Cần “bêu tên” các doanh nghiệp cố tình quảng cáo trên trang web vi phạm bản quyền

Cần “bêu tên” các doanh nghiệp cố tình quảng cáo trên trang web vi phạm bản quyền

Cần “bêu tên” các doanh nghiệp cố tình quảng cáo trên trang web vi phạm bản quyền

Xoilac là một trong những trang vi phạm bản quyền ASIAD 2018.

Trước xu thế xem các nội dung thể thao, phim, giải trí qua Internet và mạng xã hội ngày càng tăng thì những thách thức của hành vi xâm phạm bản quyền là mối quan tâm hàng đầu của các nhà sản xuất nội dung. Đơn cử, gần đây nhất chỉ trong vòng 10 ngày có bản quyền ASIAD 2018, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã phát hiện và cảnh báo hơn 10.000 tài khoản mạng xã hội vi phạm bản quyền. Trong suốt kỳ World Cup 2018, đã có hàng nghìn trường hợp vi phạm bản quyền bị phát hiện và cảnh báo, trong đó nhiều nhất là vi phạm trên môi trường mạng xã hội.

Theo báo cáo của VTV, trong tháng đầu tiên phát sóng hai bộ phim "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng", có trên 400 trang Facebook và kênh YouTube vi phạm bản quyền. Các giải bóng đá của K+, VTVcab có bản quyền đều bị nhiều tài khoản mạng xã hội vi phạm. Điển hình nhất là hồi tháng 5/2017, VTVcab đã bị cắt sóng giải bóng đá Champions League và Europa League do bị các đơn vị khác xâm phạm bản quyền trên Internet, sau đó K+ mua lại gói bản quyền này nhưng ngay sau khi vừa lên sóng đã bị xâm phạm trên nhiều trang mạng và App OTT.

Cần sử dụng biện pháp công nghệ phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền

Câu hỏi đặt ra là, các nhà sản xuất nội dung số, các đài truyền hình phải làm thế nào để bảo vệ được bản quyền của mình trên môi trường số. Theo  ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam), bên cạnh việc xử lý bằng pháp lý thì các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số có chiến lược riêng trong bảo vệ bản quyền. Giống các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tự đưa ra chính sách riêng để đảm bảo quyền của chủ sở hữu quyền trên đó.

Ví dụ, cả hai kênh Facebook và YouTube có động thái quyết liệt để bảo vệ người dùng. Họ dùng công nghệ để phát hiện và xử lý vi phạm như ban hành một quy trình, bao gồm: báo cáo vi phạm - gỡ vi phạm - thông báo cho chủ sở hữu quyền - cho phép kháng nghị.

Họ cũng có các công cụ  phát hiện vi phạm như: Gắn cờ (đánh dấu nội dung có thể có dấu hiệu vi phạm). Hoặc cho phép người dùng quét các nội dung của mình trước khi đưa lên để bảo vệ, hoặc dừng đưa lên nếu phát hiện trùng khớp với nội dung đã được đăng ký bảo vệ bản quyền. Đồng thời, tạo ra thư viện lưu trữ những nội dung người dùng muốn được bảo vệ bản quyền, hoặc người dùng có thể quét nội dung video và so sánh với các nội dung có trong cơ sở dữ liệu bảo vệ bản quyền.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, các nhà sản xuất nội dung số Việt Nam nên sử dụng nhiều hơn những giải pháp về công nghệ. Bởi vì các cơ chế về xử phạt hành chính, kiện ra tòa dân sự quy trình giải quyết khá lâu, khi xử lý xong thì thiệt hại cũng rất lớn. Trong khi đó vi phạm bản quyền trên môi trường số diễn ra rất nhanh. Ví dụ, với một trận bóng đá, sau khi livestream trên mạng xã hội, từ khi bị báo cáo cho đến lúc bị gỡ đã tồn tại vài tiếng. Nhưng nếu qua đường thủ tục hành chính có khi phải mất vài ngày hoặc vài tuần. Do đó, dùng biện pháp công nghệ sẽ hỗ trợ tốt hơn cho bảo vệ bản quyền.

"Bêu tên" các doanh nghiệp quảng cáo trên trang vi phạm bản quyền

Một biện pháp nữa là phải tăng cường trách nhiệm của các ISP trong việc ngăn chặn các trang có nội dung vi phạm. Ví dụ, trong kỳ ASIAD 2018 vừa qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng chặn 18 trang vi phạm bản quyền ASIAD thành công.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Đồng, các ISP có thể gặp rủi ro vì vẫn còn những khoảng trống pháp lý khi phát sinh khiếu kiện về xử lý chặn các trang vi phạm của ISP. Ví dụ, các trang cá độ bóng đá vi phạm bản quyền rất rõ. Nhưng có một số trang chỉ có một số nội dung vi phạm bản quyền lẫn vào các nội dung không vi phạm, vậy thì quy trình xử lý các vi phạm này thế nào. Hoặc có những tài khoản bị báo cáo nhiều nhưng liệu các báo cáo này có giả mạo thì sao, khi đó chủ sở hữu quyền có thể kiện ra tòa thì tòa án sẽ giải quyết trường hợp này ra sao? 

Việt Nam hiện chưa có quy trình và bước đi cụ thể để giải quyết các khiếu nại về vi phạm bản quyền trên môi trường số, phần xử lý tranh chấp cũng thiếu quy định. Biện pháp chặn dòng tiền quảng cáo tới các trang vi phạm bản quyền cũng được nói đến nhiều trong thời gian gần đây, bằng cách tắt nguồn tiền đi các trang web vi phạm không còn nguồn để sống nữa. Tuy nhiên, đây là cơ chế mang tính dân sự nhiều hơn, các hiệp hội cần đóng vai trò trong việc công bố báo cáo các trang vi phạm, ai đang quảng cáo trên đó. Với phương thức công khai này thì một doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng sẽ không quảng cáo trên các trang vi phạm bản quyền. Hệ quả là các trang vi phạm bản quyền bị sụt giảm nguồn thu sẽ không còn là mảnh đất béo bở cho những người muốn kiếm tiền theo cách này nữa.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận