Sự thực là Apple, Google, Facebook hay Instagram đều không quan tâm đến sức khoẻ của bạn

Sự thực là Apple, Google, Facebook hay Instagram đều không quan tâm đến sức khoẻ của bạn

Sự thực là Apple, Google, Facebook hay Instagram đều không quan tâm đến sức khoẻ của bạn

Quy luật cho và nhận

Đầu tiên, smartphone cho đi. Những thiết bị điện tử có màn hình tí hon đem lại cho chúng ta khả năng kết nối và liên lạc mọi nơi mọi lúc. Tiếp sau đó là khả năng nghe nhạc, xem phim, thậm chí giúp chúng ta bỏ luôn tấm bản đồ giấy to bản cồng kềnh choán diện tích. Cuối cùng là ứng dụng, và ứng dụng mang lại cho con người mọi thứ.

Con người đã nồng nhiệt đón nhận sự có mặt của smartphone nói chung cũng như ứng dụng di động nói riêng và quả thật sự ra đời của ứng dụng đã thay đổi 180 độ cuộc sống hiện đại, mở rộng cánh cửa bước vào tương lai cho nhân loại.

Sự thực là Apple, Google, Facebook hay Instagram đều không quan tâm đến sức khoẻ của bạn

Thế nhưng, đâu đó trên chặng đường hướng tới tương lai xa xôi kia, smartphone bắt đầu nhận lại. Chúng đòi hỏi ngày một nhiều hơn sự quan tâm của chủ nhân. Chúng lấy đi khả năng tập trung của con người, phân tán tâm trí chúng ta khỏi những cuộc họp, buổi hẹn hò hay bữa tối gia đình quan trọng. Chúng ngang nhiên chiếm lấy món quà quý giá nhất thiên nhiên ban tặng nhân loại: Thời gian.

Con người cũng tự lúc nào không rõ trở nên thân thiết hơn với điện thoại, dành tặng cho chúng hàng giờ mỗi ngày, chăm sóc, mua phụ kiện bảo vệ và luôn giữ pin “dế yêu” được sạc đầy. Mối quan hệ ràng buộc đến mức thậm chí đã có nhiều cảnh báo từ các cơ quan sức khỏe cộng đồng về tỷ lệ tử vong do tai nạn vì sử dụng smartphone khi tham gia giao thông ngày một tăng.

Trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng thuộc về ai?

Giờ đây, sau hơn một thập kỷ khái niệm “smartphone” được Apple tái định nghĩa bằng sự ra đời của iPhone, con người dần nhận ra mối nguy hại của sự phụ thuộc quá đà vào điện thoại thông minh và đang bắt đầu “đòi lại” từ smartphone những gì thuộc về mình. Trong bối cảnh giới công nghệ toàn cầu đổ dồn tâm điểm vào tác động tiêu cực của smartphone tới sức khỏe cộng đồng, vấn đề chịu trách nhiệm cho mối quan hệ một chiều giữa con người và điện thoại di động càng trở nên nóng bỏng. Chỉ trong khoảng thời gian vài tháng vừa qua, gánh nặng trách nhiệm đã đổ dồn lên vai tất cả mọi người, từ người dùng phổ thông tới các công ty công nghệ và cả chính phủ. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu và phân bổ trách nhiệm cần được xử lý thật cẩn trọng và sáng suốt, tránh nghiêng quá sâu đổ trách nhiệm lên đầu một bên nào quá nhiều, bởi bất kỳ sự thiếu cân bằng nào đều gây ra hậu quả khôn lường, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng.

Có thể bạn cho rằng trách nhiệm thuộc về các “ông lớn” công nghệ - sau cùng, chính họ là những người đem lại giao diện lôi cuốn bắt mắt và những tính năng mê hoặc con người trên ứng dụng di động, khiến ta không thể nào ngưng kiểm tra điện thoại cứ vài phút một lần. Và bạn hoàn toàn chính xác...một phần.

2018 đã chứng kiến hàng loạt người khổng lồ Thung lũng Silicon lần đầu tiên phản hồi trước áp lực của nhà đầu tư và người dùng về nỗ lực bảo vệ sức khỏe thể chất người sử dụng công nghệ. Gần đây, cả Apple và Google đều đã giới thiệu phiên bản mới nhất của hệ điều hành, lần lượt là iOS 12 và Android P, với những tính năng theo dõi thói quen và thời lượng sử dụng điện thoại của người dùng, cùng với đó mở ra nhiều lựa chọn giúp kiểm soát tốt hơn “cơn nghiện” mạng xã hội bằng cách khóa app. Cuối tuần trước, Facebook và Instagram công bố hãng sẽ tích hợp ngay trong ứng dụng phiên bản di động một công cụ đếm thời gian truy cập mỗi ngày. Nói cách khác, động thái của những “titan” công nghệ ngụ ý (một cách miễn cưỡng): "Nếu mọi người cần giúp đỡ trong việc tìm giải cách thoát bản thân khỏi sản phẩm của chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng hoan nghênh điều đó”.

Song các công ty điện thoại và mạng xã hội không phải là những người duy nhất gánh trách nhiệm bảo vệ sức khỏe số của bạn. Mọi việc đã đi quá xa và chính phủ một số nước không thể tiếp tục làm ngơ. Gần đây, bang Georgia, Mỹ đã ban hành luật cấm lái xe chạm vào thiết bị di động trừ khi xe đang đỗ. Cùng với đó, một dự luật khác trình lên Quốc hội cũng nhận được tán thành của hai đảng và lưỡng viện Mỹ ủng hộ 95 triệu USD đầu tư vào nghiên cứu tác động của công nghệ tới trẻ nhỏ.

Cuối cùng, động thái can thiệp mạnh tay nhất phải kể đến Pháp khi tuần trước chỉnh phủ nước này ban hành luật toàn quốc cấm hoàn toàn sử dụng smartphone tại trường học - một biện pháp cứng rắn mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp Jean Michel Blanquer đã gọi là “thông điệp về an nguy cộng đồng tới từng gia đình”.

Sau cùng, không thể không nhắc đến trách nhiệm bảo vệ sức khỏe của từng cá nhân bởi chỉ chúng ta mới là những người đủ ý thức và khả năng nhất để bảo vệ sức khỏe chính mình. Thị trường sách thế giới đang cháy hàng những đầu sách dạy cách tự thay đổi thói quen công nghệ, tìm điểm cân bằng trong cuộc sống hoặc chia tay hoàn toàn với smartphone để có được thể chất khỏe mạnh và cuộc sống ý nghĩa hơn. Cùng với đó, một số tổ chức phi lợi nhuận, điển hình là Common Sense Media cũng mọc lên ngày một nhiều hơn với nỗ lực giúp đỡ trẻ em và các bậc phụ huynh nuôi dạy con cái thời đại @.

Trách nhiệm bảo vệ sức khỏe số toàn cộng đồng không thuộc về riêng ai, thay vào đó nếu được san sẻ đều giữa các bên và cùng nhau nỗ lực là điều tuyệt vời nhất. “Để giải quyết các vấn đề về sức khỏe cộng đồng, bạn luôn phải tìm được cách cân bằng các yếu tố để tối thiểu hóa tác hại”, theo Mark Gottlieb, giám đốc điều hành của Viện Tư vấn Sức khỏe cộng đồng Mỹ, một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực thuộc lá và công nghiệp thực phẩm. Điều mà mọi người nên quan tâm nhất bây giờ, là trách nhiệm bảo vệ sức khỏe con người đang thực sự được san sẻ như thế nào, ông cho biết. Thật vậy, bởi mỗi khi vấn đề sức khỏe công nghệ được khơi ra, điều duy nhất các “ông lớn” quan tâm là “đùn đẩy” trách nhiệm theo hướng sao cho có lợi cho mình nhất.

Apple, Google, Facebook hay Instagram đều không quan tâm đến sức khỏe của bạn

Sự thực là Apple, Google, Facebook hay Instagram đều không quan tâm đến sức khoẻ của bạn

Quay trở lại những công cụ theo dõi thời gian sử dụng Apple, Google, Facebook và Instagram cung cấp cho người dùng, Gottlieb nói:

“Thoạt nhìn qua có vẻ giống như họ đang cố gắng thay đổi, nhận phần nào trách nhiệm về mình nhưng kỳ thực trên một phương diện nào đó, họ chỉ đang cố gắng che chắn cho bản thân bằng cách đổ lỗi ngược cho người dùng”.

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu những tính năng mới chẳng giúp ích được gì cho người dùng. Sau cùng, điều tồi tệ nhất với bất kỳ mô hình kinh doanh nào là khách hàng không dùng sản phẩm của mình, và Thung lũng Silicon chắc chắn không mấy vui vẻ khi nhận thấy "lợi ích sát sườn" đang bị đe dọa. Thời gian sẽ cho câu trả lời chính xác về mức độ hiệu quả của những công cụ này, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, dữ liệu về thời gian ứng dụng hoạt động không làm thêm bất kỳ điều gì để thực sự ngăn cản người dùng tiếp tục sử dụng ứng dụng. Giống như những bức ảnh gây sốc về tác hại của hút thuốc trên mỗi bao thuốc lá, biểu đồ đếm giờ của Facebook chỉ đem lại cho người dùng một mớ dữ liệu khô khan họ không thực sự hiểu hoặc dù hiểu cũng không thể ngừng sử dụng bởi mạng xã hội đã ăn sâu vào tâm trí họ hệt như cách chất độc nicotine cuộn chảy trong mạch máu người nghiện thuốc. Để rồi sau đó nếu bất kỳ điều gì xảy ra với khách hàng, những người khổng lồ có thể an nhiên phủi tay: “Người dùng đã được cảnh báo trước rồi. Nghe này, chúng tôi đem lại cho bạn công cụ để bạn theo dõi và sửa đổi thói quen của mình, vậy nên giờ đây trách nhiệm nằm ở bạn”.

Phép so sánh smartphone với thuốc lá đương nhiên là một sự ví von phóng đại nhằm thể hiện quan điểm, bởi một bên là chất gây nghiện có khả năng gây tử vong không có bất kỳ giá trị nào cho xã hội, bên còn lại dù trên một khía cạnh nào đó cũng là một thứ “ma túy” nhưng vẫn là phát kiến vĩ đại có những lợi ích nhất định, nếu không muốn nói là đã giúp thay đổi cả thế giới theo hướng tích cực chưa từng có, nhưng rõ ràng về bản chất, các công ty công nghệ đang đối mặt với những vấn đề rất giống với ngành công nghiệp thuốc lá. Tệ hơn nữa, họ đang trốn tránh trách nhiệm của mình bằng những chiêu trò hoàn toàn tương tự.

Cho đến khi chính phủ và các cơ quan thẩm quyền đưa ra được chế tài phù hợp, buộc các CEO thành đạt phải thực sự quan tâm hơn tới an nguy của người dùng, bạn vẫn sẽ là người quyền lực nhất có thể thay đổi thói quen sử dụng công nghệ của mình để có được một lối sống lành mạnh hơn, bởi lẽ khác với Facebook hay Instagram, "lợi ích sát sườn" của bạn là sức khỏe của chính bạn.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận