S-Pen: “Linh hồn” của Samsung Galaxy Note đã thay đổi ra sao?

S-Pen: “Linh hồn” của Samsung Galaxy Note đã thay đổi ra sao?

Lịch sử hình thành

Ra mắt lần đầu vào năm 2011 trên dòng Galaxy Note đầu tiên, S-Pen là sản phẩm hợp tác giữa Samsung và Wacom. Trước đó, sự phát triển của màn hình cảm ứng điện dung đã gần như khai tử bút Stylus. Vì vậy, Samsung đã quyết định tích hợp một cây bút lên chiếc smartphone cao cấp mới của mình.

S-Pen: “Linh hồn” của Samsung Galaxy Note đã thay đổi ra sao? ảnh 1
Vừa ra mắt, S-Pen đã nhanh chóng khẳng định tầm quan trọng và ưu việt của mình, khiến cho những người cười Samsung thời điểm đó vì tung ra một chiếc smartphone màn hình quá khổ và một chiếc bút chuyển sang trầm trồ, thán phục.

Ban đầu, S-Pen dùng để ghi chú các dữ liệu thay cho ngón tay và thực hiện kích hoạt nhanh một số ứng dụng như chụp ảnh màn hình, ghi chú, viết tay hoặc chụp ảnh. Tuy nhiên, thành công vang dội ngay khi ra mắt khiến Samsung liên tục cải tiến S-Pen từ một cây bút sang một “chiếc đũa thần” với nhiều tính năng như Air View, Scrap Booker, S Finder & Pen Window. Với khả năng nhận biết hàng nghìn mức độ lực SPen cho phép bạn viết, vẽ trên Galaxy Note như trên một quyển sổ thực sự nhưng Pro hơn rất nhiều.

Thiết kế: Tinh tế theo thời gian

S-Pen: “Linh hồn” của Samsung Galaxy Note đã thay đổi ra sao? ảnh 2
S-Pen đầu tiên trên Galaxy Note nguyên bản dài 14mm. Với trọng lượng nhẹ và thiết kế thanh tròn nhỏ gọn S-Pen có thể được rút ra nhẹ nhàng từ phía cạnh dưới của điện thoại.

Tới Galaxy Note 2, S-Pen dài và dày hơn một chút nhưng ở Galaxy Note 3, S-Pen đã trải qua một cuộc đại tu với thiết kế vuông vức, cứng cáp giúp người dùng có thể dễ dàng lấy ra và cất vào.

Đến thế hệ Galaxy Note 4, lỗ đút bút được chuyển sang dạng bấm. Sang tới Galaxy Note 5, người dùng chỉ cần ấn nhẹ để lấy bút. Đặc biệt, có thể lấy bút để xử lý công việc ngay cả khi không cần bật màn hình.

Thiết kế của S-Pen được giữ cho tới Galaxy Note 8 dù S-Pen lần đầu có đầu bút nhỏ 0,7mm, đem lại trải nghiệm tương đương với viết trên giấy thật.

S-Pen: “Linh hồn” của Samsung Galaxy Note đã thay đổi ra sao? ảnh 3
Phải tới Galaxy Note 9 thì Samsung mới có một S-Pen tân tiến bằng việc trang bị công nghệ Bluetooth để biến S-Pen thành một chiếc “điều khiển từ xa” đúng nghĩa. Không chỉ kế thừa công nghệ này, S-Pen của Galaxy Note 10 còn tích hợp pin nhỏ bên trong nên luôn đảm bảo S-Pen có nguồn năng lượng dồi dào do tự động sạc lại khi bút được đưa vào điện thoại. Pin của S-Pen lúc này cũng đã rất đỉnh, đạt tới 10h sử dụng cho một lần sạc đầy. Để thay đổi trải nghiệm cho người dùng, Samsung cũng tặng kèm 2 ngòi rời và công cụ tháo ngòi.

Khả năng cảm ứng lực: Nhiều hơn, thông minh hơn

Công nghệ cảm ứng lực trên các tấm màn hình smartphone đã được người dùng đón nhận nồng nhiệt, đồng thời trở thành xu hướng chung của làng công nghệ thế giới trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, với S-Pen, Samsung đã có cả chục năm phát triển công nghệ này.

S-Pen: “Linh hồn” của Samsung Galaxy Note đã thay đổi ra sao? ảnh 4

Ngay từ khi ra mắt, S-Pen được giới chuyên gia đánh giá cao với thiết kế nhỏ gọn nhưng có độ nhạy tới 256 áp lực và quan trọng nhất là trải nghiệm mượt mà hơn hẳn các PDA chạy Windows Mobile trước đó. Chính khả năng cảm ứng lực tốt là lý do quan trọng để S-Pen thành công vì sự linh hoạt và chân thực giống hệt một chiếc bút đích thực.

Đến Galaxy Note 2, S-Pen được tăng gấp 4 lần độ nhạy áp lực và khả năng phát hiện bút khi đặt gần màn hình mà không cần phải chạm. Điều này tiếp tục được giữ nguyên trên Galaxy Note 3 và bất ngờ nhảy vọt trên Galaxy Note 4 khi S-Pen được cải tiến độ nhạy áp lực lên tới 2.048.

Trên Galaxy Note 7, khả năng cảm ứng lực của S-Pen được nhân đôi. Từ đó đến nay, S-Pen không thay đổi về khả năng cảm ứng lực vì có lẽ như thế đã là quá đủ cho người dùng nên sau thế hệ Galaxy Note 7, Samsung chuyển hướng “đầu tư” cho S-Pen các công nghệ đỉnh cao khác, nhất là các công nghệ không dây.

Air View – chất “ma thuật” của S-Pen

S-Pen: “Linh hồn” của Samsung Galaxy Note đã thay đổi ra sao? ảnh 5
Air View bắt đầu hỗ trợ S-Pen trên Galaxy Note 2. Nói nôm na đây là chức năng “cảm ứng trong không khí”, bao gồm các chức năng nhỏ lẻ như: Gọi điện tắt, xem trước nội dung tin nhắn SMS/Gallery và trong khi cuộn video, phóng to màn hình lướt web… Chức năng này cũng giúp phát hiện bút đặt gần máy mà không cần chạm vào màn hình. Nhờ Air View, S-Pen khác với mọi loại bút điện tử khác trên thị trường và giúp dòng Galaxy Note thành công hơn bất kể một smartphone có bút nào của các đối thủ.

Air View là một chức năng cốt lõi trong S-Pen của Samsung. Khi Air View bị vô hiệu hóa, người dùng sẽ bỏ lỡ nhiều việc có thể làm với Galaxy Note và S-Pen. Người dùng có thể kích hoạt Air View từ menu thiết lập của S-Pen. Để chuyên nghiệp hơn, từ Galaxy Note 3 trở đi Samsung đã hỗ trợ hiển thị nội dung xem trước bằng S-Pen và cả ngón tay của người dùng.

Phía sau một chiếc bút là cả quá trình không ngừng cải tiến công nghệ

S-Pen: “Linh hồn” của Samsung Galaxy Note đã thay đổi ra sao? ảnh 6
Một trong những lý do Samsung thành công với dòng Galaxy Note và S-Pen chính là quá trình cải tiến công nghệ không ngừng của Samsung. Chỉ cần nhìn vào dòng Galaxy Note là có thể biết công nghệ 1 năm của smartphone có gì và thay đổi ra sao.

Bên cạnh Air View đáng giá, từ S-Pen trên Galaxy Note 2 người dùng sẽ có Paper Artist để chuyển ảnh thành tranh vẽ, S Planner để tạo lịch hẹn. Những tiện ích nhỏ nhưng có võ của S-Pen và Galaxy Note.

Đến Galaxy Note 3, nâng cấp đáng giá là menu Air Command, cho phép người dùng truy cập nhanh vào Scrapbook, S Finder, Pen Window và Action Memo.

Trên Galaxy Note 5, người dùng có thể thao tác nhanh với S-Pen ngay cả khi chưa bật màn hình. S-Pen cũng cho phép viết trực tiếp lên văn bản pdf, chụp màn hình theo nhiều cách khác nhau.

Với Galaxy Note 7/ Note FE là các ứng dụng Notes , Screen Write (Viết trên màn hình) và Smart Select (Chọn thông minh). S-Pen còn sử dụng được dưới nước, dịch trực tiếp nội dung, zoom nhưng dùng tay. Đặc biệt, với Animation bạn có thể dùng S-Pen để tạo ảnh động (gif) 15 giây.

S-Pen: “Linh hồn” của Samsung Galaxy Note đã thay đổi ra sao? ảnh 7
Trên Galaxy Note 8, S-Pen ít thay đổi như để tạo ra một cú “nổ” lớn với Galaxy Note 9 khi lần đầu tiên S-Pen tích hợp công nghệ Bluetooth LE (năng lượng thấp) để điều khiển smartphone từ xa với các tác vụ nhất định, chẳng hạn chụp ảnh, trình chiếu slide, phát nhạc...giống như là có phép thuật vậy.

Đến Galaxy Note 10, “đũa thần” này được tối ưu hóa các tính năng so với người tiền nhiệm như: Nhập liệu nhanh, chuyển chữ viết thành ký tự, thao tác vẩy bút Air Actions đa dụng, Screen recorder, AR Doodle…khiến người dùng Galaxy Note luôn có cảm giác khác biệt với số đông.

Kỳ vọng với S-Pen trên Galaxy Note 20?

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Samsung sẽ ra mắt Galaxy Note 20 tại sự kiện Samsung Galaxy Unpacked 2020. Vẫn như những lần trước đó, giới yêu công nghệ lại đổ dồn quan tâm vào “trợ thủ” S-Pen.

S-Pen: “Linh hồn” của Samsung Galaxy Note đã thay đổi ra sao? ảnh 8
Những rò rỉ về thiết kế và màn hình của Galaxy Note 20 cho thấy bút S-Pen sẽ được chuyển sang phía bên trái của cạnh dưới thay vì nằm ở bên phải như các thiết bị tiền nhiệm. Các nút âm lượng bây giờ ở bên phải, tương tự như các dòng Samsung Galaxy khác.

Ngoài ra, S-Pen mới sẽ được tích hợp thêm tính năng trỏ chuột tương tự như máy tính. Không những vậy, chiếc bút thần thánh này còn cho phép người dùng có thể tùy chỉnh màu, chọn biểu tượng trên màn hình, điều hướng xung quanh...một cách ấn tượng. Tất nhiên là còn nhiều công nghệ khác nữa.

Nhiều người tự hỏi tại sao nhiều smartphone có bút nhưng chỉ có dòng Galaxy Note của Samsung là thành công, giờ thì có lẽ mọi người đều đã biết lý do.

Anh Trần

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận