Chia sẻ đôi chút về Nexus, Pixel và tình huống Google tự sản xuất điện thoại của riêng mình

Chia sẻ đôi chút về Nexus, Pixel và tình huống Google tự sản xuất điện thoại của riêng mình

Có tin đồn rằng Google sẽ ra mắt điện thoại của riêng họ ngay trong năm nay. Người ta phân tích rằng Google muốn trở thành một công ty giống như Apple với sự kiểm soát chặt hơn về phần cứng và cả phần mềm, từ đó tạo ra một hệ sinh thái bền vững hơn. Nhưng khả năng điều này trở thành hiện thực như thế nào? Những rắc rối nào có thể sinh ra khi mà Google quyết định tự làm smartphone?

Trước khi bàn tới vụ Google tự làm máy, chúng ta hãy điểm lại một số thông tin về Nexus và sự tham gia của các công ty khác trong thế giới Android hiện nay.

Nexus

Nexus từ lâu đã được xem như "con ruột" của Google khi chúng ta nói về các phần cứng Android. Kể từ những ngày đầu ra mắt, Google đã dùng Nexus như một cách nói cho các nhà sản xuất khác biết rằng một thiết bị Android nên như thế nào và họ cần phải làm ra một chiếc máy tốt hơn Google. Tất nhiên, đời không như là mơ, không phải lúc nào các hãng cũng làm ra được một thiết bị ngon hơn Nexus. Nhưng ít nhất, Google đưa ra một sản phẩm tham chiếu để các công ty khác làm theo, và trong hầu hết mọi lần thì Google đã làm được điều đó.

Nexus còn là một "quả bom tấn" khi nói về giá bán. Trong hầu hết các đời Nexus, Google bán chúng với mức giá cực kì rẻ, rẻ tới bất ngờ khi so sánh với những chiếc smartphone cao cấp khác trên thị trường. Tới Nexus 6P và 5X thì giá có lên một chút nhưng vẫn chưa gọi là cao, lại còn có rất nhiều đợt giảm giá từ chính Google. Tuy hiện tại đã có thêm các hãng Trung Quốc làm ra máy mạnh cấu hình cao giá thấp để cạnh tranh nhưng Nexus vẫn là một cái tên mà người ta nhắc tới khi nói về giá bán hấp dẫn.

Nexus_6P.jpg

ODM và OEM

OEM viết tắt cho chữ "original equipment manufacturer". Điều này có nghĩa là các hãng sẽ tự làm điện thoại cho mình, tự gắn thương hiệu lên đó và tự kinh doanh, mua bán, marketing,... LG, Sony, HTC, Samsung đều là các OEM bởi họ sản xuất điện thoại cho chính mình, tự họ kinh doanh chiếc điện thoại đó, tự họ kiểm soát chuỗi cung ứng để làm ra sản phẩm cho đến khi nó tới tay người tiêu dùng.

Còn một khái niệm nữa là ODM, viết tắt cho chữ "original design manufacturers". HTC trước khi tự làm điện thoại theo dạng OEM thì hãng đã từng sản xuất dòng smartphone O2 lừng danh. Với dòng Nexus, Google cũng đi thuê một ODM nào đó gia công cho mình. Ví dụ Nexus 6P thì ODM là Huawei, Nexus 5X là do LG, Nexus 7 hồi trước là Asus, hay Galaxy Nexus là Samsung. Nói cách khác, trong tình huống của dòng Nexus, Google đang biến các OEM thành ODM.

OEM_ODM.jpg

Và cũng vì lý do này mà Nexus đã từng gặp một số vấn đề. Nexus 4 thiếu hàng nghiêm trọng do LG sản xuất đúng theo số lượng Google đặt hàng, trong khi nhu cầu thực tế lại quá cao khiến nguồn cung không đủ cầu và đẩy giá lên cao. Galaxy Nexus gặp một số vấn đề phần cứng và phần mềm. Trong thời gian gần đây tình trạng này không còn diễn ra nữa nên cũng đỡ hơn nhiều.

Có thể thấy việc kéo OEM về làm ODM có thể phát sinh ra nhiều vấn đề mới, những vấn đề hầu như không diễn ra nếu các OEM tự sản xuất và kinh doanh thiết bị Android của họ. Rõ ràng, họ đã làm xong việc của mình, và trong tâm trí của họ thì phần còn lại là do Google đảm trách, họ chỉ có nhiệm vụ sản xuất máy thôi.

Pixel

Bên cạnh dòng Nexus, Google còn một dòng máy nữa tên là Pixel. Pixel cũng được làm ra với cùng mục đích như Nexus, đó là tạo một dòng thiết bị cao cấp, mạnh, xịn để làm tham chiếu cho các nhà sản xuất khác. Hiện tại có 2 sản phẩm Pixel là Chromebook Pixel (máy tính chạy Chrome OS) và Pixel C (tablet Android có thể gắn bàn phím rời). Điểm khác biệt lớn giữa Nexus với Pixel đó là Pixel được gắn mác Google, trong khi Nexus còn có thêm logo của Huawei, LG, Samsung hay bất kì công ty nào tham gia sản xuất thiết bị.

Nói cách khác, chúng ta có thể xem Pixel như một dòng sản phẩm chính chủ Google. Tuy nhiên Google vẫn phải đi thuê bên thứ ba làm về hãng không có trong tay đủ chuỗi cung ứng để tự mình làm việc đó. Các máy Pixel rất tuyệt, chất lượng cao và phần cứng tốt. Mặc dù vậy, chúng vẫn gặp vấn đề liên quan tới nguồn cung, bởi vẫn có sự tham gia của bên thứ ba. (Ghi chú: hiện vẫn chưa rõ ai làm ODM của các máy Pixel. Đó vẫn là một bí mật Google còn giấu kín).

google_Pixel_C.png

Điện thoại riêng của Google

Từ đây người ta mới dự đoán rằng Google sẽ làm ra hẳn một cái smartphone của riêng mình, cũng không gắn logo của bất kì công ty nào khác, chỉ Google và Google mà thôi. Có thể tạm gọi đây là một cái Pixel Phone. Giả sử Google có sự kiểm soát cao hơn về chuỗi cung ứng như trong tin đồn 2 tuần trước thì hãng có thể giải quyết được những vấn đề mà mình đã liệt kê bên trên.

Trong tình huống Google tự làm phần cứng và phần mềm như vậy, hãng đang phần nào trở thành một công ty gần giống Microsoft. Microsoft cũng có dòng "Pixel" của mình, chính là các máy Surface Pro và Surface Book. Song song đó, Microsoft cũng cung cấp phần mềm cho các OEM bên ngoài làm máy riêng và bán riêng theo cách mà họ muốn. Chẳng phải là Microsoft và Google quá giống nhau sao?

Có người nói Google khi đó sẽ trở thành Apple thứ hai, nhưng theo mình thì so sánh này không chính xác bằng việc so với Google. Apple đóng hoàn toàn hệ sinh thái thiết bị của mình. Mọi thứ đều do công ty làm, tất nhiên là cũng có đi nhờ ODM làm các linh kiện nhưng việc kiểm soát cứng / mềm là do Apple đảm trách, Apple cũng tự đi quảng cáo và bán hàng.

Không loại trừ việc Google tự làm smartphone như một dự án thử nghiệm của công ty. Google đã nổi tiếng với những dự án thử nghiệm, thời gian đầu có thể nó chưa thành công nhưng theo thời gian sản phẩm sẽ phát triển hơn, nhu cầu của thị trường vừa tới, và công nghệ hay kinh nghiệm của Google cũng phát triển kịp theo.

Nhưng mẫu smartphone do Google tự làm này cũng sẽ có một vấn đề của riêng nó.

Thứ nhất: giá. Liệu các máy Pixel Phone có rẻ hơn Nexus hay không? Thường thì các máy Pixel không rẻ chút nào, nhất là Chromebook Pixel. Vậy khi đó người tiêu dùng có chịu bỏ tiền ra mua hay không, vì sao họ lại không đơn giản là đi mua một chiếc Nexus cho nhẹ đời? Trừ khi Google bỏ dùng Nexus, mà ít có khả năng này xảy ra, thì dòng Pixel mới bán được.

Thứ hai: chức năng. Pixel Phone có gì hơn so với những điện thoại cao cấp khác do những OEM làm? Nếu chỉ là Android gốc thì chưa đủ, vì hiện tại Nexus đã đang đảm nhận vai trò này. Cập nhật nhanh? Nexus cũng có rồi. Được hỗ trợ rộng và mạnh? Nexus cũng có luôn. Người ta bỏ tiền ra mua một cái Galaxy của Samsung hay một chiếc G-Series của LG chẳng phải là có nhiều chức năng hơn hay sao, thậm chí còn nhiều hơn cả Nexus?

Android_smartphone_chung_chung.jpg

Thứ ba: đơn vị sản xuất. Việc tự làm điện thoại cũng cho thấy Google muốn có đất để thoải mái trình diễn tầm nhìn của mình mà không bị giới hạn bởi bất kì bên thứ ba nào, dù đó có là OEM thân thiết đi nữa. Pixel C, Chromebook Pixel đều là những sản phẩm mới lạ ít có hãng nào khác làm, thế nên Google có thêm cơ hội để tạo ra những sản phẩm kiểu mẫu và định hướng phát triển cho Android hoặc Chrome OS. Tuy nhiên, dù gì đi nữa thì Google vẫn phải đi thuê một bên làm máy cho mình, và họ cũng sẽ có những giới hạn nhất định. Google làm cách nào để vượt qua khó khăn đó? Trừ khi Google tự xây dựng nhà máy lắp ráp, tự thu mua linh kiện và tự build một chuỗi cung ứng cực mạnh thì vấn đề này mới không xảy ra.

Tóm lại, việc Google tự làm điện thoại trong tương lai gần theo mình là khá khó xảy ra. Hãng sẽ tiếp tục với dòng Nexus cho đến khi nào các máy này không còn thực hiện được nhiệm vụ tham chiếu của mình, cũng như thị hiếu cảu người dùng với một chiếc smartphone Android thuần khiết không còn nữa. Nhưng không ai nói trước được điều gì, chúng ta hãy chờ xem Google có làm chúng ta bất ngờ hay không nhé.
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận