Hàn Quốc cấm các tài khoản nặc danh, Ấn Độ đánh thuế, ngân hàng Nhật Bản tự phát hành đồng tiền ảo riêng

Hàn Quốc cấm các tài khoản nặc danh, Ấn Độ đánh thuế, ngân hàng Nhật Bản tự phát hành đồng tiền ảo riêng

Trong lúc thị trường tiền ảo đang trồi sụt, động thái của các nước đối với tiền ảo đang khá ngược chiều nhau, nhưng xu hướng "cấm" vẫn đang mạnh hơn.

Hàn Quốc tuyên bố cấm sử dụng các tài khoản vô danh để thực hiện các giao dịch tiền mã hóa.  Những người sở hữu các ví tiền ảo nặc danh sẽ phải liên kết chúng với các tài khoản ngân hàng bằng tên riêng của họ và xác nhận danh tính. Động thái này nhằm ngăn chặn các loại tiền tệ ảo bị lợi dụng cho các hoạt động phi pháp như rửa tiền. Chính sách mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 30/1/2018.

Hàn Quốc được cho là thị trường lớn thứ ba trên thế giới về các giao dịch Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác, sau Nhật Bản và Mỹ. Chính vì thế, bất kỳ quyết định nào của chính phủ nước này đều có tác động không nhỏ tới tiền ảo, tạo nên những cú sốc giá đột ngột và lớn.

Các yêu cầu này của Hàn Quốc cũng tương tự như các quy định tại Mỹ về Know Your Customer (Hiểu rõ khách hàng của bạn) nhằm ngăn ngừa tội phạm.

Hàn Quốc cấm các tài khoản nặc danh, Ấn Độ đánh thuế, ngân hàng Nhật Bản tự phát hành đồng tiền ảo riêng

Trong khi đó, Ấn Độ hiện đang tìm cách đánh thuế lợi nhuận từ những người sở hữu tiền ảo, đồng thời muốn kiểm soát xem số tiền họ thu được như thế nào, các quỹ của họ đang đầu tư ở đâu. Sau khi khảo sát cho thấy người dân Ấn Độ đã tiến hành giao dịch tiền ảo giá trị lớn, hơn 3,5 tỷ USD, trong khoảng thời gian 17 tháng qua, nước này đã thu thập dữ liệu từ 9 sàn giao dịch trong nước, đồng thời gửi thông báo thu thuế cho "hàng chục ngàn người".

Tuy nhiên, theo Reuters, quan điểm chính thức của Ấn Độ về tiền ảo vẫn chưa rõ ràng và chưa đưa ra bất kỳ quy định mới nào xung quanh hoạt động giao dịch tiền ảo.

Tại Indonesia, cơ quan giám sát hoạt động của các công ty dịch vụ tài chính của Inđônêxia, OJK, đã cấm các công ty này áp dụng đồng tiền điện tử, tiền kỹ thuật số hoặc cryptocurrency trong các giao dịch của họ trên toàn quốc. Việc cấm sử dụng cryptocurrency tuân theo Luật số 7/2011 của nước này quy định rupiah là đơn vị tiền tệ duy nhất được phép sử dụng trong các giao dịch ở Indonesia. Trước đó, các nhà chức trách đã vào cuộc điều tra việc sử dụng bitcoin khi phát hiện các quảng cáo trực tuyến của một số doanh nghiệp trên đảo quốc này chấp nhận bitcoin để thanh toán các dịch vụ của họ. Các thanh toán với Bitcoin ở Bali chủ yếu do khách du lịch nước ngoài thực hiện.

Theo chiều hướng ủng hộ, Nhật Bản vẫn đang khá cởi mở với thị trường tiền ảo. Ngân hàng lớn nhất Nhật Bản - Mitsubishi UFJ Financial Group Inc (MTU) vừa công bố sẽ phát hành đồng tiền số của chính mình vào tháng 3/2018. Đồng tiền MUFG sẽ có giá trị tương đương với đồng Yên Nhật và sẽ được phát hành cho các nhân viên của ngân hàng này trước tiên. Nó sẽ cho phép thực hiện các giao dịch tiêu chuẩn, chẳng hạn như mua sắm hoặc chuyển tiền giữa các cá nhân (ví dụ như chia tách hóa đơn sau bữa ăn hoặc đồ uống), với chi phí thấp hơn rất nhiều so với thẻ tín dụng.

Các ngân hàng Nhật Bản đều có xu hướng muốn phát triển đồng tiền số riêng hoặc áp dụng công nghệ để hợp lý hoá các hoạt động, thay vì sở hữu các đồng tiền số hiện có. Chẳng hạn, sáu ngân hàng, bao gồm MUFG, đã tham gia Liên minh phát hành đồng tiền ảo Utility Settlement Coin (USC) của ngân hàng UBS hồi năm ngoái. Đồng tiền này có thể hoán đổi cho nhau bằng một rổ tiền tệ và dự kiến sẽ được phát hành một cách hạn chế vào cuối năm 2018.

Động thái của MUFG là một bước tiến đã được dự kiến từ trước, sau những hoạt động thúc đẩy của chính phủ Nhật Bản nhằm đưa tiền số, được hợp pháp hóa vào năm 2017, vào xã hội Nhật. Theo các báo cáo năm ngoái, Mizuho Financial Group dẫn đầu một tập đoàn các ngân hàng để phát hành một hệ thống tiền số, được gọi là đồng J-coin, vào thời điểm diễn ra Thế vận hội Tokyo vào năm 2020.

Các nhà đầu tư Nhật Bản và các sàn giao dịch đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy giá trị của tiền kỹ thuật số lên mức cao mới. Cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản chiếm phần lớn khối lượng giao dịch với các đồng tiền số phổ biến, chẳng hạn như bitcoin và ethereum.

V.H

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận