Sếp Viettel Media: Các mạng xã hội Việt Nam trước giờ thất bại vì đều làm giống Facebook, Google

Sếp Viettel Media: Các mạng xã hội Việt Nam trước giờ thất bại vì đều làm giống Facebook, Google

Tập trung chủ yếu khách hàng trẻ với hơn 7 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng

Ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Viettel Media, đơn vị phát triển Mocha cho biết, mạng xã hội Mocha đang trong quá trình trở thành một siêu ứng dụng (super app), với rất nhiều kho nội dung từ video, phim, tin tức cho đến trò chơi, tương tác... nhằm phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau của người dùng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, ứng dụng Mocha Viettel có mức tăng trưởng người dùng lên tới 58% và đạt hơn 7 triệu người sử dụng thường xuyên hàng tháng. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ khi Mocha ra đời, trong đó đối tượng nhắm đến là khách hàng trẻ từ 13 - 25 tuổi.

Mocha đạt được kết quả tăng trưởng vượt trội trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất phát từ việc ứng dụng của Viettel đã có thay đổi lớn trong hướng đi cho sản phẩm. Trước đó, Mocha khởi đầu là một công cụ giao tiếp cạnh tranh với nhiều ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí khác trên thị trường, với tính năng đặc biệt là người dùng có thể nhắn tin và gọi điện miễn phí cho thuê bao di động thông thường. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2018, Mocha đã có sự nâng cấp lớn, với tầm nhìn phát triển thành một siêu ứng dụng chuyên cung cấp các dịch vụ giải trí đa dạng cho người dùng dưới hình thức một mạng xã hội dành cho giới trẻ.

Sếp Viettel Media: Các mạng xã hội Việt Nam trước giờ thất bại vì đều làm giống Facebook, Google

Để tạo lợi thế cạnh tranh, Viettel Media đang đầu tư sản xuất các nội dung web drama cho đối tượng khách hàng trẻ trên Mocha. 

Gọi và nhắn tin miễn phí trước đây là chức năng chủ chốt của Mocha giờ chỉ là một phần trong những tiện ích của siêu ứng dụng này. Giờ đây, Mocha được định hướng trở thành trung tâm của hệ sinh thái dành cho giới trẻ, là điểm đến cho các nhu cầu như nghe nhạc, xem phim, video, đọc tin tức, chơi game… và kết nối với nhiều ứng dụng khác của Viettel như ViettelPay, MyViettel, MyGo...

So sánh với các mạng xã hội được xây dựng bởi doanh nghiệp trong nước thì Mocha có kho nội dung lớn và đa dạng nhất, bao gồm 10.000 giờ phim (Mỹ, Hàn, Trung Quốc, Việt Nam,…), hơn 1 triệu bài hát, 2 triệu video, tổng hợp 100 đầu báo trên toàn quốc,… Ngoài ra, Viettel Media còn sản xuất các nội dung web drama cho đối tượng học sinh sinh viên, mỗi phim khoảng 20 tập với thời lượng từ 15 - 20 phút. Mỗi tập phim có khoảng từ 700.000 – 800.000 lượt xem, với hàng chục nghìn lượt thích và bình luận, đây là con số đáng kể với một mạng xã hội tập trung vào đối tượng khách hàng chuyên biệt như Mocha.

Về kế hoạch sắp tới, ông Hải khẳng định, Viettel sẽ tiếp tục đầu tư lớn cho Mocha , đặc biệt về mặt công nghệ và nội dung. Mocha đặt mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ có 20 triệu người dùng thường xuyên, phủ kín tập khách hàng trẻ ở Việt Nam từ thành thị cho đến nông thôn. Sau đó, Mocha mới mở rộng sang những đối tượng khách hàng khác. "Viettel xác định sẽ đi từng bước một, không cạnh tranh trực diện với Facebook và YouTube", ông Hải nhấn mạnh.

Nếu mạng xã hội Việt làm giống Facebook, Google rồi đánh bại họ là điều không thể!

Theo ông Hải, nếu các mạng xã hội Việt Nam làm giống Facebook, Google rồi muốn đánh bại họ là điều không thể, bởi vì chúng ta có lợi thế về mặt nội dung bản địa nhưng lại thua họ về công nghệ và nền tảng (platform). "Mạng xã hội Việt Nam muốn cạnh tranh với Facebook, Google cần khai thác những mảng thị trường ngách, chuyên biệt để có thể tạo ra những sự khác biệt", ông Hải nói.

Cụ thể, các công ty công nghệ Việt Nam cần có một mạng xã hội khác, một ý tưởng khác, một làn sóng khác giống như một mạng xã hội chuyên biệt nhắm đến một tập khách hàng riêng hay một mạng xã hội phổ biến nhưng đánh vào một nhu cầu khác của con người. Các mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm Việt Nam không thể tồn tại được vì làm giống Facebook, Google. Ngay cà trên thế giới, Google đã thất bại hoàn toàn trong lĩnh vực mạng xã hội như Google+ vì làm giống Facebook.

"Nếu muốn đánh bại Facebook, phải có một mạng xã hội với mô hình mới hoàn toàn, đủ sức phá huỷ mô hình cũ. Điều đó đòi hỏi sự sáng tạo và đột phá, giống như việc Facebook thay thế và đánh bại Myspace", ông Hải nhấn mạnh.  

Sếp Viettel Media: Các mạng xã hội Việt Nam trước giờ thất bại vì đều làm giống Facebook, Google

Gọi và nhắn tin miễn phí trước đây là chức năng chủ chốt của Mocha, giờ chỉ là một phần trong những tiện ích của siêu ứng dụng này.

Chính vì thế, ngay từ đầu, Viettel Media định vị Mocha là một mạng xã hội chuyên biệt nhắm đến lớp khách hàng trẻ với lợi thế về viễn thông của nhà mạng, nội dung tốt có bản quyền để liên kết với các sản phẩm, dịch vụ khác thành một hệ sinh thái hay một siêu ứng dụng. Lý giải về định hướng trên, ông Hải cho biết, siêu ứng dụng là một xu hướng lớn trong một vài năm trở lại đây nhằm tạo ra nhiều tiện ích trong một ứng dụng để phục vụ nhu cầu đa dạng cho người dùng, cũng giúp các dịch vụ giữ chân được khách hàng lâu hơn với hệ sinh thái của mình.

Trong tổng thể chiến lược kiến tạo xã hội số của Tập đoàn Viettel, Mocha định hướng trở thành một công cụ quan trọng trong việc phân phối nội dung số, một trong 4 trụ cột số của Viettel (nội dung số, giải pháp số, thương mại số và tài chính số).

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận