Thị trường phim bản quyền năm 2017: Đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Thị trường phim bản quyền năm 2017: Đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Đã có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, DN quảng cáo và nhà mạng

Năm 2016 được coi là một năm nở rộ của dịch vụ phim bản quyền tại Việt Nam, đầu tiên là Netflix vừa thông báo mở rộng đến hàng loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam vào tháng 1/2016. Sau đó, một loạt các dịch vụ phim bản quyền khác bắt đầu chính thức cung cấp dịch vụ, từ các đơn vị trong nước như Fim+ , Danet (BHD), Clip TV (Vega) cho đến nước ngoài như Amazon Prime, iFlix hay mới nhất là hãng Fox vừa công bố sẽ mở rộng dịch vụ stream của mình ra các thị trường tại châu Á.

Tuy nhiên, đến năm 2017, thị trường phim bản quyền trực tuyến ở Việt Nam dù đã có một số tín hiệu tích cực nhất định và được người sử dụng quan tâm hơn. Tuy nhiên, chừng nào các trang web lậu vẫn còn nở rộ thì sẽ khó có cửa cho các dịch vụ chính thống. Năm 2017, các trang web cung cấp phim lậu vẫn “lách” để tồn tại dù cơ quan quản lý cũng đã có những động thái nhất định như phối hợp với các nhà quảng cáo để dừng quảng cáo tại các trang web vi phạm hay phối hợp với các nhà mạng để xử lý. Mặc dù vậy, các biện pháp này chưa thực sự hiệu quả, khi các trang web lậu chuyển từ việc sử dụng hosting trong nước sang sử dụng hosting, CDN quốc tế,

Tại Hội thảo về bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng Internet được tổ chức vào tháng 8/2017, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) khẳng định, việc xem phim vi phạm bản quyền trực tuyến hiện chiếm hơn 76,5% của toàn bộ các loại hình vi phạm phim và chương trình truyền hình. Con số so sánh lượt truy cập vào web phim bản quyền chính thống và các trang lậu cũng có sự chênh lệnh rất lớn. Cụ thể, tổng lượt truy cập vào 5 trang vi phạm bản quyền như phimmoi.net, bilutv.com, phimbathu.com… là 292 triệu lượt, cao hơn lượt truy cập vào 5 trang chính thống 29 lần. Trong khi con số chênh lệch giữa phim lậu và bản quyền ở các quốc gia khác như Thái Lan chỉ khoảng 14,3 lần, Malaysia là 3,85 lần.

Chưa dừng lại ở đó, giữa tháng 11/2017, một trang fanpage P+ cung cấp các bộ phim lậu còn ngang nhiên live streaming phim chiếu rạp “Cô Ba Sài Gòn”. Điều này đã khiến cho Ngô Thanh Vân, nhà sản xuất phim Cô Ba Sài Gòn, đã phải chia sẻ đầy bức xúc, bày tỏ sự thất vọng và phải thốt lên “có lẽ đây sẽ là phim cuối cùng tôi sản xuất! Tôi quá thất vọng”. Dù sự việc sau đó đã lắng xuống khi Ngô Thanh Vân chấp nhận lời xin lỗi nhưng việc livestream phim chiếu rạp là một vấn nạn nhức nhối, đau lòng đối với nhà làm phim cả trong nước và quốc tế.

Ông Phan Thanh Giản, Giám đốc Clip TV cho biết, trong một năm qua, dù thị trường phim bản quyền trực tuyến cũng có một số điểm sáng nhất định, tuy nhiên cán cân giữ thị trường phim lậu và bản quyền vẫn chưa sự thay đổi nào lớn. Điển hình là theo báo cáo của MPA, từ tháng 4/2016 họ đã gửi thông báo yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm đến 27 website, nhưng sau vài tháng chỉ có duy nhất 1 đơn vị gỡ bỏ. Một số đơn vị sỡ hữu nội dung lớn như các đài truyền hình, qua trao đổi thì họ cũng chưa tìm được giải pháp hữu hiệu nào để xử lý các nội dung vi phạm.

Thị trường phim bản quyền năm 2017: Đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Sau một thời gian "im hơi lặng tiếng", quảng cáo vẫn tái diễn trên các trang web vi phạm nên cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cơ quan quản lý, DN quảng cáo và nhà mạng.

Xác định mục tiêu lâu dài và đầu tư các nội dung phim Việt

Cũng theo ông Giản, Clip TV xác định là đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình internet có bản quyền, dù khó khăn phải đối mặt với các site lậu, và chi phí bản quyền quá cao. Vì thế, với việc xác định mục tiêu lâu dài, ClipTV vẫn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho bản quyền đặc biệt là 2 nhóm nội dung: Kênh truyền hình trả tiền như : Gói kênh VTVCab, gói kênh FOX,... và các nội dung VOD (phim theo yêu cầu) như Hollywood và đặc biệt là các phim điện ảnh của Việt Nam sản xuất.

Như với Clip TV, tháng 12/2017, đơn vị này đã phối hợp với trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM hỗ trợ tài chính cho sinh viên ngành đạo diễn điện ảnh - truyền hình làm phim tốt nghiệp với mức mỗi dự án phim ngắn từ 10 - 100 triệu đồng. Theo Clip TV, do Việt Nam vẫn còn tương đối chậm với nền điện ảnh thế giới, nên việc ký kết chương trình hỗ trợ tài chính nhằm thúc đẩy và tạo nên nhiều gương mặt mới cho nền điện ảnh nước nhà. Hành động này còn nhằm kết nối cộng đồng trẻ, giúp các bạn có được nhiều thuận lợi hơn khi mới bước vào sự nghiệp nghệ thuật. Bên cạnh việc đầu tư cho các đạo diễn thì đơn vị này còn quan tâm nhiều đến đào tạo các biên kịch hay diễn viên để các bạn có thể mang đến sự mới lạ cho nền điện ảnh Việt trong những năm sắp tới.

Thị trường phim bản quyền năm 2017: Đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”

Clip TV đã bắt tay với trường Đại học Sân khấu điện ảnh để hỗ trợ làm phim cho sinh viên và phát trên hệ thống của mình.

Trước đó, đại diện Danet (BHD) và FimPlus cũng khẳng định, ngoài việc trông chờ cơ quan quản lý mạnh tay hơn với trang phim lậu, các dịch vụ phim bản quyền như Danet, Fim Plus hay một số đơn vị sắp ra mắt sẽ phải “tự thân” bằng cách tăng cường trải nghiệm, truyền thông... để người dùng cảm nhận được sự khác nhau giữa phim bản quyền và phim lậu. Các trang web này đều đặt mục tiêu từ 2—3 năm thì mới hi vọng thị trường phim bản quyền tại Việt Nam khởi sắc.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận