Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh: "Internet buộc báo chí phải thay đổi mạnh mẽ"

Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh: "Internet buộc báo chí phải thay đổi mạnh mẽ"

Ý kiến nhận định nêu trên vừa được ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Tổng biên tập báo điện tử Vietnamplus chia sẻ tại tọa đàm chủ đề “Internet – nền tảng cho doanh nghiệp Việt Hội nhập kinh tế số” do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức ngày 22/11/2017, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Ngày Internet Việt Nam - Internet Day 2017.

Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh: Internet buộc báo chí phải thay đổi mạnh mẽ

Ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Tổng biên tập báo điện tử Vietnamplus (ngồi giữa) tại  buổi tọa đàm “Internet – nền tảng cho doanh nghiệp Việt Hội nhập kinh tế số”.

Nói về vai trò của Internet trong những năm qua, ông Lê Quốc Minh nhớ lại, những năm 1991 - 1992, khi lần đầu tiên đến đơn vị bộ đội kết nghĩa với Thông tấn xã Việt Nam đóng quân cách Hà Nội khoảng 60km, ông đã rất ngạc nhiên khi những tờ báo, tạp chí của Thông tấn xã Việt Nam cung cấp cho đơn vị này phải 1 tuần sau khi phát hành mới đến tay họ.

“Đến nay, Internet thay đổi tất cả, thông tin đưa lên mạng chỉ cần vài giây thì bên kia địa cầu cũng đã có thể biết về Việt Nam và chúng ta cũng có thể nắm bắt, cập nhật được về thế giới rất nhanh chóng. Bên cạnh vấn đề thông tin, Internet cũng đã đem lại tri thức to lớn của nhân loại”, ông Minh chia sẻ.

Theo ông Lê Quốc Minh, với báo chí, sự phát triển của Internet trong những năm qua đã đưa đến nhiều thách thách thức. Báo chí đã phải thay đổi cách thức tác nghiệp, cách thức tiếp cận độc giả. Ông Minh chia sẻ: “Tôi nhớ là những năm đầu có internet thì sự thay đổi này còn chậm, nhưng trong vòng 3-5 năm vừa qua, sự thay đổi vô cùng mạnh mẽ. Cách làm báo theo kiểu cổ điển, truyền thông chắc chắn không còn phù hợp nữa”.

Phân tích về những chuyển mình của báo chí trước làn sóng phát triển mạnh mẽ của Internet, người đứng đầu báo điện tử Vietnamplus nêu quan điểm: “Lâu nay chúng ta vẫn tâm niệm “nội dung là vua”. Và đúng là nội dung do chúng ta sản xuất ra thì chúng có thế mạnh nhất định. Tuy nhiên, nội dung bây giờ nếu chỉ đơn độc thì không thể tiêp cận được độc giả. Công nghệ là vô cùng quan trọng. Thế nên trong giới báo chí chúng tôi hiện có câu “công nghệ là nữ hoàng”. “Vua” mà không có “Nữ hoàng” thì không thể nào tiếp cận được đến độc giả”.

Ông Lê Quốc Minh cũng cho biết thêm, một yếu tố quan trọng nữa là phong cách. Nếu có nội dung hay,  có công nghệ nhưng vẫn tiếp tục đưa thông tin theo cách thức cũ thì báo chí sẽ không thể nào “đánh thức” được sự quan tâm của độc giả, đặc biệt là những độc giả trẻ.

Khẳng định sự khó khăn của báo chí, xuất bản xảy ra trên quy mô toàn cầu, không chỉ riêng tại Việt Nam, ông Lê Quốc Minh cho hay, báo chí trước đây sống bằng quảng cáo. Nhưng thời gian gần đây, những nguồn thu từ quảng cáo đổ hết vào túi Google, Facebook. Theo các nghiên cứu mới nhất, có tới 85% chi phí mới cho dành cho Digital đều rơi vào túi của 2 ông lớn Google, Facebook. Hàng triệu cơ quan báo chí truyền thống trên thế giới, cả lớn lẫn nhỏ, chỉ “loay hoay” chia nhau 15% chi phí còn lại. “Việc dựa vào quảng cáo là nguồn sống của báo chí trong hàng thế kỉ. Giờ đây, nguồn sống này không còn nữa. Đó là thách thức rất lớn”, ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Minh chứng cho nhận định của mình, ông Lê Quốc Minh đã dẫn ra trường hợp báo Guardian của Anh đã phải gần như là kêu gọi mọi người ủng hộ, đóng góp tiền cho họ; hay rất nhiều báo trên thế  giới đã phải chuyển sang hình thức subscription – kêu gọi mọi người mua những nội dung chất lượng cao để báo có thể tồn tại. “Tuy nhiên, không phải tờ báo nào cũng sản xuất ra được nội dung chất lượng cao, vì sản xuất một bài phóng sự, nhất là phóng sự điều tra, tốn kém rất nhiều”, ông Minh bình luận.

Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh một lần nữa nhấn mạnh, thách thức với báo chí đang ngày càng lớn. Báo chí thế giới hay báo chí Việt Nam cũng đang phải “loay hoay” để tìm cách tồn tại.

Cùng với đó, theo ông Minh, trong cơn bão phát triển Internet, bên cạnh những nội dung hay, nội dung tốt, câu chuyện về  tin tức giả (fake news) đang trở thành cuộc khủng hoảng. Hơn bao giờ hết, trong khó khăn, trách nhiệm của báo chí là cần phải giành lại niềm tin để đến được với độc giả và duy trì giá trị cốt lõi của báo chí: đưa sự thật đến với độc giả. Đây là cách thức để tồn tại, chúng tôi biết sẽ rất khó khăn nhưng không còn con đường nào khác.

Nhận định cuộc chiến với “fake news” trong tương lai sẽ còn rất quyết liệt, ông Lê Quốc Minh cho rằng trong thời gian tới, báo chí truyền thông cần phải nâng cao nhận thức người dùng cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt chẽ các nhà mạng...

Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng, cơ quan truyền thông phải chủ động thẩm định thông tin; và đặc biệt là cần ngồi lại với nhau để chia sẻ, cùng bán quảng cáo thay vì quảng cáo chạy cả sang Google, Facebook.

Ngoài ra, vị Tổng biên tập báo điện tử Vietnamplus cũng đề xuất cần có một liên minh về bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí: “Thời điểm này, nếu chúng ta không ngồi lại thì sẽ khó mà chống đỡ được các đợt sóng lớn từ doanh nghiệp nước ngoài”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận