mua máy về và xem đây như một phần quan trọng không thể thiếu. Tương tự, các hãng điện thoại cũng tiếp tục tích hợp task manager vào những chiếc điện thoại mới nhất của mình, ví dụ như LG với V20 hay Samsung với S7 và Note 7. Tuy nhiên, có một sự thật đó là tính năng này hoàn toàn không cần thiết nữa tở thời buổi này đâu anh em ơi. Mình sẽ chia sẻ với anh em một số lý do mà mình tìm hiểu được, cũng như công dụng của task manager bây giờ sẽ là gì.

Đầu tiên hãy nói trước về lý do vì sao nhiều người vẫn quen xài task manager trên Android. Chúng ta đang xài máy tính mỗi ngày, dù là Windows hay Mac, và các hệ điều này đều có cơ chế quản lý đa nhiệm theo kiểu chạy cùng lúc nhiều app nên chúng ta đã quá quen thuộc với chuyện đó. Việc đóng bớt ứng dụng bên Windows và Mac có thể giúp máy tính chạy nhanh hơn, đó là sự thật.

Tuy nhiên, Android không quản lý đa nhiệm (hay nói rộng hơn là quản lý các phần mềm, chương trình đang chạy) theo cách mà Windows và macOS đang làm. Bạn không có một nút "tắt" đúng nghĩa như những gì bạn thấy trên PC. Đây không phải là lỗi lầm gì, nó đã được thiết kế như vậy ngay từ đầu. Khi bạn rời khỏi một ứng dụng Android nào đó, app sẽ chuyển sang trạng thái hoạt động nền (background process). Trong hầu hết các trường hợp, trạng thái này không tiêu tốn của app bất kì tài nguyên thêm. Chỉ có một số ứng dụng đặc biệt có tính năng chơi nhạc, download file hay sync dữ liệu nền thì mới tiếp tục hoạt động, nhưng cũng chỉ chiếm rất ít CPU và RAM so với việc chạy full cả app như bình thường.

Android_khong_can_dung_task_killer_nua_1.jpg

Rồi khi bạn mở ứng dụng đó lên trở lại, Android sẽ hủy bỏ trạng thái background của app và đưa về trạng thái foreground. Khi đó ứng dụng sẽ tiếp tục hoạt động với đầy đủ chức năng mà nó được viết ra. Vị trí, màn chơi, giao diện mà bạn đã xài trước đó nhiều khả năng vẫn sẽ được khôi phục lại vì Android chỉ đơn giản là lấy những gì nó đang lưu trong RAM ra cho bạn xem mà thôi. Chỉ khi RAM hết thì Android mới tự động giết các app đang chạy nền để dành dung lượng cho những ứng dụng quan trọng hơn.

Quay trở lại với các phần mềm task killer hay còn gọi là task manager, chúng cho phép bạn tắt các app nào mà bạn muốn. Một số ứng dụng còn cho phép tắt luôn cả một số process hệ thống đang chạy nền nên được xem là "rất mạnh mẽ". Nhiều anh cũng sử dụng task killer để quan sát dung lượng RAM còn trống và khi nào me thấy giảm còn một ít là kill ngay, kill ngay, kill ngay lập tức trước khi nó kịp đẻ trứng.

Nhưng anh em có nhận thấy rằng việc anh em đang làm đáng lẽ ra là chuyện mà Android đã được lập trình sẵn hay không? Mình hoàn toàn hiểu lý do vì sao anh em bị ám ảnh về vụ RAM, bởi Android đời 2.x (năm 2008-2009) có khả năng quản lý bộ nhớ rất tệ, dẫn đến tình trạng máy thường hay đứng vì hệ điều hành không kịp giải phóng dung lượng trống cần thiết. Thời đó task killer là vô cùng cần thiết để giữ cho máy chạy nhanh.

Android_khong_can_dung_task_killer_nua_2.jpg

Giờ thì mọi thứ đã khác. Android đã trưởng thành hơn, khả năng quản lý RAM đã tốt lên rất rất nhiều so với hồi trước và không còn tình trạng đầy RAM mà không kịp giải phóng app nữa. Android giờ được Google tích hợp nhiều cơ chế khác nhau để biết khi nào RAM hết dung lượng và tiến hành tắt các app không còn xài để đảm bảo bạn có được trải nghiệm tốt nhất có thể bất kể cấu hình máy của bạn mạnh hay yếu (việc tùy biến của các OEM khiến hệ điều hành trì trệ là một chuyện khác, sẽ bàn trong topic sau). Với kinh nghiệm của cá nhân mình, kể từ Android 4.x đến nay mình đã có thể chia tay hẳn các ứng dụng task killer và không còn phải cài chúng vào thiết bị của mình nữa chứ đừng nói là sử dụng. Mọi chuyện đã được tự động hóa hết.

Hãy tiếp tục nói về dung lượng RAM trống. Điện thoại của anh em giờ nhiều khả năng có từ 2GB RAM trở lên, các máy cao cấp thậm chí còn có 4GB hay 6GB RAM là bình thường. Với dung lượng RAM như vậy là đã rất thoải mái để Android chạy ngon. Nhưng vì sao lúc nào máy cũng còn rất ít RAM trống? Máy 2GB hay 6GB thì khoảng trống đều cực kì ít, trong khi đáng ra RAM to thì phải trống nhiều chứ nhỉ?

Không có gì lạ cả. RAM trống là phần RAM vô dụng, bạn có nhiều RAM tại sao lại không cho hệ điều hành xài? Bạn có RAM 6GB nhưng chỉ cho phép Android chạy tới 4GB, phần còn lại "bắt buộc" phải để trống? Vậy thì tại sao bạn phải tốn tiền để mua một cái máy ngon làm gì vì đằng nào cũng có tận dụng được gì đâu. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với anh em xài máy tính, lúc nào cũng để ý RAM thấy cao một chút là kill ngay. Thao tác này chẳng có ý nghĩa gì cả.

Android_khong_can_dung_task_killer_nua_4.jpg

Task killer không chỉ vô dụng về mặt giải phóng RAM mà còn khiến hiệu năng bị giảm đi. Bình thường, mỗi khi ứng dụng chạy lên thì nó sẽ được lưu vào RAM để khi cần thì có thể gọi lên nhanh chóng, không cần phải chạy lại từ đầu trên bộ nhớ trong. Nếu bạn dùng task killer để giết app, mỗi lần bạn xài thì nó sẽ phải load lại từ đầu, tức là tốn thời gian hơn. Chuyện này càng nghiêm trọng hơn với những ứng dụng mà chúng ta thường xuyên sử dụng, như Facebook, Messenger hay trình duyệt chẳng hạn. Vụ này cũng ảnh hưởng tới pin một chút nhưng không đáng kể lắm nên cũng không sao.

Như vậy bạn có thể thấy rằng các ứng dụng task killer đã không còn tác dụng như trước nữa. Mình vẫn không thể hiểu được quyết định đưa task killer vào sẵn hệ điều hành như cách mà Samsung, LG và nhiều công ty Trung Quốc đang làm. Có thể họ chỉ đơn giản đưa vào để đáp ứng nhu cầu người dùng, người dùng muốn xài, có xài thì tôi đưa sẵn cho xài.

Rõ ràng đây không phải là cách hiệu quả để làm máy nhanh lên. Bạn yêu cầu người dùng tắt app mà họ đang xài để máy chạy nhanh hơn? Không, đó phải là trách nhiệm của các bạn, việc tối ưu phải là của các bạn. Lúc trên tay hay chia sẻ kinh nghiệm về các máy này, mình luôn kèm theo một câu: máy đã đủ nhanh rồi, anh em có thể quên tính năng task manager này đi.

Sẵn chia sẻ thêm cho anh em biết: nhiều trang báo lỗi của các ROM như CyanogenMod và nhiều ROM nhỏ khác thậm chí còn không chấp nhận bất kì báo cáo bug nào từ người dùng xài task killer. Nói như vậy để anh em thấy được việc sử dụng task killer là rất không cần thiết ở thời buổi năm 2016 này.

Nói như vậy không có nghĩa là task killer đã hoàn toàn trở nên vô dụng. Bạn vẫn có thể dùng task killer để tắt những ứng dụng nào đột ngột xài tài nguyên quá nhiều khiến máy chậm giật. Tình trạng này rất hiếm xảy ra, và trong Android bạn cũng có thể force close app bằng cách vào giao diện recent apps, nhưng nếu bạn thích có nhiều thông tin hơn thì các app task manager sẽ giúp được cho bạn.

Mà thực chất việc này cũng chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề thôi, vấn đề gốc nằm ở chính app vừa làm máy của bạn bị quá tải. Thay vì force close nó thường xuyên, bạn nên gỡ bỏ nó và tìm một ứng dụng khác có tính năng tương đương nhưng chạy nhanh mượt hơn.

Trước khi kết thúc, mình muốn nhắn nhủ với anh em là khi cầm máy trong tay, hãy cứ tự tin xài thật đã, thật sướng, xài hết công suất của nó thay vì chăm chăm đi canh RAM và CPU. Bạn đã bỏ nhiều tiền để sở hữu cái điện thoại này cơ mà, đáng ra nó phải giúp bạn làm việc, ăn chơi nhanh và hiệu quả hơn chứ không phải làm bạn tốn thêm thời gian ngồi canh tài nguyên! Thế nhé chúc anh em vui vẻ với cái điện thoại Android của mình.
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận