Facebook, Twitter và cuộc chiến 'phát sóng trực tiếp'

Facebook, Twitter và cuộc chiến 'phát sóng trực tiếp'

Ngày 6/4, truyền thông ồ ạt đưa tin Twitter giành quyền phát sóng trực tiếp 10 trận của giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ với giá 10 triệu USD. Chiến thắng này là cú tát vào mặt Facebook, khi chính mạng xã hội này được cho là cũng thương thảo với NFL, nhưng bất thành. 

Facebook và Twitter đang có gì? 

Đây không phải là lần đầu Facebook chạy hụt hơi sau Twitter, dù sở hữu lượng người dùng đông đảo hơn. Với hashtag và dòng trending, Twitter từ lâu được đánh giá cao hơn bởi tính thời sự, cập nhật tin tức nhanh và có hệ thống hơn so với Facebook. Trong khi đó, mạng xã hội của Mark Zuckerberg chỉ vừa cập nhật tính năng tìm kiếm theo chủ đề nóng cho toàn bộ người dùng vào cuối 2015.

Facebook, Twitter va cuoc chien phat song truc tiep hinh anh 1
Công nghệ video trực tiếp (Live video) sẽ là vũ khí cạnh tranh của các mạng xã hội trong năm 2016. Ảnh: Buzzfeed. 

Tuy bổ sung trễ tính năng Trending Search, nhưng ở thời điểm đó, Facebook cũng nhanh hơn một bước so với Twitter khi tung ra Live Video. Ban đầu, công cụ này chỉ dành cho người nổi tiếng, nhà báo và những tài khoản được xác thực, nhưng đến 6/4, CEO Facebook tuyên bố đã cập nhật Live Video cho toàn bộ người dùng. Facebook hiện có trong tay những công ty con sở hữu công nghệ Video và Live Streaming hàng đầu như Snapchat, LiveRail, MSQRD,... Những công ty này sẽ cung ứng nhân sự cũng như công nghệ để hoàn thiện tính năng Live Video cho Facebook và Instagram trong tương lai. 

Tuy chưa tích hợp công cụ Live Video như Facebook, nhưng Twitter lại có những vũ khí tiềm tàng khác để cạnh tranh. Mạng xã hội này mua lại Periscope - một công ty sở hữu ứng dụng phát sóng video trực tiếp dành cho iOS lẫn Android vào đầu năm 2015, và được đồn đoán sẽ tung ra công cụ tương tự Facebook trong thời gian tới.

Không chỉ sở hữu công nghệ, Twitter cũng có mối quan hệ riêng. Giám đốc tài chính của Twitter, ông Anthony Noto, từng làm vị trí tương tự tại NFL trước khi về đầu quân cho "chim xanh". Năm ngoái, NFL và Twitter đã ký thoả thuận để phát sóng lại những trận đấu và clip nổi bật của giải bóng bầu dục lớn nhất tại Mỹ, và bây giờ Twitter "nẫng" được hợp đồng phát sóng dài kỳ ngay trước mũi Facebook. Việc giành quyền phát sóng 10 trận NFL sẽ là tiền đề để Twitter nhận được cái gật đầu cung ứng nội dung bản quyền từ nhiều chương trình giải trí lẫn thể thao khác.

Một công nghệ, hai lối đi

Cùng nắm trong tay công nghệ Live Streaming video và lượng người dùng khổng lồ, nhưng diễn biến hiện tại cho thấy Facebook và Twitter dường như không chung lối.

Từ năm 2015, Twitter vốn dĩ mua bản quyền những video đặc sắc của NFL để phát cho người dùng, và nay họ có hợp đồng dài hơi. Theo góc nhìn của Bloomberg, mạng xã hội thứ hai thế giới dường như muốn gặm nhấm miếng bánh truyền hình theo yêu cầu (video on demand) tại các thị trường riêng biệt, thông qua các đối tác lớn.

Facebook, Twitter va cuoc chien phat song truc tiep hinh anh 2

Periscope có thể giúp Twitter có tính năng Live video như Facebook, nhưng Twitter đang tập trung hơn vào việc phát sóng những chương trình lớn có bản quyền. Ảnh: Forbes.

Chẳng hạn tại Mỹ, việc giành quyền phát sóng các trận bóng bầu dục của NFL sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Verizon - nhà mạng đang cung cấp dịch vụ xem trực tiếp giải NFL trên thiết bị di động.  Twitter muốn có thêm người dùng, hoặc giữ chân người dùng bằng các sự kiện thể thao nóng hổi, các chương trình giải trí lớn. Từ đó, bán quảng cáo trong khi đang trình chiếu. Người dùng sẽ không cần rời mắt khỏi mạng xã hội để đi xem bóng đá hay bóng bầu dục ở những kênh khác nữa, mà có thể ở ngay trên Twitter, thưởng thức và bình luận cùng với hàng chục, hàng trăm triệu người khác. 

Facebook không giống Twitter, trong cách tạo ra nội dung lẫn kiếm tiền từ video trực tiếp. Twitter đang theo hướng của Netflix, Amazon,.. trong khi Facebook lại học hỏi mô hình của Youtube. 

Khác với Twitter, Facebook cung cấp tính năng Live Video cho từng người dùng đơn lẻ để chính họ tạo ra nội dung. Cách làm này giống với Youtube. Với Facebook, ai cũng có thể tự tạo ra những đoạn video trực tiếp và thu hút người xem. Nội dung hay dở hoàn toàn phụ thuộc vào người dùng. 

Facebook, Twitter va cuoc chien phat song truc tiep hinh anh 3
Về lâu dài, Facebook sẽ có lượng Live video dồi dào và sáng tạo hơn những chương trình bản quyền trên Twitter. Ảnh: Facebook.

Nói một cách đơn giản, nếu coi người dùng mạng xã hội như một đám đông, cách làm của Twitter là đưa ra một miếng bánh lớn để thu hút số đông và kiếm lợi trực tiếp từ đó. Trong khi Facebook cung cấp "công cụ làm bánh" cho từng cá thể, sau đó hưởng lợi theo % từ thành quả của họ, thông qua việc sàng lọc và phân loại những "miếng bánh" chất lượng nhất. 

Nếu nhìn nhận theo hướng này, Twitter kiếm tiền dễ dàng hơn, nhanh hơn với Live video trong khi Facebook nhặt từng đồng bạc lẻ từ người dùng.

Tuy vậy, Facebook có lợi thế về mặt nội dung khi sở hữu lượng người dùng đông hơn, và mỗi người sẽ là một nguồn tạo ra nội dung khác nhau, đa dạng và sáng tạo hơn những chương trình sẵn có trên Twitter. Trong khi đó, Twitter cũng phải đối mặt với vấn đề chi phí bản quyền truyền hình khi chúng ngày càng có xu hướng tăng giá qua từng năm.  

Theo dự báo của eMarketer, chi tiêu cho quảng cáo qua video kỹ thuật số tại Mỹ sẽ đạt mức 15 tỷ USD vào năm 2019, gấp đôi so với 2015. Đây chính là mục tiêu mà Twitter, Facebook lẫn những bên sở hữu video trực tuyến giành giật nhau, và Live video chỉ là một trong những công cụ để hái ra tiền.  

Ai là nạn nhân?

Theo nghiên cứu của chính Facebook, một video phát trực tiếp sẽ có lượng xem gấp ba lần so với video thông thường. "Ngày càng nhiều người chọn xem và chia sẻ video trực tiếp trên Facebook vì nó mang tính cá nhân, tức thời và xác thực", mạng xã hội này cho biết trong một thông báo gần đây.

Cũng theo số liệu từ eMarketer, khảo sát riêng tại Mỹ, người dùng Internet trong những năm qua ngày càng tiêu tốn nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội và video trực tuyến. Trung bình theo đầu người, một người trưởng thành mất tổng cộng 2 giờ đồng hồ mỗi tháng để xem video trên Internet, 1 giờ 44 phút cho tất cả các mạng xã hội, trong đó có 40 phút dành cho Facebook.

Những con số này tăng theo từng năm, một ngày vẫn chỉ có 24 giờ, đồng nghĩa với việc thời gian dành cho việc xem TV hay đọc báo bị thu hẹp lại. Và nạn nhân "kinh điển" vẫn là báo chí và các tiện truyền thông đại chúng truyền thống như phát thanh, truyền hình, xuất bản,...  

"Thật tuyệt vời khi video trực tiếp trở thành một kênh tin tức hai chiều. Người xem không còn tiếp nhận thụ động nữa", Karunamurthy, cựu kỹ sư của Youtube và hiện là CEO của NOM, cho biết. Theo ông, người xem có thể tương tác, chia sẻ ngay (với nguồn phát) và trở thành một phần của quy trình tin tức. Đặc điểm này vượt trội hơn so với cách tiếp nhận thông tin thụ động hiện tại, giữa công chúng và báo chí - truyền hình. 

Tuy nhiên, nhận định "video trực tiếp trên mạng xã hội sẽ giết chết báo chí truyền thống" có thể là một kết luận vội vã, thiếu căn cứ. Độc giả vẫn cần thông tin chất lượng, độ xác tín cao và nhận định nhiều chiều. Đây là những yếu tố mà những đoạn video trực tiếp, đôi khi vô thưởng vô phạt, trên Facebook hay Twitter không thể có được.

Bên cạnh đó, sức ép có thể đến với chính đội ngũ những người làm báo, khi họ có trách nhiệm tận dụng công cụ mới để đưa tin. Dan Snow, một biên tập viên mảng truyền hình của BBC, cho biết anh cảm thấy áp lực và bị thách thức bởi Live video. "Không có thủ thuật chỉnh sửa hoặc phương án để che giấu những mặt trái", Dan chia sẻ. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận