Microsoft đã thất bại với Windows Mobile, giờ là lúc tiến về phía trước

Microsoft đã thất bại với Windows Mobile, giờ là lúc tiến về phía trước

Windows 10 có hai thái cực: ở mảng PC, Microsoft thành công vang dội với lượng người dùng tăng từng ngày và đã cán mốc 300 triệu thiết bị. Trong khi đó, ở mảng Mobile, lượng máy bán ra chậm mặc dù khuyến mãi mạnh, thị phần thì giảm sút không phanh. Giờ chỉ còn mỗi Microsoft là còn bán máy Windows Mobile cùng với một vài đối tác nhỏ tại Nhật. Chưa hết, chính Microsoft cũng nói hãng sẽ không tập trung vào WIndows 10 Mobile trong năm nay. Nói cách khác, Windows Mobile đã chết, và dường như chẳng còn ai hứng thú hồi sinh nó nữa. Microsoft đã bước sai ở chỗ nào, và giờ hãng sẽ làm gì?

Những sai lầm ban đầu

Chúng ta hãy lấy Windows Vista làm ví dụ. Theo lời cựu CEO Steve Ballmer, Microsoft đã phí hàng nghìn giờ công vào các kế hoạch táo bạo dành cho Windows Vista mà đáng ra hãng đã có thể để dành nó cho việc xây dựng một nền tảng mobile. Vista được bán chỉ vài tuần sau khi Steve Jobs đứng trên sân khấu giới thiệu chiếc iPhone đời đầu tiên hồi năm 2007 và thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp di động. Nó là bằng chứng cho thấy Microsoft đã bỏ lỡ cơ hội thay đổi thị trường mobile như thế nào.

Thay vì dồn sức để phát triển Windows Mobile, vốn là một nền tảng "smartphone" đang rất được ưa chuộng và xuất hiện phổ biến vào thời điểm đó, Microsoft lại đầu tư qua nhiều vào máy tính. Có lẽ hãng đang bị che mắt bởi thành công quá lớn của mình ở mảng PC. Windows Mobile có đầy đủ các khái niệm về app, về điều hướng trên di động, tất cả đều đã xuất hiện trước iPhone rất lâu. Tuy nhiên, giao diện của nền tảng này được xây dựng để xài với bút cảm ứng, và Microsoft không tỏ ra quan tâm đến việc nâng cấp nó lên một thứ mới mẻ hơn, tiện dụng hơn. Microsoft bị ám ảnh bởi Windows. Hãng muốn Windows có mặt ở khắp mọi nơi, ngay cả ở những chỗ không phù hợp. Apple đã chộp lấy cơ hội này để đưa ra một giải pháp đơn giản hơn cho người dùng, vậy là cả thị trường, trong đó có Microsoft, đi theo Apple.

Rồi Microsoft cũng cho ra giao diện Live Tile, một kiểu tương tác với các ô vuông rất độc đáo và hoàn toàn tuyệt vời trên màn hình cảm ứng. Cá nhân mình rất thích thú với Live Tile vì nó vẫn dễ dùng trong khi giữ được sự mới mẻ, khác biệt so với những kiểu giao diện phổ biến trên Android và iOS. Nhưng Live Tile chưa bao giờ có thể được phổ biến trên thị trường di động, một phần vì nhiều lần "đứt quãng" trong việc xây dựng hệ điều hành. Các máy Windows Phone 7 không được lên Windows Phone 8, rồi một số máy Windows Phone 8 cũng không được nâng cấp lên Windows 10 Mobile.

Microsoft_Lumia_950_XL.jpg

Ở vai trò là một người dùng bình thường, chắc chắn bạn và mình sẽ cảm thấy chán nản khi cái máy mình bỏ nhiều triệu đồng ra không còn được chạy phần mềm mới nhất. Lúc đó, ít ai còn kiên nhẫn mà ở lại với Windows Phone, trừ khi lúc đó đúng vào dịp họ cần đổi điện thoại.

Theo Ars Technica, Microsoft làm như vậy là nhằm đảm bảo sự thống nhất cho Windows. Windows Phone 8 và Windows 8 trên PC chia sẻ nhiều đặc điểm thiết kế và mã nguồn nhân. Tương tự, Windows 10 PC và Widnows 10 Mobile càng sát lại gần nhau hơn bao giờ hết. Do Microsoft muốn giữ sự thống nhất này mà hãng đã chấp nhận phải bỏ rơi một nhóm người dùng lại phía sau. Việc giữ sự thống nhất cao giữa các phiên bản là một chiếc lược tốt vì nó sẽ giúp tiết kiệm nguồn lực và thời gian phát triển phần mềm, nhưng cách mà Microsoft thực thi nó thì không.

Hấp tấp và nóng vội

Windows thì đi kèm với bản quyền, đó là điều đã xuất hiện từ những năm 90 và đến tận vài năm trước vẫn đúng ngay cả với Windows Phone. Các nhà sản xuất muốn xài Windows Phone sẽ phải trả tiền bản quyền cho Microsoft. Số tiền này không lên tới cả trăm đô như giá của bản Windows dành cho máy tính, tuy nhiên nó vẫn là một chi phí đáng kể với các nhà sản xuất trong bối cảnh họ luôn muốn cắt chi phí để hạ giá thành và kiếm được nhiều khách hàng hơn. Trong khi Windows Phone vẫn còn tính bản quyền thì Android lại miễn phí và mở, vậy thì tại sao họ lại phải chọn Windows Phone cho máy của mình cơ chứ? Mãi tới năm ngoái Microsoft mới tuyên bố miễn phí bản quyền cho máy di động và nói chung là các thiết bị có màn hình nhỏ hơn 9". Tuy nhiên, lúc đó mọi chuyện đã quá muộn màng.

Microsoft cũng từng có một dòng điện thoại tên là Kin, nó cũng có thể xem như là một động thái quá hấp tấp và bất nhất của hãng trong thị trường mobile. Sau khi giới thiệu Windows Phone 7, Microsoft vẫn cố gắng ra mắt thêm dòng Kin chạy Windows CE đã cũ. Một thời gian rất ngắn sau đó, Kin đã bị khai tử, và nó đã kịp ngốn một số tiền lớn của Microsoft cho các chiến dịch marketing lẫn thời gian, công sức của các kĩ sư. Kin được ví như một nước đi sai lầm đáng xấu hổ của Microsoft trong nỗ lực quay lại thị trường di động vào những năm 2010-2011.

microsoft-kin-one.jpg

Nhìn một chút sang mảng PC, chúng ta cũng có thể thấy nỗ lực của Microsoft khi chạy theo các đối thủ nhưng không thành công. Windows 8 xuất hiện như một OS chuyên dùng cho cảm ứng bằng cách đưa một giao diện mới hoàn toàn, nhưng vấn đề là vẫn còn quá nhiều người dùng PC truyền thống và ngay cả bây giờ họ cũng chưa hứng thú với máy tính có màn hình cảm ứng. Nỗ lực vội vàng đó đã dần được khắc phục trong Windows 8.1 và Windows 10. Lý do mà Microsoft đưa ra Windows 8 là để hãng có thể cạnh tranh tốt hơn với iPad, cũng giống như cách hãng dùng Windows Phone để cạnh tranh với iPhone hay tablet Android. Kết quả lần nào cũng vậy, không hề được như mong đợi, mà thậm chí còn làm cho Microsoft rớt xuống thêm một bậc nữa.

Windows 10 Mobile cũng không cứu vẫn được tình hình

Năm ngoái, Microsoft đã kỳ vọng khá nhiều vào việc Windows 10 và 10 Mobile sẽ có mối quan hệ mật thiết với nhau và đưa mảng mobile của công ty đi lên trở lại. Tuy nhiên, đến tận bây giờ lượng thiết bị Windows 10 Mobile bán ra vẫn không đủ lớn để các lập trình viên có thể bỏ sức ra viết phần mềm cho nó. Ý niệm về Windows Mobile hay Windows Phone trong tâm trí người tiêu dùng cũng đã gần như biến mất hoàn toàn, họ chỉ còn biết đến Android và iPhone mà thôi. Song song đó, CEO Nadella lại ủng hộ mạnh mẽ việc mang các sản phẩm và dịch vụ của Microsoft lên Android và iOS.

Trong Windows 10 Mobile, Microsoft đã đặt nhiều kỳ vọng vào tính năng Continuum để xài điện thoại như máy tính. Các mẫu quảng cáo Lumia 950, 950 XL đều nhắc tới Continuum. Tuy nhiên, nó đã không đi đúng như những gì mà Microsoft kỳ vọng vì nhiều hạn chế về phần mềm, phần cứng. Ước mơ dùng điện thoại để thay thế máy tính vẫn còn rất xa vời với Microsoft, và khi mà một tính năng chủ chốt như vậy không thành hiện thực thì Microsoft đang mất phương hướng.

Continuum.jpeg

Thật khó để dự đoán được Microsoft sẽ làm gì với mảng mobile trong năm nay. Hồi năm ngoái CEO Nadella đã công bố chiến lược 3 dòng điện thoại mỗi năm: doanh nghiệp, giá rẻ, và chủ lực. Nhưng với việc sa thải hàng loạt công nhân và các thương vụ mua bán, chuyển nhượng gần đây, chiếc lược này nhiều khả năng sẽ không biến thành hiện thực. Microsoft chỉ hứa hẹn sẽ có những thiết bị mới và rất tốt, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở lời hứa. Không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có thêm điện thoại Windows 10 Mobile ra mắt trong năm nay.

Nhiều người đang hi vọng vào Surface Phone, và chỉ còn mỗi tin đồn này là điểm bám víu mà thôi. Một chiếc Surface Phone hay một máy tính bảng Surface Mini không đủ để cứu Windows Mobile, nhưng nó vẫn có thể là một nơi mà Microsoft thử nghiệm những ý tưởng mới của mình về việc dùng thiết bị di động như là PC.

Rõ ràng, cuộc chơi di động sẽ không bao giờ có thể dễ dàng với Microsoft nữa. Hãng đã có thể dùng 8 tỉ USD mua Nokia vào những thứ khác, nhưng lúc đó hãng phải chấp nhận rủi ro vì không còn con đường nào khả dĩ hơn để giúp cho giấc mơ OS di động của hãng. Microsoft sẽ không bao giờ thật sự từ bỏ Windows Mobile, tuy nhiên đến giờ chúng ta đành phải thừa nhận rằng giấc mơ đó hầu hết đã thất bại. Microsoft giờ phải chấp nhận sự thật rằng người ra không cần Windows trên điện thoại của họ. Sự thật này đã luôn là nỗi sợ hãi cho Microsoft.

Đã đến lúc tiến tới trước, gạt bỏ quá khứ và tập trung làm ra những phần mềm, dịch vụ tốt cho iOS hay Android. Thực chất Microsoft cũng đã bắt đầu làm chuyện đó rồi, khi đó hãng vẫn sẽ có chân trong thị trường di động, thậm chí là một vị trí rất vững chắc và kiếm được nhiều tiền, chỉ là không phải ở vai trò của một nhà cung cấp hệ điều hành mà thôi.

Tham khảo: The Verge, TechnoBuffalo, ComputerWorld, Gizmodo
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận