“Tân binh” Surface và tham vọng mỗi người Việt sẽ có một trợ lý ảo nói tiếng Việt

“Tân binh” Surface và tham vọng mỗi người Việt sẽ có một trợ lý ảo nói tiếng Việt

“Tân binh” Surface và tham vọng mỗi người Việt sẽ có một trợ lý ảo nói tiếng Việt

Smartphone Surface Diana. Ảnh: Việt Hải.

Vài năm trở lại đây, thị trường smartphone thương hiệu Việt luôn diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt với hàng loạt thương hiệu như FPT, Viettel, Q-mobile, Mobiistar, HKPhone. Ngoài ra còn có  Lotus Vivas, Mobell, Bavapen, Bphone..

Trong đó, đáng chú ý là các dòng sản phẩm thương hiệu Việt có tên trên thị trường phần lớn tập trung vào phân khúc thấp và cận thấp. Do vậy việc cạnh tranh tại phân khúc này càng trở nên khốc liệt, chưa kể ngoài ra còn có sự tham chiến của nhiều thương hiệu lớn như Samsung, Microsoft...

Nói về lý do nhảy vào “chảo lửa” thị trường smartphone khắc nghiệt vốn cũng đã chứng kiến sự thất bại của không ít tên tuổi, trao đổi với ICTnews, ông Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Fiteltec cho rằng bất kỳ thị trường nội địa nào cũng có sân chơi ngách cho các công ty trong nước, và Fiteltec đã quyết định chọn cho mình hướng đi đó là nhắm vào phân khúc ở trên mức giá rẻ và gần với phân khúc tầm trung, tương đương với mức giá 2,99 triệu đồng.

“Mô hình kinh doanh của Fiteltec là gia công tại Trung Quốc và tập trung nghiên cứu phần mềm gồm hệ điều hành và ứng dụng cho sản phẩm tại Việt Nam”, ông Hùng thẳng thắn chia sẻ, đồng thời cho hay, để tạo ra sự khác biệt so với các mẫu smartphone đang xuất hiện trên thị trường, smartphone Surface Diana của doanh nghiệp này sử dụng hệ điều hành tuỳ biến trên nền tảng AOSP (Android Open Source Project - dự án mã nguồn mở Android do Google cung cấp) và tích hợp trợ lý ảo nói tiếng Việt độc quyền Umind.

Kể về hành trình nhảy vào thị trường smartphone, Giám đốc Fiteltec Bùi Mạnh Hùng chia sẻ: Fiteltec lập phòng R&D từ năm 2013. Giữa năm 2015 bắt đầu đẩy mạnh việc nghiên cứu hệ điều hành di động trên nền tảng AOSP và ứng dụng.

“Tôi và cộng sự đã bỏ nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm, tuyển dụng những bạn trẻ tâm huyết, thông thạo lập trình và sáng tạo tại các diễn đàn công nghệ Việt và các trường đại học. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã có được nguồn nhân lực khá cứng trong mảng tuỳ biến hệ điều hành AOSP, hoàn toàn tự chủ để lập trình cho sản phẩm của mình”, ông Hùng nói.

Riêng về phát triển ứng dụng, trong quá trình tìm kiếm các lập trình viên, Fiteltec đã bắt tay hợp tác với nhóm phát triển Umind gồm 3 người là các kỹ sư lập trình, giảng viên trường Đại học CNTT, Đại học Quốc gia TP.HCM. Umind đã được nhóm lập trình này nghiên cứu trong 4 năm qua với thuật toán sử dụng cho trí tuệ nhân tạo.

"Đã có nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới phát triển công nghệ trợ lý ảo, tuy nhiên đều sử dụng ngoại ngữ chứ chưa có ngôn ngữ tiếng Việt, khiến phần lớn người Việt khó sử dụng. Do đó, với đánh giá của mình và lại trùng hợp với định hướng của công ty, tôi đã không ngần ngại đưa ra quyết định đầu tư cho nhóm phát triển để sớm đưa ra sản phẩm thương mại”, ông Bùi Mạnh Hùng chia sẻ.

“Tân binh” Surface và tham vọng mỗi người Việt sẽ có một trợ lý ảo nói tiếng Việt

Hiện Umind chỉ được cài trên smartphone Surface. Ảnh: Việt Hải.

Nhanh chóng vào cuộc, Fiteltec cùng với các chuyên gia là kỹ sư, giảng viên trường Đại học CNTT, Đại học Quốc gia TP.HCM nghiên cứu và phát triển phần mềm trợ lý ảo Umind hoàn toàn bằng tiếng Việt cho các sản phẩm mang nhãn hiệu Surface của công ty.

​Trợ lý ảo Umind là một phần mềm thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Umind là "người máy" được dạy dỗ để hỗ trợ người dùng tương tác với thiết bị di động​ ​bằng giọng nói 100% bằng tiếng Việt. ​

Tháng 3/2016, smartphone Surface Diana tích hợp Umind bắt đầu ra mắt thị trường Việt Nam. Với Umind, người dùng có thể hỏi giờ, ngày tháng, tìm địa điểm, chỉ đường, hỏi kiến thức đời sống hay nhờ “trợ lý” đọc giúp xem ai vừa gửi tin nhắn đến, nội dung là gì…

Umind cũng có thể được tích hợp với các hệ thống công nghệ của các doanh nghiệp và đây chính là thế mạnh vượt trội của Umind so với các gã khổng lồ Siri (Apple), Google Now (Google), Cortana (Microsoft).

Do đã sở hữu thuật toán, nên việc phát triển Umind không gặp nhiều khó khăn về con người, mà khó khăn lớn nhất là Umind cần được “dạy dỗ” bằng hệ thống Deep Learning khá đắt đỏ (hiểu đơn thuần, Deep Learning là thuật toán dựa trên một số ý tưởng từ não bộ tới việc tiếp thu nhiều tầng biểu đạt, cả cụ thể lẫn trừu tượng, qua đó làm rõ nghĩa của các loại dữ liệu. Deep Learning được ứng dụng trong nhận diện hình ảnh, nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên).

Giám đốc Fiteltec Bùi Mạnh Hùng cũng cho hay, để Umind “khôn lớn”, có nhiều kiến thức hơn giúp đáp ứng nhu cầu giao tiếp rất cần hệ thống máy dạy dỗ mạnh mẽ và đó là thách thức khá lớn tại thời điểm này đối với công ty.

“Tân binh” Surface và tham vọng mỗi người Việt sẽ có một trợ lý ảo nói tiếng Việt

Với giá bán thiết bị dưới phân khúc tầm trung, Fiteltec tham vọng sẽ phát triển mạnh sản phẩm, để mỗi người Việt sẽ có một trợ lý ảo nói tiếng Việt. Ảnh: Việt Hải.

Hiện nay tại Việt Nam cũng đã có đơn vị phát triển trợ lý ảo tiếng Việt, tuy nhiên Umind có thuật toán riêng, được nghiên cứu và hoàn thiện đồng bộ, tích hợp sâu vào hệ điều hành AOSP.

Nói về những trở ngại khi phát triển khả năng "giao tiếp" bằng tiếng Việt cho Umind trong thời gian, ông Bùi Mạnh Hùng cho rằng đó là yếu tố tiếng nói theo nhiều vùng miền với những cách phát âm khác nhau và đây chính là trở ngại trong việc phát triển nhận dạng giọng nói.

Hiện tại, Fiteltec cũng đang thử nghiệm cho một số người dùng sản phẩm smartphone Surface trải nghiệm Umind có thể tự dạy dỗ cho “trợ lý” của mình và Fiteltec cũng tăng cường kiểm soát nội dung. Tuy nhiên theo ông Hùng, để có thể đi đến quyết định cho phép người dùng có thể "dạy bảo" Umind rộng rãi hay không thì vấn đề vẫn đang được cân nhắc bởi doanh nghiệp này lo ngại sẽ có những chủ nhân của Umind dạy dỗ trợ lý ảo của mình những kiến thức mang mục đích xấu.

"Với giá bán thiết bị dưới phân khúc tầm trung, Fiteltec tham vọng Surface sẽ phát triển mạnh để mỗi người Việt sẽ có một trợ lý ảo nói tiếng Việt cho riêng mình", ông Bùi Mạnh Hùng nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận