Bắt giam băng tội phạm quốc tế lừa đảo công nghệ cao hàng chục tỷ đồng

Bắt giam băng tội phạm quốc tế lừa đảo công nghệ cao hàng chục tỷ đồng

Bắt giam băng tội phạm quốc tế lừa đảo công nghệ cao hàng chục tỷ đồng

C50 đã gửi thông báo tới người dân để cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao. Ảnh minh họa: Internet

Theo tin từ Cục Cảnh sát Hình sự , ngày 14/4/2018 Cục này đã tống đạt văn bản tố tụng đến nhóm tội phạm quốc tế lừa đảo công nghệ cao hàng chục tỷ đồng ở Việt Nam. Nhóm đối tượng bị bắt tạm giam gồm 8 người, trong đó có 3 người Đài Loan (Trung Quốc) và 5 người Việt Nam, đã bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi giả danh cơ quan công an, lừa đảo nhiều nạn nhân từ Bắc chí Nam. Trại giam T17 ở huyện Củ Chi, TP.HCM là nơi Cục Cảnh sát Hình sự vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam các nghi phạm trong vụ án lừa đảo quy mô rất lớn. Các nghi phạm bị cáo buộc đã giả danh cơ quan công an, lừa đảo nhiều nạn nhân ở Việt Nam với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Thủ đoạn chính của nhóm tội phạm này là dùng công nghệ cao tạo ra những số điện thoại giống hệt như của cơ quan công an hay Viện Kiểm sát, gọi đến cho người dân, dọa dẫm là số tiền của họ trong ngân hàng dính dáng đến một vụ án hình sự, muốn thoát tội phải chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định để kiểm tra. Sau đó, nhóm tội phạm sẽ lập tức chiếm đoạt số tiền trên.

Một điều quan trọng, đây chỉ là một trong rất nhiều mắt xích trong tổ chức tội phạm chuyên lừa đảo quốc tế. Ngay lúc này, có thể vẫn còn có rất nhiều nhóm khác đang hoạt động tại Việt Nam. Do đó, người dân cần lưu ý, cơ quan công an không bao giờ thông báo về việc khởi tố, bắt giữ người qua điện thoại, đây là điều đã được quy định trong pháp luật.

Cũng với chiêu thức lừa đảo qua điện thoại này, ngày 15/4/2018, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết, trong chưa đầy một tháng, đơn vị này đã tiếp nhận trình báo của 3 nạn nhân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội về việc bị một số đối tượng mạo danh công an lừa đảo với số tiền hơn 7 tỷ đồng.

Vụ thứ nhất, nạn nhân là bà Nguyễn Thị D, 75 tuổi, trú tại phường Quảng An, quận Tây Hồ. Bà D cho biết, ngày 16/3/2018, bà nhận được một cuộc điện thoại vào máy cố định của gia đình, đối tượng đầu dây bên kia tự xưng là công an, công tác tại Công an TP Hồ Chí Minh đang điều tra vụ án ma túy liên quan đến bà D.

Người gọi điện yêu cầu bà D chuyển tiền vào tài khoản của họ để phục vụ công tác điều tra. Từ ngày 16 đến ngày 19/3/2018, theo chỉ dẫn của người mạo danh là công an, bà D đã chuyển tiền vào 4 tài khoản tại 4 ngân hàng, với tổng số tiền là 6,1 tỷ đồng.

Bà Nghiêm Thị M, 72 tuổi, trú tại khu đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai cũng nhận được một cuộc điện thoại vào máy cố định của gia đình bà.

Đối tượng tự xưng là công an, với thủ đoạn cũ, nói bà M liên quan đến một đường dây tội phạm, yêu cầu bà M chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ điều tra.

Bà M đã xuống một ngân hàng ở tầng 1 tòa nhà chuyển 260 triệu đồng vào một tài khoản cá nhân. Sau khi chuyển tiền, bà M nghĩ lại biết mình đã bị lừa nên vội trình báo cho Công an quận Hai Bà Trưng.

Tiếp đó, ngày 11/4/2018, cũng với thủ đoạn tương tự, một nạn nhân ở phố Tân Mai, quận Hoàng Mai cũng nhận được cuộc điện thoại đến nhà giả danh công an lừa hơn 1,1 tỷ đồng…

Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đang phối hợp với công an các quận nơi 3 nạn nhân trình báo để khẩn trương điều tra.

Thủ đoạn gọi điện thoại, mạo danh người của cơ quan công quyền để lừa đảo đã quá cũ, nhưng không hiểu vì sao vẫn có nạn nhân “sập bẫy”? Cơ quan công an cũng lưu ý với người dân, theo qui định của pháp luật, cơ quan công an không bao giờ lấy lời khai của người có liên quan đến các vụ việc qua điện thoại. Khi cần, cơ quan công an sẽ mời lên làm việc bằng cách gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập thông qua cảnh sát khu vực.

Do vậy, người dân không nên tin vào những ai gọi điện xưng là cán bộ công an làm việc qua điện thoại rồi yêu cầu chuyển tiền. Khi nghe điện thoại của người lạ, người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó…

Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không có lý do chính đáng, thì cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận