"Sáng kiến" chụp ảnh chân dung thuê bao di động là của ai?

"Sáng kiến" chụp ảnh chân dung thuê bao di động là của ai?

Hàng triệu người đang phải chạy đua với thời gian để tránh bị mất số di động nếu không để nhà mạng chụp ảnh chân dung theo Nghị định 49. Vì vậy, không ít người băn khoăn ai là tác giả của sáng kiến chụp ảnh chân dung để quản lý thuê bao di động dù đã có căn cước hoặc chứng minh nhân dân nộp cho nhà mạng?

Câu trả lời ngắn gọn: chính các nhà mạng! Và có tham khảo kinh nghiệm một số nước.

Theo báo Nhân dân ngày 14/4, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Cục phó Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Khi xây dựng và triển khai Nghị định 49, chính các doanh nghiệp viễn thông di động đã có sáng kiến yêu cầu chụp ảnh chân dung chủ thuê bao để lưu lại, phục vụ khâu hậu kiểm. Việc chụp ảnh chân dung là nhằm tăng tính xác thực khi khó nhận biết chứng minh nhân dân do người đăng ký thuê bao mới hoặc người cần bổ sung thông tin mang đến có đúng là của người đăng ký thuê bao hay không? Việt Nam cũng không phải quốc gia duy nhất áp dụng quy định này. Tham khảo kinh nghiệm các nước như Thái Lan, chủ thuê bao di động không những phải chụp ảnh chân dung mà còn phải lưu cả dấu vân tay để bảo đảm chính chủ. Do đó, nếu bây giờ không triển khai chụp ảnh chủ thuê bao thì khó có cơ sở dữ liệu thuê bao đúng người dù thông tin trong cơ sở dữ liệu có đủ tên tuổi, ngày tháng…

Nếu lập luận như của nhà mạng là khó biết chứng minh nhân dân của người đăng ký thuê bao có thật là của họ không thì có lẽ các giao dịch dân sự quan trọng khác như đăng ký thẻ tín dụng, gửi, rút tiền ngân hàng... sắp tới cũng phải có ảnh chân dung??? Rất may là các ngân hàng chưa nghĩ đến sáng kiến này, trong khi đó các nhà mạng đang "nếm đủ" từ sáng kiến của mình: làm việc cả trong ngày nghỉ, tăng cường nhân lực, đầu tư hệ thống... nói chung là tốn kém. Chưa kể là có thể mất không ít khách hàng.

Hiện tại, MobiFone, Viettel và VinaPhone  khẳng định chưa khoá số nếu khách hàng chưa bổ sung thông tin, chụp ảnh chân dung đến sau 24/4/2018, hạn chót của Nghị định 49. Như vậy có nghĩa, tính thực thi của Nghị định vẫn còn thấp, trong khi gây phiền hà, tốn kém cho cả doanh nghiệp và người dân.

Minh Hương

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận