Học sinh cấp 3 đam mê robot

Học sinh cấp 3 đam mê robot

Hồ Văn Hào, Nguyễn Minh Luân, Dương Anh Kiệt không chỉ là bạn bè thân thiết, cùng học chung khối 11 trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha mà còn cùng chung đam mê với lập trình và robot. Dù điều kiện thiếu thốn, nhưng tình yêu dành cho môn học tưởng chừng như "khô khan" như lập trình lại khiến cả ba thích thú và quyết tâm theo đuổi.

hoc-sinh-cap-3-dam-me-robot

Từ trái qua phải: Nguyễn Minh Luân, Hồ Văn Hào và Dương Anh Kiệt.

Nguyễn Minh Luân, học lớp 11T, cho biết, em đam mê robot từ khi mới bắt đầu học cấp 2. Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn của một tỉnh biên giới, em không được tiếp xúc nhiều với máy tính và lập trình. Tuy vậy, hàng ngày thay vì bỏ thời gian vào các trò chơi vô bổ, e để dành tiền vào quán Internet để đọc các tài liệu về lập trình, đặc biệt là lập trình cho robot.

"Đến năm lớp 10, em có cơ hội được tiếp xúc với lập trình, và các thầy cô đã chỉ bảo em rất tận tình. Em cũng được gia đình sắm cho một chiếc máy tính, do đó em càng có thêm động lực để theo đuổi đam mê", Minh Luân cho biết.

Hồ Văn Hào cũng có niềm yêu thích robot như Luân. "Cơ duyên giúp em đến với lập trình chính là game. Em tự hỏi là không biết đằng sau sự chuyển động trên màn hình là gì và bắt đầu tìm hiểu. Tuy nhiên, lập trình với robot là điều mới mẻ", Văn Hào chia sẻ.

 Robot của đội trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha

Cùng với Dương Anh Kiệt cũng là một người yêu thích robot, cả ba được tuyển chọn vào đội SRobot của trường Hoàng Lê Kha. "Khi được tuyển chọn vào đội, nhóm cũng khá run vì mọi thứ khá mới mẻ. Nhưng việc có chung sở thích đã giúp các thành viên nhóm hòa nhập khá nhanh", Anh Kiệt cho biết.

Ngay khi được tuyển chọn vào đội, việc đầu tiên của cả nhóm là tìm linh kiện lắp ráp robot. Điều này không phải dễ dàng, bởi ở Tây Ninh không có nhiều nơi bán, và nếu tìm được cũng không đầy đủ. Linh kiện chủ yếu đặt mua ở trên mạng, hoặc nhờ người lên TP HCM mua, hoặc lấy linh kiện từ các thiết bị điện tử hỏng. Cả ba cũng hỗ trợ nhau rất nhiều trong việc đưa ra ý tưởng tối ưu nhất cho robot.

So với những năm trước, các giáo viên chủ yếu làm việc trên robot Lego nhưng năm nay, việc chuyển qua loại robot mới là Adruino với công nghệ mới hơn buộc cả nhóm phải nỗ lực hơn trong việc tiếp cận cái mới. Tuy nhiên, với nền tảng cũ có sẵn, lại được hỗ trợ từ phía giáo viên, việc làm quen khá nhanh.

Việc chế tạo robot và lập trình cho nó cũng khiến các em mất rất nhiều thời gian, quên cả ăn ngủ. Văn Hào kể lại, ban đầu gia đình em cũng lo lắng bởi con mình suốt ngày chỉ tập trung vào robot, sợ việc học hành bị ảnh hưởng. Đó cũng là điều xảy ra đối với gia đình của Kha và Kiệt. Tuy nhiên, nhận thấy sự đam mê của con, gia đình đã đưa ra lời khuyên về cân bằng thời gian, cũng như chăm sóc chu đáo hơn.

Không chỉ chế tạo robot, việc lập trình (bằng Pascal) để cỗ máy vô tri có thể tự vận hành cũng là điều rất khó. Nhiều lần, các em đã phải thức xuyên đêm chỉ để sửa lỗi một đoạn code ngắn. "Đã có lúc em nghĩ mình không làm được, nhưng không hiểu sao có một thứ gì đó thôi thúc em tiếp tục làm, và đã thành công. Mỗi lần như thế, em lại cảm thấy cực kỳ hưng phấn và hạnh phúc", Minh Luân kể lại.

hoc-sinh-cap-3-dam-me-robot-1

Robot tự hành của nhóm học sinh lớp 11.

Theo đánh giá của thầy Khiêm, phụ trách nhóm phát triển robot, cả ba em đều rất thông minh, là học sinh giỏi của trường và đặc biệt là có niềm đam mê mãnh liệt với robot. "Tôi đánh giá cao sự tự giác và tính mày mò tìm hiểu của các em. Không chỉ thực hiện tốt hơn mong đợi những gì mà giáo viên chỉ dạy, các em cũng rất sáng tạo. Ví dụ, các em có thể chế tạo được đoạn mạch giúp ổn định dòng điện để tránh hỏng robot do dòng điện lớn, hay chế tạo công tắc khởi động robot nhanh hơn", thầy Khiên chia sẻ.

Thầy Khiêm cho biết, nhà trường cũng đã hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần để các em có thể tập trung cho đam mê của mình. "Cùng với việc dạy lập trình, tư vấn các phương pháp tối ưu, nhà trường cũng hỗ trợ thêm các em về linh kiện, cách lắp ráp robot và một số thứ thiết yếu. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp với gia đình để giúp các em có thể cân bằng giữa đam mê và học tập", thầy Khiêm nói thêm.

Nói về ước mơ, Minh Luân và Anh Kiệt cho biết mình muốn trở thành các nhà chế tạo robot trong tương lai. Trong khi đó, Văn Hào muốn mình là một chuyên gia công nghệ cao trong lĩnh vực tự động hóa.

Robot của nhóm đã nhận được giải nhất giải Mở rộng tại cuộc thi SRobot lần thứ 5 diễn ra tại TP HCM cách đây ít lâu. "Đây là thành công bước đầu để nhóm có thể theo đuổi đam mê của mình trong tương lai", Minh Luân chia sẻ.

Một robot biểu diễn tại cuộc thi SRobot:

Bảo Lâm

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận