Được chia bạc lẻ, các đài truyền hình nên ngừng up video lên YouTube

Được chia bạc lẻ, các đài truyền hình nên ngừng up video lên YouTube

Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng Internet tại Việt Nam do Bộ TT&TT và Hiệp hội Truyền hình trả tiền tổ chức mới đây đã đặt ra câu hỏi các nhà đài Việt Nam có nên tiếp tục up các clip, video do các đài sản xuất lên YouTube để kiếm tiền từ quảng cáo nữa hay không?

Ông Huỳnh Long Thủy, đại diện Tổ hợp truyền thông Đất Việt, đơn vị chiếm lĩnh 27% thị phần doanh thu quảng cáo ở Việt Nam cho rằng, hành vi của người dùng Internet Việt Nam đang tạo ra bất cập trong việc đưa nội dung lên Internet và lợi ích nhà cung cấp dịch vụ nội dung nhận được. Ông Thủy cho rằng, việc khai thác nội dung trên Internet của các đài truyền hình không hiệu quả, nhất là khai thác quảng cáo từ các nền tảng nước ngoài như YouTube và Facebook.

Cụ thể, ông Thủy cho hay, người đang quảng cáo phải trả cho các nền tảng YouTube chi phí từ 160.000 -240.000 đồng cho 1.000 lượt xem quảng cáo, trong khi YouTube chỉ thanh toán lại cho nhà phát hành nội dung vẻn vẹn có 20.000 đồng cho 1.000 lượt xem. Khoản doanh thu mà các nhà phát hành nội dung trên YouTube nhận được rất nhỏ bé do với số tiền mà họ phải bỏ ra để sản xuất nội dung, trong khi nội dung mới là thế mạnh để thu hút quảng cáo thì nhà cung cấp nội dung chỉ được chia lại khoảng 10%. Mức ăn chia với các nhà cung cấp nền tảng xuyên biên giới như YouTube rất thấp, còn nhà quảng cáo của Việt Nam lại phải trả tiền cao để mua quảng cáo, điều này là bất hợp lý.

Được chia bạc lẻ, các đài truyền hình nên ngừng up video lên YouTube

Tại hội thảo có nhiều ý kiến đề nghị Việt Nam phải tính việc xây dựng một mạng xã hội riêng của Việt Nam. Ảnh: M.Q

Do đó ông Thủy đặt ra câu hỏi: Nên chăng Việt Nam phải tính đến việc xây dựng một hệ thống mạng xã hội video tương tự như “YouTube riêng” của Việt Nam. Để xây dựng được một mạng xã hội video riêng của rất cần sự kết hợp giữa nhà mạng, nhà sản xuất nội dung với nhà quảng cáo. Nếu như Việt Nam có được một mạng xã hội riêng, một nền tảng riêng sẽ giải quyết được điều bất hợp lý đang tồn tại đó là: nhà quảng cáo phải trả tiền cao để mua quảng cáo, trong khi đó nhà sản xuất nội dung đưa quảng cáo lên được trả chưa đến 1 USD cho 1.000 lượt xem.

Tuy nhiên, chi phí giá thành đầu tư cho hệ thống nền tảng và CDM cao, chi phí xây dựng platform online cực kỳ cao mà nếu xây dựng xong có ít người dùng, doanh thu thấp không hiệu quả. Vậy câu hỏi đặt ra là ai sẽ đầu tư phát triển nền tảng tốt nhất, câu trả lời mà ông Thủy đưa ra đó chính là các Telco  vì chỉ có Telco mới có khả năng hỗ trợ xây dựng Platform tốt, có hạ tầng phủ rộng, băng thông đủ rộng, các nhà quảng cáo sẽ tập trung quảng cáo trên hệ thống riêng của Việt Nam.

Ông Huỳnh Long Thủy đưa ra kiến nghị, các đơn vị phải cùng hướng tới xây dựng riêng một nền tảng video social network riêng của Việt Nam. Tập trung xây dựng hệ thống riêng để tránh việc thất thoát quảng cáo và vi phạm bản quyền.Trước mắt các nhà sản xuất nội dung phải ngừng đưa nội dung lên YouTube và Facebook, phải ngưng ngay việc tiếp tục up các video này trước khi ngăn chặn những đơn vị OTT lậu. Bộ TT&TT cũng cần cương quyết trong giải quyết nạn vi phạm bản quyền trên Internet, xử phạt nặng các đơn vị đưa các nội dung có bản quyền lên Internet một cách không hợp pháp.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Hãng phim VFC cho biết, VTV đang mong muốn tạo ra một hạ tầng nội dung số để các nhà cung cấp dịch vụ nội dung cùng khai thác, tải nội dung lên đó. Trong các cuộc họp gần đây, lãnh đạo VTV cũng xác định việc đưa lên nội dung do VTV sản xuất lên hạ tầng YouTube chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp toàn cầu, tạo cơ hội cho nội dung thông tin lan tràn nhiều hơn trên các trang OTT lậu. Do đó, việc tạo ra một hạ tầng riêng của Việt Nam sẽ mang lại nguồn thu doanh nghiệp Việt, giúp kiểm soát nội dung tốt hơn và tránh “chảy máu” tiền ra nước ngoài.

Tuy nhiên ông Huỳnh Long Thủy cũng cho rằng, đây là cuộc chơi khó, khó ở chỗ là từ Facebook chứ không phải YouTube, cho dù các nhà đài Việt Nam có cam kết không đưa nội dung lên YouTube đi chăng nữa thì người dùng Việt Nam bằng cách này cách kia, họ cũng tự cắt cup các video để đưa lên Facebook và YouTube, những người up load lên mục đích cuối cùng là để câu view hoặc mang lại lợi ích riêng cho họ. Do đó, cần có một doanh nghiệp đi tiên phong làm nội dung kết hợp với đơn vị sở hữu hạ tầng hỗ trợ cung cấp băng thông giá rẻ. Các nhà quảng cáo cũng có góc nhìn của mình đối với việc có tiếp tục chạy quảng cáo trên các nội dung vi phạm bản quyền nữa hay không.

Ông Đỗ Thanh Hải chia sẻ thêm, thị trường nội dung số hiện không mang lại hiệu quả kinh tế cho các đơn vị làm nội dung của Việt Nam mà chỉ làm lợi cho các đơn vị nắm giữ nền tảng của nước ngoài, chảy lợi nhuận đó ra nước ngoài. Gần đây, VTV đã quyết định không up tất cả các chương trình của VTV lên YouTube nữa, chỉ up những video rất ngắn 2-3 phút để quảng bá, VTV cũng bàn bạc nghiêm túc các giải pháp để bảo vệ tài nguyên nội dung, để các đơn vị làm nội dung khác đừng chạy đua đẩy nội dung lên các trang nước ngoài nữa vì họ chính là đối thủ triệt tiêu ngành truyền hình.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận