Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet

Tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT ngày 6/3/2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ phải tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bản quyền truyền hình trên môi trường Internet.

Tình trạng vi phạm bản quyền, nhất là bản quyền truyền hình trên Internet ngày càng nhức nhối và kéo dài từ nhiều năm nay. Trong thời gian qua, ICTnews đã liên tục có bài phản ánh về tình trạng vi phạm bản quyền trên Internet, mạng xã hội. Trước xu thế xem các nội dung thể thao, phim, giải trí qua Internet và mạng xã hội ngày càng tăng thì những thách thức của hành vi xâm phạm bản quyền là mối quan tâm hàng đầu của các nhà sản xuất nội dung.

Gần đây nhất, vào ngày 14/2/2019, cộng đồng mạng xôn xao vì một số trang Fanpage chính chủ (đã được Facebook verify tích dấu xanh – PV) bị biến mất. Trong đó có trang Zing TV có gần 700.000 like, trang Yêu Phim Ngôn Tình có 800.000 like, KhoaiTV có 870.000 like. Ba trang này đã bị Facebook xóa Fanpage vì vi phạm bản quyền bộ phim "Độc Cô Hoàng Hậu" do HT Pictures độc quyền phát hành ở Việt Nam.

Ngay khi chương trình "Gặp nhau cuối năm – Táo quân 2019" vừa lên sóng Nhóm Hiệp sỹ Online đã phát hiện có hơn 20 tài khoản YouTube phát sóng lậu chương trình "Táo quân 2019", hàng chục tài khoản Facebook cũng livestream lậu chương trình. Rất nhiều tài khoản YouTube khác cũng nhân chương trình "Táo quân 2019" để phát sóng lại chương trình Táo quân của những năm trước để kiếm view.

Nhiều tài khoản YouTube, Facebook tiếp sóng lậu "Táo quân 2019" từ VTV, ước tính có tới hàng trăm tài khoản mạng xã hội vi phạm bản quyền "Táo quân 2019". "Nhiều link phát lậu Táo quân 2019 bắt mỏi tay cũng không hết, nhiều tài khoản Facebook đã sau đó đã bị xóa link", đại diện Nhóm Hiệp sỹ Online cho hay.

Từ năm 2018, VTV đã thực hiện đăng ký bản quyền chương trình Táo quân ở Mỹ (nơi có trụ sở chính của YouTube và Facebook) nhằm mục đích ngăn chặn vi phạm bản quyền trên hai mạng xã hội lớn nhất này. Năm 2019, VTV đã gửi hồ sơ đăng ký bản quyền chương trình "Táo quân 2019" tại Mỹ. Trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, đội ngũ kỹ thuật của VTV ra quân tăng cường rà soát, đánh chặn những tài khoản, link vi phạm bản quyền chương trình “Táo quân 2019” cũng như các chương trình Tết của VTV. Nhưng trên thực tế tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn ra mà đơn vị sở hữu quyền như VTV không có đủ khả năng ngăn chặn triệt để.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet

Xôi lạc TV bất chấp vẫn vi phạm bản quyền. Ảnh Fanpage Xôi Lạc TV

Trong năm 2018 chỉ trong vòng 10 ngày có bản quyền ASIAD 2018, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã phát hiện và cảnh báo hơn 10.000 tài khoản mạng xã hội vi phạm bản quyền. Trong suốt kỳ World Cup 2018, đã có hàng nghìn trường hợp vi phạm bản quyền bị phát hiện và cảnh báo, trong đó nhiều nhất là vi phạm trên môi trường mạng xã hội.

Trong kỳ AFF Cup 2018, khi các trận đấu có ĐT Việt Nam diễn ra hàng trăm kênh YouTube và tài khoản Facebook thực hiện livestream, mặc dù hai đơn vị sở hữu bản quyền giải đấu là VTV và Next Media đã liên tục cảnh báo các đơn vị vi phạm nhưng tình trạng vi phạm vẫn ngang nhiên tái diễn. Cũng trong kỳ AFF Cup 2018, Next Media đã chính thức gửi đơn khởi kiện một đơn vị truyền hình trả tiền là SCTV ra Tòa án nhân dân TP.HCM vì SCTV đã vi phạm bản quyền của Next Media trên hệ thống truyền hình trả tiền ở Việt Nam.

Trên Internet, hàng trăm trang web chuyên cung cấp phim lậu, các trang về thể thao cung cấp nội dung lậu tồn tại từ nhiều năm nay, dù cơ quan nhà nước có xử phạt một số trang nhưng thực tế thì như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Giải pháp mà Bộ TT&TT đưa ra từ cách đây hai năm là khuyến cáo các nhãn hàng không đăng quảng cáo trên các trang web có nội dung vi phạm bản quyền cũng giảm được một phần nào vi phạm. Về lý thuyết khi ngăn chặn được nguồn tiền từ quảng cáo thì các trang web lậu sẽ khó có đường sống. Nhưng thực tế thì các trang phát lậu phim và giải đấu thể thao vẫn còn nguồn tiền thu được thì các quảng cáo bất hợp pháp như quảng cáo cờ bạc, quảng cáo game lậu, do đó các trang lậu vẫn tồn tại, thách thức những biện pháp ngăn chặn của cơ quan quản lý.

Đơn cử, Xôi Lạc TV nổi trên cộng đồng mạng trong hai tuần đầu tiên của kỳ ASIAD 2018, khi mà ở Việt Nam chưa có đơn vị truyền hình nào mua bản quyền, vào các trận bóng đá có ĐT Việt Nam, hầu như người hâm mộ bóng đá đều tìm kiếm link phát lậu để xem và Xôi Lạc TV được nhiều người tìm kiếm nhất vì có bình luận tiếng Việt. Trên Xôi Lạc TV phát rất nhiều các trận đấu bóng đá của các giải Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha, các giải châu Á trên các nền tảng web, YouTube và Facebook. Khi bị cơ quan quản lý nhà nước “sờ gáy” Xôi Lạc TV đã liên tục đổi tên thành Bánh Khúc TV, rồi giờ là 90 Phút TV.

Trong khi trước đó ngày 27/8/2018, Xôi Lạc TV cùng với 17 trang web khác đã bị Bộ TT&TT chỉ đạo các nhà mạng chặn truy cập do vi phạm bản quyền ASIAD 2018.

Trên thực tế, sau khi bị chặn truy cập, các trang web lậu đã chuyển sang hoạt động dưới một tên miền khác và vẫn tiếp tục kiếm tiền quảng cáo nhờ những nội dung ăn cắp của các đơn vị truyền hình.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng, vi phạm bản quyền cần phải được xem xét xử lý hình sự may ra mới đủ tính răn đe, bảo vệ các nhà sản xuất nội dung, trả lại sự trong sạch của môi trường số.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận