Chuyện tặng điện thoại ở Olympic và tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Hàn Quốc

Chuyện tặng điện thoại ở Olympic và tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Hàn Quốc

Làm thế nào để Hàn Quốc vừa là một nước chủ nhà tốt, vừa không vi phạm các lệnh trừng phạt của đồng minh lên Triều Tiên?

Chuyện tặng điện thoại ở Olympic và tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Hàn Quốc

Các nhà hoạt động chống Triều Tiên biểu tình phản đối tại cảng Mukho, Donghae, Hàn Quốc, gần nơi cập bến của chuyến phà chở nhạc sĩ, vũ công và ca sĩ của Triều Tiên tới biểu diễn tại Thế vận hội Pyeongchang 2018. Tàu thuyền của Triều Tiên thường bị cấm hoạt động trên lãnh hải của Hàn Quốc (ảnh: Woohae Cho)

"Cho phép hay không cho phép?" – câu hỏi này đã "hành hạ" các quan chức của Hàn Quốc suốt nhiều ngày qua – những người đang cố gắng hết sức để vừa là một nước chủ nhà của Thế vận hội tốt cho phái đoàn của Triều Tiên, vừa không vi phạm các biện pháp trừng phạt được áp dụng do các chương trình thử vũ khí hạt nhân của họ. Câu hỏi này bắt đầu nổi lên từ ngày 7/2, sau khi một chiếc phà từ phía Triều Tiên đưa các nhạc sĩ, vũ công và ca sĩ xuống Hàn Quốc để biểu diễn trong Thế vận hội Mùa đông – sự kiện khai mạc vào 18h ngày hôm nay (9/2).

Phía Triều Tiên chỉ mới công bố trong tuần này là họ sẽ gửi người của mình bằng phà, chứ không đi trên đất liền như dự kiến. Hàn Quốc cũng đã tỏ ra "chơi đẹp" khi đồng ý tạo một ngoại lệ và cho phép chiếc phà của Triều Tiên đi trên lãnh hải của mình. Tuy nhiên, có vẻ các quan chức Triều Tiên đã "được đà" lấn tới, nói rằng chiếc phà – với tên gọi Mangyongbong-92 – bị hết nhiên liệu và yêu cầu Hàn Quốc tiếp tế để có thể trở về nước sau khi Thế vận hội kết thúc.

Theo báo The New York Times, yêu cầu này của Triều Tiên đã khiến những người thuộc đảng Bảo thủ cảm thấy vô cùng tức giận. Họ cho rằng yêu cầu này chính là ví dụ điển hình nhất cho tham vọng của Triều Tiên khi tham gia Thế vận hội: làm suy yếu quyết tâm của Hàn Quốc trong việc gắn bó với các đồng minh Mỹ và thực hiện các biện pháp trừng phạt – bao gồm cấm xuất khẩu nhiên liệu – một cách nghiêm minh.

Cho đến ngày hôm nay, phía Hàn Quốc vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng của mình. Theo ông Baik Tae-hyun, phát ngôn viên của Unification Ministry, cơ quan phụ trách quan hệ đối ngoại với miền Bắc: "Chúng tôi sẽ thảo luận một cách kỹ lưỡng với Mỹ và các quốc gia có liên quan về vấn đề cung cấp nhiên liệu cho phà Mangyongbong để không nảy sinh những rắc rối với lệnh trừng phạt được áp dụng lên Triều Tiên".

Kể từ tháng trước, khi Triều Tiên đồng ý gửi phái đoàn gồm 22 vận động viên và hàng trăm người hỗ trợ tới Thế vận hội, các câu hỏi liên quan đến lệnh trừng phạt đã khiến ban tổ chức Hàn Quốc phải rất đau đầu. Samsung, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc và là một trong những nhà tài trợ chính của Thế vận hội đã quyết định tặng 4.000 chiếc điện thoại Galaxy Note 8 phiên bản đặc biệt cho các vận động viên và quan chức tham dự sự kiện. Đó là một món quà rất đáng hoan nghênh và không hề gây ra sự tranh cãi – cho đến khi Triều Tiên quyết định có tham gia Thế vận hội.

Chuyện tặng điện thoại ở Olympic và tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Hàn Quốc

Một máy bay chở khách đã đưa vận động viên Olympic của Triều Tiên tới Hàn Quốc vào tuần trước. Các máy bay thường bị cấm không được hạ cánh tại Mỹ trong khoảng thời gian 6 tháng sau khi đến Triều Tiên, nhưng Seoul đã đề nghị Washington đưa ra một ngoại lệ cho trường hợp này (ảnh: Woohae Cho)

Khi ấy, một câu hỏi mới đã được đặt ra: Liệu chiếc điện thoại trị giá 1.100 USD có vi phạm lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ vào Triều Tiên của Liên Hợp Quốc? Hơn nữa, liệu chúng có được coi là một loại hàng hóa "dual use" (những món hàng vừa có thể phục vụ cho mục đích hòa bình, vừa có thể dùng cho mục đích quân sự) vốn bị cấm?

Một số quan chức Olympic gợi ý một giải pháp là phái đoàn của Triều Tiên vẫn sẽ được sử dụng chiếc điện thoại khi ở Pyeongchang, và trả lại trước khi trở về nước. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp thực sự tối ưu, khi Chính phủ Triều Tiên nhiều khả năng sẽ không cho phép phái đoàn sử dụng điện thoại với khả năng truy cập internet tốc độ cao không qua kiểm duyệt, thứ bị cấm tuyệt đối tại quốc gia này. Một phương án khác được đưa ra là sẽ không trao những chiếc điện thoại này cho các vận động viên, tuy nhiên làm như vậy sẽ tước đi quyền lợi rất lớn của những vận động viên vô tội đứng giữa hai quốc gia.

Các vấn đề về lệnh trừng phạt thậm chí còn lan sang cả… gậy hockey. Năm ngoái, khi đội khúc côn cầu của Triều Tiên mang gậy gỗ đến tham dự một giải đấu quốc tế tại Auckland, New Zealand, ban tổ chức đã trao cho họ những thiết bị được làm từ sợi carbon công nghệ cao. Tuy nhiên, đội tuyển đã phải trả lại chúng trước khi trở về nước, vì lệnh cấm các mặt hàng xa xỉ có bao gồm "các thiết bị thể thao giải trí".

Giải pháp tương tự sẽ được áp dụng tại Pyeongchang, khi hai miền Triều Tiên – Hàn Quốc sẽ tạo một đội khúc côn cầu nữ chung. Liên đoàn Khúc côn cầu Quốc tế sẽ cho các thành viên của Triều Tiên mượn các chiếc gậy mới từ Phần Lan, và họ sẽ phải trả lại sau Thế vận hội. Hơn nữa, đội khúc côn cầu sẽ mặc đồng phục do một công ty Phần Lan thiết kế - chứ không phải Nike, một nhà tài trợ khác của Olympic – vì lo sợ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ (một số nguồn tin cho biết các vận động viên Triều Tiên cũng không muốn mặc các bộ đồng phục do Mỹ thiết kế và sản xuất).

Chuyện tặng điện thoại ở Olympic và tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Hàn Quốc

Các vận động viên trượt tuyết Triều Tiên và Hàn Quốc tập luyện tại khu nghỉ mát Masik Pass tại Triều Tiên vào tuần trước. Khu nghỉ mát này là một trong những dự án nổi tiếng của ông Kim Jong-un, Lãnh đạo tối cao của Triều Tiên (ảnh: một hãng tin quốc tế)

Vào tuần trước, Hàn Quốc đã đề nghị Washington (và được đồng ý) cho một ngoại lệ sau khi một chiếc máy bay chở khách của Asiana Airlines đưa vận động viên Hàn Quốc tới Triều Tiên để cùng tập luyện. Thông thường, các máy bay sẽ bị cấm hạ cánh tại Mỹ trong khoảng thời gian 6 tháng sau khi tới Triều Tiên.

Khu huấn luyện chung giữa hai đội tuyển được đặt ở khu nghỉ mát Masik Pass tại Triều Tiên, một sự lựa chọn đã vấp phải rất nhiều sự chỉ trích khi đây là một trong những dự án nổi tiếng của Lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un, người đã trang bị những chiếc xe trượt tuyết và các thiết bị thể thao "được coi là xa xỉ" khác ở miền Bắc nghèo khó.

Chuyện tặng điện thoại ở Olympic và tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Hàn Quốc

Sự kết hợp giữa tình hình căng thẳng của hai quốc gia và sự khó lường của Triều Tiên đang là thứ "hành hạ" các quan chức Hàn Quốc trong suốt những ngày qua.

Triều Tiên đã đợi đến phút chót mới công bố danh sách những người sẽ có mặt trong phái đoàn chính phủ của mình tham gia Thế vận hội, dẫn đến nhiều mối e ngại rằng đây là động thái "nắn gân" Hàn Quốc bằng cách gửi các quan chức cấp cao nằm trong danh sách đen của Washington. Những mối e ngại này càng trở nên có cơ sở khi trong số những cái tên được công bố vào ngày 7/2 có Kim Yo-jong, em gái của Kim Jong-un. Bà đã bị chính phủ Mỹ cho vào danh sách đen tháng 1/2017 với những cáo buộc rằng bà có liên quan đến "các vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và có các hành động mang tính kiểm duyệt" của Triều Tiên.

Ngoài ra, trong phái đoàn của Triều Tiên còn có Choe Hwi, Chủ tịch của Ủy ban Hướng dẫn về Thể thao Quốc gia Triều Tiên, người đã bị đưa vào danh sách trừng phạt của cả Kho bạc Mỹ và của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Vào ngày 8/2, các quan chức Hàn Quốc cho biết họ đang thảo luận với Washington và Liên Hợp Quốc để "mở đường" cho phái đoàn Triều Tiên xuống Hàn Quốc, khi chuyến thăm này của các đại biểu đến từ Triều Tiên có thể làm giảm sự căng thẳng giữa hai nước.

Văn Hoàn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận